Giá vàng, thực phẩm, rau xanh đồng loạt giảm; trong khi giá nhiều loại hải sản, trái cây tăng mạnh. Ảnh minh họa
Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.747 USD/ounce, giảm hơn 11 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Mỹ đã công bố doanh số bán lẻ trong tháng 7 không tăng so với tháng 6 và giảm so với mức dự báo trước đó, chủ yếu tác động bởi giá xăng dầu giảm. Cùng với đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm từ 252.000 đơn của tuần trước, xuống còn 250.000 đơn của tuần vừa qua và thấp hơn mức dự báo 263.000 đơn.
Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ có những tín hiệu tích cực khi thị trường hạ “nhiệt” lạm phát, và việc làm của người lao động tốt trở lại sau 5 tuần. Đồng thời Fed vừa công bố nội dung biên bản cuộc họp tháng 7 cho thấy vẫn giữ quyết tâm chống lạm phát. Fed cho rằng, mức tăng lãi suất 0,75% vẫn có thể được áp dụng trong cuộc họp tháng 9 tới đây và có thể có thêm những đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay.
Sau thông tin này, đồng USD tiếp tục tăng mạnh trong giỏ thanh toán quốc tế. Cụ thể, chỉ số Dollar-Index tăng 0,58% lên 108.100 điểm vào lúc 7 giờ 55 phút sáng nay. Đồng USD tăng đã đẩy giá vàng giảm do nhà đầu tư tiếp tục bán ra để nắm giữ tiền.
Những yếu tố trên cho tín hiệu nền kinh tế tích cực. Nhưng giới chuyên gia vẫn đánh giá đây là những yếu tố chưa chắc chắn cho nền kinh tế số 1 thế giới tăng trưởng ổn định trở lại. Bởi cả giới chuyên gia và đầu tư đều lo ngại, Fed dường nhưng đang tăng “nóng” lãi suất, có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái khi các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay. Số lao động bị đào thải mới chỉ giảm 1 tuần chưa cho thấy sự ổn định của thị trường lao động.
Dự báo về mức tăng mạnh lãi suất của Fed đã khiến đường cong lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ bị đảo ngược. Cụ thể, lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dù cũng tăng 0,44% lên mức 2,976%, nhưng lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn ngắn 2 năm đã tăng mạnh 0,83% lên trên mức 3,238% vào lúc 8 giờ 5 phút sáng nay (giờ Việt Nam).
Khi lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ bị đảo ngược đã báo hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể bị suy thoái. Dự báo kinh tế suy thoái khiến nhà đầu tư không muốn nắm giữ vàng vì thanh khoản kém, mà chuyển sang tiền hoặc trái phiếu kỳ hạn ngắn. Đây chính là nguyên nhân khiến giá vàng vẫn giảm sâu và chưa tìm ra yếu tố hỗ trợ để đi lên.
Chốt tuần, giá vàng thế giới đã giảm mạnh 47 USD/ounce so với giá mở cửa tuần và giảm 55 USD/ounce so với giá chốt phiên cuối tuần trước.
Mặc dù thị trường vàng quốc tế giảm mạnh giá, nhưng giá vàng SJC trong nước tuần qua không mấy biến động. Các phiên trong tuần, đơn vị kinh doanh vàng bạc chủ yếu giảm giá vàng miếng SJC buổi sáng khoảng 100.000 - 200.000 đồng/lượng, nhưng chiều lại tăng trở lại.
Do đó, kết tuần không có nhiều biến động như thị trường quốc tế. Cụ thể, giá vàng SJC trên thị trường tự do giảm 300.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên cuối tuần trước. Đây cũng là mức giảm của Tập đoàn Doji đối với vàng miếng SJC. Còn công ty Phú Quý chỉ giảm 200.000 đồng/lượng vàng miếng SJC so với chốt phiên cuối tuần trước.
Giá thực phẩm, rau xanh hạ nhiệt
Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng từ mức cao kỷ lục 32.870 đồng/lít đã giảm gần 10.000 đồng về mức hơn 23.000 đồng/lít. Quá trình điều chỉnh giá xăng dầu đã diễn ra khoảng 1,5 tháng nay nhưng hiện tại, một số mặt hàng mới có dấu hiệu bắt đầu giảm giá.
Ghi nhận sáng 15/8, giá thịt heo tại chợ Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) giảm đồng loạt 10.000 đồng/kg so với cách đây khoảng một tuần. Cụ thể, thịt ba chỉ đang ở mức 140.000 đồng/kg, các loại thịt nạc vai, mông sấn ở mức 110.000 đồng/kg, thịt chân giò cả bắp giá 120.000 đồng/kg.
Chị Hoa, tiểu thương bán thịt tại chợ cho biết: “Thịt heo giảm giá, cả người bán và người mua đều thoải mái hơn. Dù vậy, giá thịt heo hiện tại vẫn đang ở mức cao”.
