Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.801 USD/ounce - giảm 7 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng thế giới trên thị trường quốc tế quay đầu giảm là do dự báo chỉ số quản lý thu mua hàng tổng hợp (PMI) ở khu vực châu Âu tăng từ 59,5 điểm trong tháng 6 lên mức 60,6 điểm trong tháng 7, cao hơn nhiều mức dự báo và tăng cao nhất trong vòng 21 năm qua.
Điều này cho thấy, kinh tế Khu vực Eurozone đang tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp dịch bệnh Covid-19 vẫn còn gia tăng. Những thông tin tích cực về kinh tế đã khiến nhà đầu tư đã hạ tỷ trọng nắm giữ vàng.
Giá vàng giảm mạnh. (Ảnh: Internet)
Tuần qua, giá vàng thế giới thiếu những yếu tố hỗ trợ. Thông tin trong tuần phần lớn là phản ánh về sự tăng trưởng tích cực của các doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ, kinh tế khu vực châu Âu đã khiến cho giá vàng không được hỗ trợ. Trong tuần, duy chỉ có phiên ngày 23/7, giá vàng nhích tăng sau thông tin báo cáo việc làm tại Mỹ kém khả quan. Chốt tuần, giá vàng thế giới để mất 13 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Mặc dù kinh tế châu Âu đang tăng trưởng tích cực, nhưng chuyên gia cũng nhận định: Dịch bệnh gia tăng là chậm trễ sự phục hồi của các chuỗi cung ứng, do đó sẽ làm tổn hại đến lĩnh vực sản xuất. Điều này sẽ đẩy chi phí tăng, kéo theo giá cả hàng hóa lên cao, kinh tế sẽ rơi vào tình trạng lạm phát. Khi đó giá vàng sẽ leo cao. Do vậy, giới phân tích, nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ vàng trong điều kiện nền kinh tế phục hồi chưa ổn định.
Tuần qua, giá vàng trong nước đi theo xu hướng thế giới. Tuy nhiên, mức điều chỉnh trong biên độ hẹp. Các bước điều chỉnh giá chỉ từ 20.000 - 100.000 đồng/lượng.
Tính chung, giá vàng SJC trên thị trường tự do giảm 100.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC niêm yết tại Doji giảm 50.000 đồng/lượng; ngược lại tại Phú Quý vàng SJC lại tăng 130.000 đồng/lượng.
Thị trường vàng trong nước tuần qua tiếp tục ảm đạm. Nhiều cơ sở phải đóng cửa phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ ở một số tỉnh/thành phố. Hầu hết các cơ sở bán hàng online phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân là chủ yếu. Ở các tỉnh/thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, các cơ sở kinh doanh đều đã đóng cửa bán hàng trực tiếp.
Rau xanh tại chợ truyền thống tăng giá
Sau khi UBND TP Hà Nội có Công điện số 15 về tăng cường biện pháp phòng dịch Covid-19, giá rau xanh tại các chợ truyền thống tăng nhẹ, trong khi siêu thị vẫn giữ mức bình ổn.
Rau, củ quả tăng giá. (Ảnh: Internet)
Cụ thể, ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá mặt hàng rau, củ quả đã tăng nhẹ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Các tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Kim Liên, Khương Thượng (quận Đống Đa), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) thông tin, vài hôm trước bí xanh được bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng hiện đã tăng lên mức 25.000 đồng/kg; Rau cải từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg, rau muống từ 5.000 - 6.000 đồng/bó, hiện được bán với giá 10.000 - 12.000 đồng/bó, cà chua từ 15.000 đồng/kg nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg, mướp đắng tăng lên 17.000 đồng/kg, mướp hương lên 20.000 đồng/kg.
Chị Thanh Hiền ở đường Trần Hữu Tước (quận Đống Đa) than phiền, ngày thường một bông súp lơ bé chỉ có giá khoảng 6.000 - 10.000 đồng, nay đã tăng lên 15.000 đồng; ngay cả mặt hàng khoai tây cũng tăng từ 15.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg.
Dù các chợ truyền thống tăng giá, nhưng các siêu thị vẫn giữ nguyên giá bán mặt hàng rau, củ quả. Tại siêu thị Big C Thăng Long, Vinmart Thăng Long (quận Cầu Giấy), Hapro Thành Công (quận Ba Đình) giá rau củ vẫn giữ ổn định, như bí xanh 14.300 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, cải bắp trắng 12.500 đồng/kg… và được bán với số lượng không giới hạn.
Lý giải nguyên nhân khiến giá rau, củ quả tăng giá, các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này có chung ý kiến, những ngày gần đây mặt hàng bí xanh, bí đỏ tăng giá khá mạnh do các đầu mối cung ứng rau xanh tăng lượng hàng vận chuyển vào các tỉnh phía miền Nam qua đó hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh không thiếu rau, củ quả trong thời gian giãn cách phòng chống Covid-19. Ngoài ra người dân tại một số khu vực có các ca mắc Covid-19 do lo ngại cơ quan chức năng thiết lập vùng cách ly đã dự trữ thực phẩm, rau xanh đủ dùng trong 5 - 7 ngày kéo theo sức tiêu thụ tăng. Một bộ phận nhỏ người dân lo ngại hàng hóa khan hiếm nên mua số lượng nhiều hơn thường ngày.
Giá trứng gà tăng đột biến
Ghi nhận tại siêu thị Big C Garden (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội), giá trứng gà ta ở mức 48.500 đồng/chục, tăng hơn 3.000 đồng so với tuần trước.
Giá trứng gà tăng đột biến. (Ảnh: Internet)
Tương tự, ở một số chợ truyền thống, trứng gà công nghiệp dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/chục, tăng 5.000 đồng, trứng vịt 35.000 - 38.000 đồng một chục, tăng 5.000 - 8.000 đồng.
