Giá vàng, trái cây, hải sản đồng loạt giảm mạnh; trong khi giá gà công nghiệp tăng gấp 3 lần. Ảnh minh họa
Giá vàng lao dốc
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.797 USD/ounce, tăng 5 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Nguyên nhân giá vàng thế giới tăng là do tỷ lệ lạm phát tại khu vực kinh tế châu Âu vừa qua cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU) cho biết, đã tăng gần 5% trong tháng 12, cao nhất trong vòng 24 năm qua, kể từ năm 1997 trở lại đây.
Mặc dù vậy, nhưng giá vàng thế giới đã không tăng quá mạnh, bởi kim loại quý đang chịu áp lực từ báo cáo việc làm tại Mỹ. Bộ Lao động Mỹ vừa cho biết, năm 2021 thị trường việc làm Mỹ tạo thêm được trên 64.000 việc làm mới so với năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12/2021 đã giảm từ 4,2% của tháng 11 xuống còn 3,9% và cũng giảm hơn so với mức dự báo trước đó 4,1%. Đặc biệt, mức lượng của người lao động trong năm 2021 đã tăng 4,7% so với năm trước.
Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh cả ở chiều tăng và giảm. Đầu tuần phiên ngày 4/1, giá vàng thế giới đã giảm mạnh đến 27 USD/ounce sau khi tỷ lệ thất nghiệp của tuần trước đó đã giảm xuống mức 197.000 đơn xin trợ cấp mới, thấp hơn nhiều dự báo và tuần trước đó. Việc làm tại Mỹ tích cực đã giúp đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh, đẩy giá vàng lùi sâu.
Tuy nhiên, phiên sau đó giá vàng lại bật tăng do nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh lây lan nhanh tại Mỹ cũng như các nước trong khu vực châu Âu ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế. Dù dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, nhưng số liệu về tỷ lệ thất nghiệp tuần qua tiếp tục ở mức thấp đã khiến giá vàng tại thị trường quốc tế giảm mạnh trong phiên thứ 5 ngày (6/1).
Dù phiên cuối tuần tăng, nhưng giá vàng thế giới tính chung trong tuần vẫn mất 22 USD/ounce so với chốt phiên cuối tuần trước.
Chuyên gia nhận định, giá vàng khó có thể tăng cao mặc dù lạm phát tại khu vực châu Âu đang cho dấu hiệu gia tăng. Các phân tích cho rằng, nền kinh tế Mỹ cũng như châu Âu vẫn đang bị đứt gãy nguồn cung hàng hóa, do đó lạm phát chưa được giải quyết. Hiện tại, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu có những biện pháp tháo gỡ chuỗi cung ứng, nhằm đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất và sẵn sàng mở cửa đón các nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh nguồn cung nhiên liệu, khí đốt…
Hiện thị trường đang chờ đợi thông tin lạm phát tại Mỹ, nếu chỉ số CPI tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt thì có thể vàng còn lùi sâu. Bởi các giải pháp kích thích kinh tế, gỡ nút thắt chuỗi cung ứng đã có hiệu quả. Điều này sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới.
Trên thị trường trong nước, sáng nay, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 60,95 - 61,72 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 60,95 - 61,77 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 120.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đã tăng 230.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 770.000 đồng/lượng.
Các doanh nghiệp niêm yết ngang giá vàng miếng SJC so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 60,8 - 61,45 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này tăng 150.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 550.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 60,85 - 61,45 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và giảm chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này tăng đến 150.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán ở mức 600.000 đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng trong nước cơ bản đi theo xu hướng thế giới. Tuy nhiên, mức điều chỉnh tăng thường cao hơn mức điều chỉnh giảm. Do đó, tính đến cuối tuần khi thị trường quốc tế giảm sâu mất 22 USD/ounce so với giá chốt phiên tuần trước nhưng, vàng SJC không giảm mà còn tăng.
Cụ thể, giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 150.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC tại Doji đã tăng 50.000 đồng/lượng và tại Phú Quý đi ngang so với giá mở cửa tuần.
Chuyên gia nhận định, thời điểm hiện tại giá vàng trong nước khó có thể giảm. Bởi giới đầu cơ vẫn tin vào thị trường vàng cuối năm Âm lịch Tân Sửu và đầu năm mới Nhâm Dần, sức mua tăng mạnh nhờ nhu cầu mua cầu may và làm quà tặng. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, người dân có thể mua lượng nhỏ để cầu may, còn không nên đầu tư sẽ gặp rủi ro. Bởi các doanh nghiệp bán ra với giá khá cao, nhưng khi mua lại mức giá rất thấp, do chênh lệnh giữa 2 chiều mua – bán giãn rộng.
Giá gà công nghiệp tăng gấp 3 lần
Hiện giá gà công nghiệp bán tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt mức trên dưới 30.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với thời điểm giá chưa đến 10 ngàn đồng/kg vài tháng trước.