Tại các chợ như chợ Vĩnh Hồ, chợ Ngô Sỹ Liên, chợ Láng Hạ…giá các mặt hàng như thịt heo, thịt bò, gà, cá cũng bắt đầu giảm.
Tại chợ Láng Hạ, gà công nghiệp thịt lườn đang được bán với giá 55.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá loại thịt này khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg. Thịt đùi, cánh đang có giá 80.000 đồng/kg, cũng giảm khoảng 5.000 đồng mỗi kg.
Thịt bò tại chợ này cũng đang phổ biến ở mức 225.000 - 245.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng mỗi kg so với cách đây khoảng 1 tuần.
Cá rô phi, điêu hồng đang có giá khoảng 55.000 đồng/kg, thay vì 60.000 - 65.000 đồng như trước. Cá quả cũng được bán với giá 120.000 đồng/kg, cũng giảm nhẹ khoảng 5.000 đồng mỗi kg.
Ngoài ra, các loại rau xanh cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại chợ Vĩnh Hồ, rau muống đang được bán với giá 10.000 đồng/bó, giảm 5.000 đồng so với trước đó. Một số loại rau như bắp cải, cải thảo có giá 20.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng mỗi kg.
Khoai tây, bí xanh đang được rao bán tại chợ này với giá 20.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng mỗi kg. Bà Thu Lan, tiểu thương tại chợ này nói: “Rau củ là mặt hàng chịu tác động nhiều của thời tiết, rồi sau đó mới tính đến ảnh hưởng của giá xăng dầu. Nhưng nhìn chung giá cả các loại rau cũng đã bắt đầu giảm”.
Hải sản đồng loạt tăng giá
Những ngày qua nhiều nhà hàng, quán ăn ở miền Tây tìm mua cá kèo thiên nhiên để phục vụ khách nhưng loài thủy sản này tại chợ rất ít. Các vựa tôm, cá tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… cho người đến nhà nông dân để thu gom cá kèo với giá 270.000 - 280.000 đồng/kg nhưng mua với số lượng không nhiều.
Chủ một nhà hàng ở phường 3, TP Sóc Trăng cho biết cá kèo thiên nhiên thịt thơm ngon. Loài cá này không chỉ kho, nấu canh chua mà còn chiên tươi ăn kèm rau sống rất ngon.
“Giá cá kèo thiên nhiên tại chợ 300.000 đồng/kg. Khách du lịch rất thích ăn cá kèo nấu canh chua hoặc kho trái giác và chấp nhận giá cao”, đại diện một nhà hàng nói.
Chị Thu Hồng, chủ vựa hải sản tại phường 2, TP Sóc Trăng cho biết cá kèo thiên nhiên rất hiếm. Cá kèo nuôi giá tại chợ 240.000 đồng và làm khô loại này giá 600.000 đồng/kg. Khô cá kèo thiên nhiên giá đạt kỷ lục là 750.000 đồng/kg.
Theo chủ các vựa hải sản, một năm trước cá kèo thiên nhiên chỉ có giá 150.000 - 180.000 đồng/kg, còn cá kèo nuôi 90.000 - 120.000 đồng/kg.
Không riêng cá kèo, một số loại thủy, hải sản khác ở miền Tây như cua biển, tôm càng xanh, cá rô đồng… cũng tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Giá tôm, cua tăng trở lại do tháng 7 âm lịch sắp hết, nhiều người dừng ăn chay.
Cua thịt loại 3 con/kg giá 380.000 đồng, 2 con/kg giá 420.000 đồng. Cua gạch loại 2 con/kg giá tăng từ 500.000 lên 550.000 đồng/kg.
Giá trái cây tăng vọt
Ông Võ Hồng Quốc (ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết: "Tôi trồng 4 công mít Thái siêu sớm cho thu hoạch dần. Nếu như hồi đầu tháng 7, giá mít Thái chỉ 2.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua, thì hiện nay đã tăng lên 20.000 - 22.000 đồng/kg với loại 1 và loại 2 từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Giá mít tăng trở lại làm nông dân rất phấn khởi".
Một số thương lái cũng thông tin giá dưa hấu xuất khẩu có chiều hướng tăng, lên 8.000 - 11.000 đồng/kg (tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với cách đây 1 tuần). Trong khi đó, giá thu mua thanh long tại vựa cũng cao, dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg.
Tại TP Hồ Chí Minh, giá mít xẻ miếng, bỏ cùi đã tăng từ 20.000 lên 25.000 đồng/kg; xoài các loại đều ở mức từ 25.000 đồng/kg trở lên; sầu riêng cũng vọt lên 75.000 đồng/kg.
Do trái cây nội địa đang ở mùa thấp điểm nên thị trường xuất hiện nhiều loại trái cây nhập khẩu như: táo, nho, xoài, lê, đào, mận… Tuy nhiên, so với mọi năm, giá những mặt hàng này giá đều cao hơn 30%-50% do mất mùa, chi phí vận chuyển tăng.
Theo Tiêu dùng (tieudung.vn)