Qua đánh giá hệ thống siêu thị hiện đại đã đạt công suất cực đỉnh, năng suất kho chứa cũng có giới hạn nên không thể mở rộng. Do đó, Sở Công Thương TP HCM đã huy động các doanh nghiệp, công ty bưu chính, giao hàng, doanh nghiệp logistic… hỗ trợ bổ sung thêm 1.000 điểm bán hàng.
Thông tin trên được ông Bũi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết tại cuộc họp trực tuyến sơ kết 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16 ở TP HCM vào chiều 15-7.
Mua hàng tại siêu thị ở quận 11, TP HCM. (Ảnh: TẤN THẠNH)
Theo ông Vũ, qua tính toán, đơn vị nhận thấy nhu cầu của người dân trước khi có Chỉ thị 16 là khoảng 7.000 tấn lương thực, thực phẩm mỗi ngày. Tuy nhiên, khi 3 chợ đầu mối bị ngưng hoạt động thì việc cung ứng thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Sản lượng thông qua chợ đầu mối chỉ còn 2.700-2.200 tấn, giảm hơn 50% so với trước là 4.500 tấn/ngày.
"Ngành Công Thương đã vận động, huy động lực lượng các hệ thống thương mại, siêu thị, từ thu mua 1.130 tấn thực phẩm/ngày lên gấp 3 lần là 3.430 tấn/ngày. Các đơn vị bình ổn đã nâng từ 1.069 tấn ngày 9-7 đến nay cũng tăng 1.310 tấn/ngày. Như vậy, so với nhu cầu thì TP thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau củ quả tươi sống mỗi ngày" - ông Vũ thông tin.
Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết từ ngày 11-7 đến nay, TP đã huy động các doanh nghiệp logistic, kể cả doanh nghiệp thương mại không tham gia trực tiếp cung ứng thực phẩm nhằm hỗ trợ cung ứng nguồn hàng thực phẩm, đến ngày 14-7 đã có 300 tấn hàng bổ sung mỗi ngày. So với trước khi thực hiện Chỉ thị 16 cũng đang còn thiếu một lượng hàng nhất định.
Sở Công Thương đánh giá hệ thống siêu thị hiện đại đã đạt công suất cực đỉnh, năng suất kho chứa cũng có giới hạn nên không thể mở rộng. Vì vậy, sở đã làm việc với TP Thủ Đức và huyện Hóc Môn để các khu vực gần chợ đầu mối làm các điểm trung chuyển hàng hóa.
"Sở Công Thương đã vận động các thương lái ở những chợ đầu mối giao hàng trực tuyến đưa hàng về các địa bàn, huy động các doanh nghiệp, công ty bưu chính, giao hàng, doanh nghiệp logistic… hỗ trợ bổ sung thêm 1.000 điểm bán.
Ông Vũ cũng cho biết Sở Công Thương đã làm việc với các đơn vị như Tiki, Lazada, Sendo để thống nhất bán rau - củ - quả trên sàn thương mại điện tử, bằng chính kho hàng của họ và các đơn vị này đã đồng ý. Hy vọng thời gian ngắn, tình hình ở TP sẽ được cải thiện nguồn cung ứng cho người dân.
Qua báo cáo của ngành Công Thương, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị cần tận dụng các tổ chức đoàn thể để giải quyết được nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người dân của từng địa bàn.
"Chúng ta nên tính từng địa bàn. Bây giờ khan hiếm hàng thực phẩm nên vận động các nhà cung cấp tăng năng lực cung ứng, chúng ta phải khớp nối giữa hệ thống phân phối và nhu cầu của từng địa bàn, đặc biệt chú ý ở những nơi có đông dân cư và người dân thu nhập thấp" - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Về việc mở lại chợ truyền thống, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng có thể xem xét đề xuất mở bán hàng ở những cung đường phù hợp. Thay vì tổ chức bán trong chợ thì tổ chức kẻ ô, kẻ vạch bán ở lề đường, đảm bảo khoảng cách khi đi vào mua. Bên cạnh đó, điểm bán có khoảng cách cần kẻ thành những ô bàn cờ để phục vụ cho người dân khi hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị vượt quá khả năng cung ứng.