Giá vàng tăng hơn 3 USD/ounce so với giá mở cửa tuần
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.812 USD/ounce, giảm hơn 16 USD/ounce so với mức giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Sau 2 ngày điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã thông báo rõ hơn về lập trường ôn hòa của Fed, rằng sự tăng giá hiện tại chỉ là tạm thời và Fed dự kiến tiếp tục chương trình mua trái phiếu cho tới khi tăng trưởng việc làm ổn định hơn, và lãi suất sẽ duy trì gần bằng 0% cho tới ít nhất 2023.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Với tỷ lệ lạm phát đã ở mức cao kỷ lục, phiên điều trần đầu tiên của ông Powell đã đẩy giá vàng tăng mạnh. Tuy nhiên, sau ngày điều trần thứ 2, khi thông tin số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần giảm mạnh, đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đều tăng mạnh, đẩy giá vàng giảm sâu. Cụ thể, chỉ số Dollar-Index, thước đo sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác trong giỏ tiền tệ quốc tế đã tăng mạnh lên ngưỡng 92,700. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh lên 1,325%.
Đồng USD tăng giá trị và lợi suất trái phiếu tăng đã khiến nhà đầu tư chốt lời vàng để nắm giữ tiền và mua tài sản có giá. Mặc dù giảm mạnh phiên cuối tuần, nhưng giá vàng thế giới trong tuần vẫn tăng hơn 3 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Tuần qua, giá vàng trong nước đi theo xu hướng thế giới. Tuy nhiên, thị trường vẫn thiếu vắng nhà đầu tư lớn. Do đó trong tuần, giá vàng SJC chỉ có phiên ngày 16/7 điều chỉnh mạnh đến 200.000 đồng/lượng theo hướng tăng của thị trường thế giới. Còn lại các phiên khác phần lớn điều chỉnh trong biên độ hẹp vài chục nghìn đồng/lượng.
Điều bất thường nhất trong giá vàng tuần qua đó là chênh lệch giá giữa chiều mua và bán cả vàng miếng và nhẫn đã bị kéo giãn ra từ 600.000 - 800.000 đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng SJC so với giá vàng thế giới hiện nay là rất lớn. Quy đổi theo tỷ giá trong ngày hiện giá vàng thế giới chỉ ở mức 51,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn cả giá vàng vàng nhẫn trong nước khoảng 1 triệu đồng và thấp hơn 6,3 triệu đồng/lượng so với vàng SJC.
Chốt tuần, vàng SJC trên thị trường tự do đi ngang so với giá mở cửa tuần. Vàng SJC niêm yết tại Doji tăng 200.000 đồng/lượng, tại Phú Quý tăng 130.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Chuyên gia nhận định, mặc dù thị trường không “nóng” mà chênh lệch giá bị kéo giãn đó là bất thường. Bất thường hơn là đang neo ở mức quá cao so với giá vàng thế giới. Có lúc giá vàng SJC chiều bán ra lên đến 57,7 triệu đồng/lượng. Cả chuyên gia và doanh nghiệp đều khuyến cáo nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc khi mua vào thời điểm này. Bởi sự chênh lệch giá giữa 2 chiều mua - bán quá lớn khó có lời.
Giá xăng tăng mạnh 867 đồng/lít
Tại kỳ điều chỉnh ngày 12/7, liên bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, trích quỹ cho dầu diesel 200 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu mazut 300 đồng/kg. Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.300 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 350 đồng/lít, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut không chi.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, cụ thể:
Xăng E5 RON92 không cao hơn 20.610 đồng/lít (tăng 850 đồng/lít);
Xăng RON95-III không cao hơn 21.783 đồng/lít (tăng 867 đồng/lít);
Dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.537 đồng/lít (tăng 418 đồng/lít).
Dầu hỏa không cao hơn 15.503 đồng/lít (tăng 452 đồng/lít);
Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 15.670 đồng/kg (tăng 221 đồng/kg).