Đáng chú ý, tại siêu thị Big C Garden, gian bán trứng gia cầm còn treo thông báo "do số lượng có hạn, mỗi ngày khách hàng chỉ được mua 3 vỉ trứng các loại/khách hàng/ngày".
Trứng gia cầm không chỉ tăng giá ở siêu thị, ở các chợ dân sinh, giá trứng gà ta cũng tăng từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/chục.
Theo giải thích của các tiểu thương tại một chợ Nghĩa Tân và Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), họ phải tăng giá bán lẻ do giá nhập trứng từ chợ đầu mối cao hơn. So với đầu tháng, nguồn cung trứng cũng ít hơn nên các tiểu thương cho biết không nhập được nhiều hàng.
“Gần tháng nay, lượng trứng thu mua ở các trại giảm mạnh. Trong khi nhu cầu trứng của thị trường tăng cao nhất là trong bối cảnh nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, người dân mua nhiều trứng vì là thực phẩm dễ sử dụng, để dành được lâu”, bà Nguyệt, tiểu thương bán trứng tại chợ Nghĩa Tân chia sẻ.
Giá gà công nghiệp chỉ còn 11.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ nặng
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho biết, giá gà tiếp tục rớt xuống còn 11.000 đồng/kg bán tại trại. Với giá thành hiện nay khoảng 28.000 - 29.000 đồng thì người nuôi gà đang lỗ nặng 17.000 - 18.000 đồng/kg.
Giá gà công nghiệp chỉ còn 11.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ nặng. (Ảnh: Internet)
Theo ông Quyết, lượng gà đến lúc xuất bán thì bị ùn ứ 10 ngày này sau khi các tỉnh lập các chốt kiểm tra dịch Covid-19 khiến việc vận chuyển gà tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh thêm khó khăn. Hiện nhiều trại gà đang chấp nhận bán gà rẻ như cho, dù thua lỗ nặng chỉ mong bán hết gà đủ trọng lượng xuất bán. Vì họ nuôi thêm ngày nào sẽ tốn thêm tiền thức ăn, chỉ có nước phá sản.
Hiện việc lưu thông xe tiêu thụ qua một số chốt kiểm tra hôm nay đã cho phép nhưng vẫn còn một số chốt kiểm tra gây khó dễ. Ông Quyết đề nghị các địa phương cần có thông báo chỉ đạo hướng dẫn cho các chốt kiểm tra để tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển lưu thông hàng hoá, phục vụ sản xuất.
Trước đó, các trại gà phản ánh tình trạng gà tại nhiều trang trại đang ế, mỗi ngày chỉ bán được 1/3 lượng gà xuất bán vì xe chở, lấy hàng khi đi qua các chốt kiểm dịch tại nhiều địa phương gặp khó khăn, trở ngại.
Có trường hợp xe tải từ Đồng Nai xuống Bà Rịa-Vũng Tàu bắt gà dù thông tin xe, tài xế, giấy xét nghiệm Covid-19... được báo cáo đầy đủ cho cơ quan chức năng nhưng vì lý do xe không chở hàng hóa nên không được qua chốt.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cách kiểm tra bất hợp lý tại các chốt kiểm dịch khiến nguồn cung bị ảnh hưởng, hàng ùn ứ. Trong khi đó, lượng hàng cung ứng cho thị trường TP.HCM gặp khó khăn, đẩy giá thịt gà và nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác tăng cao. Còn người chăn nuôi thì không bán được gà, bán giá rẻ dưới giá thành, thua lỗ, nợ nần.
Trái cây rớt giá thê thảm
Bà Cao Thị Liên, thương lái chuyên mua trái cây ở huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết hiện tại, do diễn biến phức phạp của dịch Covid-19 nên giá trái cây giảm mạnh. Hầu hết thương lái có mua thì cũng mua cầm chừng theo đơn đặt hàng chứ không mua nhiều được vì sợ dội chợ.
Giá mít Thái chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. (Ảnh: Internet)
Theo bà Liên, nguồn trái cây thời điểm này chủ yếu là chôm chôm, nhãn và mít Thái. Trong buổi sáng 19/7, thương lái mua nhãn xuồng cơm vàng tại vườn chỉ từ 6.000 - 7.000 đồng/kg (cùng thời điểm năm trước là 30.000 - 40.000 đồng/kg); mít Thái chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg (cùng thời điểm năm trước là 30.000 - 35.000 đồng/kg), chôm chôm Java 6.000 đồng/kg (thời điểm năm trước 20.000 - 25.000 đồng/kg); chôm chôm Thái 12.000 -13.000 đồng/kg (cùng thời điểm năm trước 40.000 - 45.000 đồng/kg) tùy loại.
“Mặc dù giá thấp như vậy nhưng chúng tôi cũng chỉ mua số lượng ít theo đơn đặt hàng của tiểu thương chứ không dám mua nhiều như mọi năm vì sợ dội chợ, không tiêu thụ được”, bà Liên nói.
Tại tỉnh Đồng Tháp, một số loại trái cây cũng đang tới mùa thu hoạch nhưng theo dự báo của Sở NN&PTNT là sẽ khó tiêu thụ. Chỉ riêng huyện Châu Thành đã có 793 ha nhãn, sản lượng dự kiến hơn 13.400 tấn và thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12. Trong đó, tháng 7 và 8 có hơn 4.700 tấn nhãn đến lúc thu hoạch nhưng hiện chưa kết nối được đầu ra với số lượng lớn. Điều đáng lo ngại hơn là vùng trồng nhãn lớn thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành đang bị phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 nên việc thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn.