UBND TP HCM đã chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, bảo đảm khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của hơn 9,4 triệu dân trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán.
Theo kế hoạch chuẩn bị, cung ứng hàng Tết mà Sở Công Thương TP HCM vừa công bố, các DN đã chuẩn bị 19.881 tỉ đồng để dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết, tương đương Tết năm 2021. Trong đó, 7.221 tỉ đồng chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến 30 tháng chạp), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 11.024 tỉ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.182,9 tỉ đồng.
Sở Công Thương TP HCM dự đoán với số vốn chuẩn bị như trên, các DN bảo đảm được lượng hàng dự trữ, cung ứng để đáp ứng kế hoạch thành phố giao. Nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm 29%-54,5% nhu cầu như: thịt gia cầm (54,5%), trứng gia cầm (47%), thực phẩm chế biến (28,1%), thịt gia súc (21%), dầu ăn (27,5%), gạo (31,5%).
Theo Sở Công Thương TP HCM, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết, đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, DN trên địa bàn TP HCM sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, SATRA, AEON - Citimart, Big C dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá 5%-49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.
Các siêu thị tại TP HCM đã chuẩn bị nguồn hàng tăng gấp 2-3 lần để phục vụ thị trường Tết 2022
Đến nay, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP HCM đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết với số lượng gấp 2-3 lần so với tháng thường. Các hệ thống này đang tích cực làm việc với những nhà cung cấp tiềm năng từ các tỉnh, thành để bổ sung nguồn cung, thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng trong dịp Tết. Cùng với đó là lên kế hoạch kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm dự kiến tăng cao trong những ngày cuối năm.
Ở kênh phân phối hiện đại, đến nay, cả 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đã hoạt động lại và đang dần ổn định. 194/233 chợ truyền thống đã hoạt động trở lại. Một số địa phương như quận 1, 6, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú, Gò Vấp và huyện Cần Giờ đã mở lại 100% chợ truyền thống.
"Các chợ chưa hoạt động là do một số địa phương còn thận trọng, chưa tích cực mở lại. Một số chợ nằm gần khu vực giáp ranh với tỉnh, thành khác, tiểu thương chủ yếu là người địa phương khác đến kinh doanh nên khó kiểm soát dịch tễ. Sở Công Thương đang đôn đốc các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ động, tích cực rà soát, đánh giá và thực hiện những giải pháp để sớm khôi phục hoạt động của các chợ trên địa bàn trước ngày 31-12, bảo đảm tuân thủ các điều kiện an toàn theo quy định" - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay.
Theo ông Phương, từ nay đến Tết Nguyên đán, DN bình ổn thị trường ở TP HCM sẽ tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký úc xá, bệnh viện. Những DN này cũng tổ chức các chương trình "Thực phẩm bình ổn lưu động" tại Công ty PouYuen, KCX Tân Thuận, KCX Linh Trung I và II… để phục vụ người lao động thu nhập thấp, không có điều kiện về quê đón Tết.
Đối diện áp lực tăng giá mạnh
Theo Sở Công Thương TP HCM, giá nhiên liệu, nguyên vật liệu, chi phí vận tải... trên thế giới biến động; trong nước thì chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa cũng tăng do phòng chống dịch, DN giảm quy mô hoạt động... đã tác động đến giá cả hàng hóa.
Vì vậy, các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, lương thực - thực phẩm từ nay đến cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán còn tiếp tục chịu sức ép, tiềm ẩn nhiều khả năng đối diện áp lực tăng giá mạnh do nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
"TP HCM đã và sẽ làm việc với các tỉnh, thành nhằm bảo đảm đủ nguồn cung với giá cả ổn định, thậm chí khuyến mãi kéo dài, người dân có thể yên tâm mua sắm. Nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố dịp Tết năm nay có khả năng giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Do đó, thành phố khuyến khích các DN đẩy mạnh nguồn cung cho thị trường từ đây đến cuối năm" - đại diện Sở Công Thương nói.