Thời gian áp dụng giá bán mới bắt đầu tư 15 giờ ngày 12/7/2021.
Như vậy, trong 8 tháng qua (từ ngày 11/11/2020), giá xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 6.725 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 7.082 đồng/lít.
Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (26/6), liên bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, dầu. Tuy nhiên, liên Bộ chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.500 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít và dầu diesel 100 đồng/lít.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, cụ thể: Xăng E5 RON92 không cao hơn 19.76 đồng/lít (tăng 712 đồng/lít); Xăng RON95-III không cao hơn 20.916 đồng/lít (tăng 752 đồng/lít);
Dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.119 đồng/lít (tăng 671 đồng/lít). Dầu hỏa không cao hơn 15.051 đồng/lít (tăng 639 đồng/lít); Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 15.449 đồng/kg (tăng 495 đồng/kg).
Giá nhãn đầu mùa tăng gấp đôi
Khảo sát tại hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như Kim Liên, Khương Thượng, Thành Công… cho thấy, là sản phẩm đầu mùa thu hoạch nên nhãn được bán với giá khá cao, từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.
Chị Kim Chi tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Khương Thượng (quận Đống Đa) chia sẻ, nếu như mùa thu hoạch 2020 nhãn đầu mùa chỉ có giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, năm nay giá đã tăng gấp đối năm trước nhưng sức tiêu thụ khá mạnh. “Hiện trung bình mỗi ngày tôi bán được từ 50 - 70kg, vào ngày Rằm hay mùng Một số lượng thường tăng gấp 3 ngày thường. Dự kiến khi vào chính vụ, giá nhãn sẽ giảm nhưng không nhiều như năm ngoái” – chị Chi thông tin.
Mùa nhãn bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, trong đó Sơn La, Hưng Yên là 2 địa phương có diện tích trồng nhãn nhiều nhất cả nước. Thời điểm này, một số diện tích trồng giống nhãn sớm đã bắt đầu được thu hoạch. Năm nay do thời tiết diễn biến thất thường nên sản lượng nhãn giảm mạnh, khiến giá nhãn đứng ở mức cao.
Thực tế cho thấy, vào thời điểm này điều người nông dân lo lắng hơn cả là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến giao thương ách tắc. Đặc biệt, tại thị trường phía Nam, nhiều địa phương đang giãn cách xã hội, chợ đầu mối đóng cửa nên dự báo việc tiêu thụ sản phẩm nhãn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Về việc hỗ trợ người dân 2 tỉnh Sơn La, Hưng Yên tiêu thụ sản phẩm nhãn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, đơn vị đã tập trung triển khai các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nhãn thông qua các sàn thương mại trong nước (Lazada, Tiki, Shopee, Sendo) và quốc tế lớn trên thế giới (Amazon, Alibaba…).
Ngày 10/7, lần đầu tiên nhãn lồng Hưng Yên được lên sàn thương mại điện tử, phù hợp với bối cảnh mua sắm trực tuyến trong dịch bệnh. Dự kiến ngày 15/7, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị kết nối cung cầu trực tuyến với hơn 40 điểm cầu trong nước và quốc tế, qua đó hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm nhãn, xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Nói về việc hỗ trợ tỉnh Sơn La, Hưng Yên tiêu thụ sản phẩm nhãn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, khi Sơn La, Hưng Yên bước vào vụ thu hoạch, TP Hà Nội sẽ chủ động kết nối, hỗ trợ 2 tỉnh tiêu thụ những sản phẩm này tại thị trường Hà Nội. Đặc biệt ưu tiên hỗ trợ mọi hình thức như vận chuyển, bán không lợi nhuận, tạo điều kiện tối đa cho sản phẩm nhãn tiêu thụ tại kênh phân phối bán lẻ hiện đại và chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra còn giới thiệu, cung cấp thông tin tới doanh nghiệp 2 tỉnh một số điểm bán cố định tại các quận nội thành, qua đó giúp tiêu thụ nhãn lồng.
