Dự kiến thực hiện 1.000 điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân, tuy nhiên đến nay, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh chỉ mới triển khai hơn 150 điểm. Thực tế, người tiêu dùng TP hằng này vẫn phải mua nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, nhất là rau củ, với giá đắt hơn nhiều so với trước thời điểm giãn cách xã hội.
Có hiện tượng đẩy giá?
Mới đây, vụ việc nhiều cửa hàng Bách Hoá Xanh (BHX) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị người tiêu dùng “tố” tăng giá hàng hóa trong mùa dịch Covid-19 đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía dư luận.
Cụ thể, sáng nay (17/7), sau quá trình kiểm tra 75/641 cửa hàng BHX tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP, lực lượng quản lý thị trường TP kết luận, các cửa hàng BHX chấp hành quy định về niêm yết giá hàng hóa theo quy định và bán đúng giá niêm yết.
Tuy nhiên, chiều cùng ngày 17/7, phản ánh đến báo Kinh tế & Đô thị, nhiều người dân TP cho rằng, đang có sự đánh tráo khái niệm, và không phục với kết quả kiểm tra mà lực lượng quản lý thị trường TP đưa ra.
Phiếu thanh toán chứng minh, hàng hoa ở BHX từ thịt, trứng, rau, củ...đồng loạt tăng giá rất nhiều so với thời điểm trước khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
“Chúng tôi phản ánh là BHX đẩy giá hàng hóa lên cao hơn so với thời điểm TP Hồ Chí Minh chưa thực hiện Chỉ thị 16, chứ không phải là tố BHX bán sai giá niêm yết. Giá niêm yết là giá mà BHX tự đưa ra, và họ bán theo giá đó là chuyện hiển nhiên. Cái quan trọng là cơ quan quản lý thị trường phải tìm hiểu, phải so sánh để kiểm tra việc tăng giá ở BHX là có bất thường hay không có. Nếu có thì xử lý như thế nào, phải rõ ràng như vậy”, chị Bùi Thị Thu Thủy (590 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ quan điểm.
Cũng trong tâm trạng bức xúc, chị Hoàng Ngọc Anh (Văn Thân, phường 8, quận 6, TP Hồ Chí Minh) khẳng định, nhiều cửa hàng BHX có hiện tượng tăng giá: “Nói một cách dễ hiểu, là giá niêm yết ở BHX đang bị đẩy lên cao hơn rất nhiều, có mặt hàng cao hơn đến 150% so với giá niêm yết tại thời điểm TP Hồ Chí Minh chưa áp dụng Chỉ thị 16”, chị Ngọc Anh nói.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Kim Thy (Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cũng xác nhận, BHX có tăng giá, và thậm chí là tăng mạnh giá nhiều mặt hàng.
“Đi BHX hằng ngày, giá cả những mặt hàng hay mua tôi nhớ rất rõ. Tăng giá 1.000 đồng tôi cũng biết ngay, chứ đừng nói đến chuyện tăng giá vài chục ngàn đồng/kg như hiện nay, làm sao không nhận ra được”, chị Kim Thy chia sẻ.
Trước những luồng dư luận trái chiều, mới đây, BHX cũng đã có văn bản gửi tới khách hàng và cổ đông, xác nhận có tăng giá và đồng thời chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tăng giá hàng hoá.
“BHX không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân”, BHX giải thích.
Quản lý thị trương TP Hồ Chí Minh kiểm tra một cửa hàng BHX
Cụ thể, các nguyên nhân được đưa ra là: Thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng BHX tăng đáng kể; tỉ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao; chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc; chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển; hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp…
Đáp lại những lý do chính đáng từ BHX, anh Nguyễn Thanh Huy (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) thắc mắc: “Những khó khăn mà BHX đang trải qua, cũng là những khó khăn chung mà các siêu thị, cửa hàng tiện lợi khác trên địa bàn TP cũng đang chịu đựng. Vậy tại sao, hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam, MM Mega Market…vẫn bán thực phẩm với giá bình ổn, ai sẽ bù lỗ cho họ (nếu có), hay đó là sự lựa chọn để cùng đồng hành, sẻ chia với người tiêu dùng trong thời điểm khốn khó. Ai trả lời giúp tôi câu hỏi này đi?”, anh Huy đặt vấn đề.