Còn giá gà ta thả vườn nuôi nhốt dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Mạnh Hà, chủ trại gà ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đánh giá, đây chưa phải là mức giá người chăn nuôi kỳ vọng vì thấp hơn so với mặt bằng giá chung cùng kỳ năm ngoái. Nhưng mức giá này đã tăng hơn rất nhiều so với những tháng khó khăn trước đó, người chăn nuôi cũng đã có lợi nhuận. Ngoài ra, thời tiết những tháng cuối năm khá thuận lợi cho con gà tăng trưởng, dịch bệnh cũng được kiểm soát.
Đại diện lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng số gia cầm của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 11/2021 tăng 1,7% so với cùng thời điểm năm 2020.
Kế hoạch cả nước năm 2021 tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi gia cầm bình quân năm 2021 đạt khoảng 5-6% trong đó, thịt gia cầm đạt khoảng 1,7 triệu tấn (tăng 5,8% so với cùng kỳ).
Dự báo về giá gia cầm từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đại diện lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, dù giá gà công nghiệp hiện đang có xu hướng tăng nhưng từ nay đến Tết giá mặt hàng này sẽ về mức ổn định từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg.
"Theo truyền thống của người Việt Nam, vào dịp lễ Tết cuối năm thường dùng gà ta để làm cỗ, cúng lễ nên nhu cầu mặt hàng này sẽ có thể tăng cao trong thời gian tới", đại diện Cục Chăn nuôi phân tích.
Tuy nhiên, do mấy ngày gần đây TP Hồ Chí Minh bắt đầu cho học sinh đi học trực tiếp trở lại, doanh nghiệp gia tăng sản xuất cho những đơn hàng cuối năm nên người chăn nuôi kỳ vọng, các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn trường học...sẽ dần hoạt động trở lại, sức mua tăng dần, giá cả sẽ giữ vững.
Gần Tết, giá nhiều loại trái cây vẫn tiếp đà giảm
Ghi nhận vào ngày 4/1/2021, tại chợ Thổ Quan (Khâm Thiên, Hà Nội), giá thanh long chỉ 10.000 - 15.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với tháng trước; cam Hà Giang chỉ 10.000 - 12.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg; dưa hấu Sài Gòn chỉ 12.0000 đồng/kg, giảm 7.000 - 8.000 đồng/kg; mít thái da xanh có giá 12.000 - 15.000 đồng/kg, giảm từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Tại một cửa hàng trái cây tươi ở Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội), từ bán lẻ, cửa hàng này tiến hành bán theo combo với giá rẻ chưa từng có.
Cụ thể, ổi Di Trạch có giá 99.000 đồng/10kg; thanh long trắng xuất khẩu 99.000 đồng/thùng 14kg (chỉ 7.000 đồng/kg); xoài keo vàng 100.000 đồng/thùng 13kg (8.000 đồng/kg); bưởi da xanh 235.000 đồng/thùng 10 quả, nặng từ 1,2-1,5kg/quả…
Chị Nguyễn Phượng, chủ cửa hàng trái cây tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết thông thường các năm trước, càng về sát Tết Nguyên đán thì giá các loại trái cây lại càng cao do sức mua tăng.
Lấy ví dụ, chị Phượng cho biết, vào năm 2019, cận Tết, giá dưa hấu Sài Gòn sẽ có giá khoảng 20.000 đồng/kg; thanh long có giá khoảng 35.000 - 50.000 đồng/kg; bưởi da xanh từ 60.000 - 70.000 đồng/quả, nặng trên 1,2kg…
Tuy nhiên năm nay, chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng giá các loại trái cây lại rất rẻ và rẻ hơn nhiều so với các tháng trước.
“Khoảng hơn 1 tuần nay, các loại trái cây ồ ạt đổ về Hà Nội với giá rẻ. Xoài hạt lép Đài Loan trước có giá 20.000 đồng/kg nhưng giờ chỉ còn 10.000 đồng/kg; bưởi da xanh Bến Tre chỉ 30.000 đồng/quả; dưa hấu chỉ 12.000 đồng/kg…”, chị Phượng nói.
Giá rẻ nhưng theo chị Phượng, lượng hàng bán ra không nhiều do người tiêu dùng gặp đâu mua đấy, không cần phải chọn cửa hàng quen biết như khi giá bình ổn.
Nguyên nhân các loại trái cây những ngày gần đây có giá rẻ được các tiểu thương cho rằng, đây là thời điểm mà các loại trái cây như cam, bưởi, dưa hấu đang vào chính vụ trong khi việc tắc nghẽn kéo dài tại các cửa khẩu phía Bắc cả tháng qua khiến các loại trái cây đổ về chợ với số lượng lớn, giá rẻ.
Giá hải sản giảm mạnh
Những năm trước, càng về Tết thì nhu cầu hải sản lại ngày càng tăng cao vì nhu cầu mua làm quà biếu hay làm thực phẩm trong bữa ăn ngày Tết. Tuy nhiên, năm nay, chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng thị trường hải sản vẫn hết sức ảm đạm, giá vẫn neo ở mức thấp suốt nhiều tháng không có dấu hiệu tăng trở lại.
Tại chợ Long Biên, chợ đầu mối phía Nam Hà Nội hay một số các khu chợ khác tại hà Nội, giá nhiều loại hải sản chỉ bằng 1/2 so với cùng thời điểm này năm trước.
Cụ thể, ốc hương loại to chi 200.000 đồng/kg, ốc hương loại vừa chỉ từ 120.000 - 150.000 đồng/kg; cua thịt Cà Mau loại 5 con/kg chỉ còn 250.000 đồng/kg, loại 4 con/kg chỉ còn 300.000 đồng/kg, loại 3 con/kg là 400.000 đồng/kg, loại 2 con chỉ 450.000 đồng/kg; bề bề tươi sống loại 12-14 con/kg chỉ còn 250.000 đồng/kg; mực trứng chỉ 150.000 đồng/kg; mực ống loại to chỉ 250.000 đồng/kg; tôm sú size 15 con/kg chỉ 320.000 đồng/kg.
Ngoài các loại hải sản thông thường thì các loại hải sản cao cấp khác cũng chịu cảnh "rớt giá" khi cua hoàng đế chỉ còn 1,5 triệu đồng/kg; tôm hùm đỏ Úc chỉ 900.000 đồng/kg; cá hồi Sa Pa chỉ 170.000 đồng/kg; cá vược biển chỉ 150.000 đồng/kg; cá chim vàng anh chỉ 180.000 đồng/kg; cá thu cắt khúc chỉ 160.000 đồng/kg.
Các loại sò, ốc, ngao cũng có giá khá rẻ. Ví dụ như ốc móng tay chỉ còn từ 55.000 - 70.000 đồng/kg; ngao giấy loại to có giá chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg; sò lông có giá chỉ 30.000 đồng/kg; sò thưng chỉ 45.000 đồng/kg; ốc vôi 70.000 đồng/kg; ốc gai 40.000 đồng/kg; vẹm đỏ chỉ 65.000 đồng/kg.
Đặc biệt, ngoài các loại ghẹ xanh, ghẹ 3 mắt, ghẹ đỏ có giá từ 200.000 - 350.000 đồng/kg loại từ 4-5 con/kg thì những ngày gần đây còn xuất hiện loại ghẹ mặt trời, hay còn gọi là ghẹ giấy được bán với giá rẻ bất ngờ.
Chị Thanh Nga, tiểu thương chợ Long Biên (Hà Nội) cho biết, ghẹ giấy tại cửa hàng chị đang bán với giá chỉ 125.000 đồng/kg loại 6-7 con/kg.
"Loại ghẹ này vỏ mỏng, thịt chắc và ngọt. Những năm trước không có nhiều nhưng năm nay do việc xuất khẩu đi Trung Quốc gặp khó khăn nên ghẹ giấy được giao sỉ cho các đầu mối tại Hà Nội với giá rẻ. So với cua đồng còn rẻ hơn vì cua đồng 150.000 đồng/kg tận 30-40 con nhưng ghẹ giấy chỉ 125.000 đồng/kg chỉ 5-6-7 con/kg. Giá rẻ nên mỗi ngày tôi bán được từ 1-2 tạ loại ghẹ này", chị Nga cho biết.
Theo chị Nga, những năm trước, nhu cầu mua hải sản để liên hoan cuối năm hay làm quà biếu rất cao nên càng về những tháng cận Tết, giá hải sản càng tăng mạnh. Năm nay thì ngược lại, giá không những không tăng mà còn giảm mạnh so với dịp đầu năm, khách mua cũng thưa vắng, ế ẩm.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng loạt nhà hàng, quán ăn của hầu hết các địa phương phải đóng cửa, đồng thời dừng đón khách du lịch ngoại tỉnh. Vì vậy, nhiều loại hải sản của các tàu đánh bắt và của các hộ dân nuôi trồng thủy hải sản rơi vào tình trạng rớt giá chưa từng có.
Đặc biệt, vào những tháng cuối năm, dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp tại Hà Nội, nâng tổng số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ trước đến nay nên người dân hạn chế ra đường và tập trung đông người, các nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa theo từng cấp độ dịch. Đồng thời, một số cửa khẩu phía Bắc phải tạm ngừng thông quan, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn khiến cho thị trường tiêu thụ hải sản giảm mạnh, kéo theo giá các mặt hàng này liên tục giảm sâu.
Theo tieudung.vn