Trứng gà ở TP Hồ Chí Minh “cháy hàng”
Sau rau của và thịt, cá…đến lượt giá trứng gà tại nhiều chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (ngày 14/7) tăng cao, từ 25.000 đồng/chục lên 45.000 đồng/chục.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Xếp hàng hơn 3 tiếng đồng hồ để vào siêu thị mua thực phẩm, nhưng khi được vào thì không còn gì để mua, chị Nguyễn Thị Trâm Anh (Phạm Văn Chí, quận 6, TP Hồ Chí Minh) buộc phải ghé vào một cửa hàng tạp hoá gần chợ Bình Tiên mua 30 quả trứng gà về chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình.
“Hôm 9/7, giá trứng gà chỉ ở mức 25.000/chục, nhưng hôm nay đã tăng lên 45.000 đồng/chục. Dù biết bị đẩy giá, nhưng đâu còn cách nào khác, vẫn phải mua” - chị Trâm Anh nói.
Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Lê Thị Ngọc (Hồng Bàng, quận 5, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, trưa nay (14/7), chị mua ở một chợ tự phát gần nhà 50 quả trứng gà và rau xanh với giá đắt đỏ.
“Tất cả các mặt hàng đều tăng giá, trứng gà 45.000 đồng/chục, trứng vịt 55.000 đồng/chục, trong khi đó rau cải các loại 50.000 đồng/kg, ngò, hành lá lên mức 100.000 đồng/kg” - chị Ngọc cho hay.
Cũng theo chị Ngọc, giá cao là vậy, nhưng không phải chỗ nào cũng có hàng để bán. Vì vậy, trong những ngày giãn cách này, có để mua đã là quá tốt và may mắn.
“Trứng gà dễ ăn, dễ nấu, nên hầu như nhà nào cũng sẽ trữ một ít trong thời gian tránh dịch. Bây giờ đi chợ là hỏi giá và đưa tiền, hầu như không ai dám kì kèo, vì thực phẩm thì ít mà nhu cầu lại quá nhiều” - chị Ngọc nói thêm.
Theo ghi nhận, hiện tại, trên nhiều trang bán hàng online, giá trứng gà cũng đang được rao bán với mức 40.000-50.000 đồng/chục, trứng vịt cũng tương tự với mức giá 45.000-55.000 đồng/chục.
Cho rằng có tình trạng tiểu thương lợi dụng dịch bệnh để đẩy giá trứng gà lên cao, cô Hồ Thị Bích Vân (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) cho biết, trái ngược với giá bán tại các chợ và điểm bán tự phát, gía trứng gà đang bán tại nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi chỉ ở mức 26.000-27.000 đồng/chục trứng gà và 31.000-39.000 đồng/chục trứng vịt. Tương tự, rau cải ngọt ở mức 29.000-34.000 đồng/kg, bắp cải 16.000-20.000 đồng/kg, rau muống 18.000-21.000 đồng/kg...
“Giá rẻ hơn rất nhiều, nhưng thực tế các kệ hàng bên trong siêu thị thường xuyên bị trống trơn. Nhà nhà, người người tích trữ, nên hàng hoá luôn bị thiếu, cung không đủ cầu”, cô Vân nói.
Bất ngờ gì trứng gà, trứng vịt bị đẩy lên quá cao, ông Phan Thanh Hùng - Phó giám đốc Công ty CP Ba Huân, doanh nghiệp chuyên cung cấp trứng chủ yếu cho các siêu thị TP cho biết, lượng hàng cung cấp của công ty cho siêu thị vẫn ổn định, khoảng 1 triệu quả trứng/ngày.
“Hiện giá bán trứng ở các siêu thị vẫn ổn định, không hề có chuyện tăng giá. Việc giá bị đẩy lên cao ở tại chợ, điểm bán tự phát có thể là do tiểu thương lợi dụng kéo giá lên”, ông Phan Thanh Hùng khẳng định.