Cũng theo anh Huy, BHX đã thừa nhận có tăng giá, có nghĩa là phản ánh của người dân là chính xác. Vấn đề còn lại là việc của cơ quan quản lý nhà nước, cần phải đánh giá xem việc tăng giá này có phù hợp hay không? Có lợi dụng tăng giá kiếm lời trong thời điểm dịch bệnh khó khăn hay không?...
"Một tiểu thương tăng giá trục lợi trong dịch bệnh đã là hành vi đáng lên án, chứ đừng nói là một hệ thống lớn được sự tin tưởng và ủng hộ của người tiêu dùng như BHX. Để minh bạch, tôi mong chính quyền TP làm rõ trắng, đen, không để người dân chịu thiệt, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay", anh Huy nói thêm.
1.000 điểm bán hàng lưu động vẫn “trên giấy”!
Giá cả hàng hóa tăng “chóng mặt” đang là nổi ám ảnh thực sự với người dân TP. Đâu đâu cũng là câu chuyện về giá rau, giá cá, giá thịt…Trong khi đó, chương trình bình ổn thị trường vốn được kỳ vọng, vẫn chưa mang lại nhiều kết quả.
Điển hình là phương thức bán hàng bằng xe lưu động giá bình ổn, đây là các điểm bán mỗi ngày theo lộ trình Sở Công thương TP Hồ Chí Minh và UBND các quận đã bố trí. Theo đó, Sở và quận sẽ thông tin đến người dân về thời gian và điểm bán tại khu dân cư theo từng ngày.
Bán hàng lưu động chưa giải quyết được vấn đề cung cấp thực phẩm cho người dân TP
Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết, cần mua hàng với số lượng lớn phục vụ nhu cầu của gia đình với đông thành viên nhưng do khối lượng vận chuyển của từng xe bán hàng lưu động có giới hạn, cuối cùng việc mua thực phẩm tiếp tục rơi vào cảnh “thiếu trên hụt dưới”.
Để hỗ trợ người dân, Sở Công thương TP đã dự kiến thực hiện 1.000 điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân, tuy nhiên từ ngày 9/7 đến nay, Sở này chỉ mới triển khai hơn 150 điểm. Các hoạt động bán thực phẩm lưu động với giá bình ổn thực tế chỉ như “muối bỏ biển”, và hiện trung bình mỗi ngày người dân TP thiếu cả 1.000 tấn rau củ quả. Chưa kể, nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, nhất là rau củ, tăng giá gấp 2-3 lần so với bình thường, và không dễ mua.
“Hành lá có nơi bán với giá lên đến 100.000 đồng/kg, một củ gừng có giá hơn 20.000 đồng, vài cọng mồng tơi giá 50.000 đồng…là thực tế đang diễn ra ở TP Hồ Chí Minh”, chị Nguyễn Thị Tiên (quận 6, TP Hồ Chí Minh) than thở.
Cũng theo chị Tiên, giá cao nhưng không phải muốn mua là có, mua trực tiếp tại chợ, siêu thị hoặc các cửa hàng tiện lợi thì phải xếp hàng chờ rất lâu. Đến khi được vào mua thì có khi lại hết hàng.
“Mua trực tiếp không được, tôi chuyển sang mua online, thanh toán đơn hàng mua thực phẩm nhưng có khi... vài ngày sau mới nhận được hàng, đặt đồ ăn trưa nhưng khuya mới nhận được, rồi thực phẩm không đảm bảo chất lượng... “, chị Tiên nói thêm.
Hầu hết người dân TP cho biết, đang rất trông chờ vào 1.000 điểm bán hàng lưu động của Sở Công thương TP. Nếu 1.000 điểm bán hàng lưu động có thể nhanh chóng đi vào thực tế, thì tin chắc, việc mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu của người dân sẽ được cải thiện rất nhiều.
Thiết nghĩ, Sở Công thương nên bám sát các thông tin thực tế từ người dân, lấy đó làm chất liệu để đưa ra những chính sách, những giải pháp điều chỉnh thị trường một cách phù hợp…
LUẬT GIÁ 2012
Điều 10. Hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá
2. Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh:
c) Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý;
Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Điều 46. Hành vi đầu cơ hàng hóa
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
2. a) Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;
b) Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên