Giá vàng tăng vọt
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á giao dịch quanh mốc trên 1.583,8 USD/oz, tăng gần 6 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng tăng vọt.
Tuần qua, giá vàng thế giới và trong nước tiếp tục chịu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) gây ra. Ngày từ đầu tuần, giá vàng liên tục tăng trong các phiên, trờ phiên ngày 12/2 giảm nhẹ. Tuy nhiên, đến ngày 13/2, Trung Quốc công bố số người mắc mới tăng vọt gấp đến chục lần so với trước đó, số người tử vong cũng cao khiến cho giá vàng tại châu Á trong sáng ngày 14 đã vọt tăng. Tính chung, tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng 10 USD/oz so với giá mở cửa tuần.
Chuyên gia nhận định, dịch bệnh chưa thể làm giá vàng tăng quá cao, bởi kinh tế Mỹ đang đúng dự báo mà Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố. Bởi chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 1 đã tăng 0,2% phù hợp với kỳ vọng. Trong khi CPI hàng năm tăng lên 2,5%, vượt dự báo tăng 2,3%.
Tuần qua, giá vàng trong nước tăng tất cả các phiên, mặc dù thế giới vẫn có phiên giảm. Ngoài tăng theo xu hướng thế giới, các DN còn điều chỉnh tăng do nhu cầu tiêu dùng của người dân tròng Ngày Lễ tình nhân. Dự báo của chuyên gia, nếu tuần tới, dịch bệnh Covid-19 thuyên giảm thì gái vàng có thể giảm theo kể cả thị trường trong nước và quốc tế, bởi nhà đầu tư chốt lời.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh
Tại kỳ điều hành ngày (14/2), liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít. Trong khi đó, xăng RON95 trích lập ở mức 600 đồng/lít; dầu hỏa và dầu diesel trích lập ở mức 700 đồng/lít; dầu mazut ở mức 200 đồng/lít.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường: Xăng E5RON92: giảm 765 đồng/lít; Xăng RON95-III: giảm 742 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: giảm 961 đồng/lít; Dầu hỏa: giảm 1.108 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: giảm 792 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 18.503 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 19.380 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 15.175 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 13.954 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 11.652 đồng/kg.
Việc trích lập quỹ và điều chỉnh giá bán bắt đầu từ 15h00 chiều ngày (14/2).
Giá rau xanh tăng gấp đôi
Sau Tết là thời điểm kết thúc vụ rau, người dân thu hoạch hết lứa rau cũ, trồng lứa rau mới. Với hiện tượng thời tiết cực đoan dịp Tết năm nay, nhiều nhà vườn thiệt hại, lứa rau mới chưa lên nên rau xanh khan hiếm. Tại khu vực Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nhiều hộ dân đang tất bận cày xới, làm đất để trồng rau.
Giá rau xanh tăng gấp đôi.
Người dân tại các vườn rau nhập hàng cho thương lái với giá tăng từ 1,5 đến 2 lần ngày thường. Các loại rau canh như mồng tơi, rau cải, rau muống tăng mạnh. Tuy nhiên, rau bạc hà của chị Nguyễn Thị Nhâm lại vẫn giữ mức giá 4.000 đồng một bó lớn vì nhu cầu dùng rau bạc hà của người dân không cao.
Rau cải là mặt hàng được cho là tăng giá cao nhất, có lúc lên đến 50.000 đồng/kg. Người dân thu hoạch đã thu hoạch cạn rau này để bán. Rau mùi tàu cũng được giá, 10.000 đồng/bó, trong khi bình thường người dân chỉ bán được 4.000-5.000 đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Mỳ, mặt hàng nào khan hiếm, mặt hàng đó giá cao. Thời tiết không thuận lợi, nhu cầu người dân cao, cầu vượt quá cung nên giá rau cao kỷ lục với người dân ở Tây Tựu. Dù vậy, bà Mỳ và người dân ở đây cũng chẳng còn rau để bán.
Rau xanh được bày bán tại chợ với giá cao bất thường. Các tiểu thương tại chợ cho biết ngoài việc rau xanh nhập tại vườn giá cao thì đại dịch do virus corona cũng là một phần nguyên nhân đội giá rau xanh. Các loại củ quả nhập từ Trung Quốc không còn, chỉ phụ thuộc vào nguồn cung trong nước dẫn đến ít hàng hoá hơn, giá cao hơn.
Giá hoa hồng Đà Lạt giảm mạnh
Ghi nhận ngày (13/2), một ngày trước khi dịp Valentin chính thức diễn ra, tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ (52 Hồ Thị Kỷ, Phường 1, Quận 10) không khí ế ẩm, sức mua bán có phần ảm đạm không nhộn nhịp được như các năm trước.
“Mọi năm, tầm này bán không kịp thở. Vợ, chồng, con cái, nói chung cả nhà tập trung mặc may mới bán kịp. Nhưng năm thì thì khác, hầu như cả chợ cùng ế, vì dịch CoVid- 19 nên nhiều người ngại ra đường thì phải”, chị Trang (một đầu mối chuyên cung cấp hoa tại chợ Hồ Thị Kỷ) cho biết.
Giá hoa hồng Đà Lạt giảm mạnh.
Tương tự, tại chợ hoa Đầm Sen (Nguyễn Văn Phú, Phường 5, Quận 11), nhiều thương lái cũng than thở vì không bán được hàng. Sức mua giảm mạnh, trong khi giá rớt thê thảm.
Chị Minh, chủ một shop hoa tại chợ hoa Đầm Sen cho biết, vì nhập hoa nhiều hoa hồng Đà Lạt giờ không tiêu thụ được hết, shop hoa của chị Minh đang đứng trước nguy cơ không thu hồi được vốn.
“Sợ dịch CoVid- 19, nhà nhà người người hạn chế ra đường, các cặp tình nhân cũng hạn chế hẹn hò, đi chơi các kiểu. Bởi dậy, mà hoa hồng Đà Lạt dịp Lễ Tình Nhân năm nay ế chỏng chơ. Mọi năm, hoa hồng Đà Lạt đặc biệt được yêu thích, dù giá cao nhiều người vẫn chọn mua để tặng vợ, người yêu trong dịp 14/2. Nhưng năm nay tình hình khác hẳn, hoa rẻ giảm cả nữa giá so với năm ngoái nhưng vẫn rất khó bán. Không dám mơ đến chuyện có lời, chỉ thu hồi vốn cũng đã khó”, chị Minh lo lắng.
Trong khi đó, tại nhiều nhà vườn trồng hoa hồng ở Đà Lạt cũng gặp khó khăn khi giá hoa quá rẻ, thương lái lại không mạnh dạn trong việc nhập hàng.
“Thông thường, trước dịp Valentin hoa hồng Đà Lạt luôn là mặt hàng bán chạy nhất. Còn nhờ năm ngoái, một cành hồng được thương lái mua tại vườn với giá 3.500-5.500 đồng. Để có hoa, nhiều bạn hàng từ các tỉnh thành trong cả nước phải đặt cọc sớm, có thể cả tuần thậm chí 10 ngày trước lễ”, ông Châu, một hộ trồng hoa tại Đà Lạt cho biết.
Cũng theo ông Châu, năm nay có thể xem là năm thê thảm nhất của hoa hồng Đà Lạt. Nếu như các năm trước, hoa hồng vào dịp Lễ Tình Nhân có giá 3.500-5.500 đồng/cành tùy màu và tùy loại thì năm nay giá giảm hơn một nửa, sức tiêu thụ yếu.
“Mặc dù vậy chúng tôi cũng không quá bất ngờ, vì phần lớn những hộ trồng hoa tại Đà Lạt cũng đã đoán biết trước được tình hình này. Sau nhà nước công bố dịch CoVid- 19 thì sức tiêu thụ các loại hoa nói chung cũng đã bị giảm, không riêng gì hoa hồng Đà Lạt”, ông Châu nói thêm.
Sầu riêng trái vụ rớt nửa giá
Giá sầu riêng tại vườn ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang bị rớt giá thảm hại do nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu thị trường giảm mạnh vì ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch CoVid- 19.
Cụ thể, sáng 15/2, hảo sát tại nhiều chợ bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, giá sầu riêng đang quay đầu giảm mạnh. Nếu như trước tết, sâu riêng chính vụ được bán với giá 100.000 – 150.000 đồng/kg, thì hiện nay dù đang là mùa sâu riêng trái vụ, thương lái chỉ bán với giá 70.000 – 80.000 đồng/kg.
“Chưa có năm nào sầu riêng trái vụ giá lại xuống thảm như năm nay, thông thường vì sâu riêng trái vụ có số lượng ít nên giá đắt hơn 20-50% so với chính vụ. Nhưng năm nay là ngoại lệ, giá giảm cả phân nữa so với năm ngoái. Hàng không xuất được sang Trung Quốc, họ không mua, mà dân mình cũng ngại sang đấy vì sợ dịch CoVid- 19”, chị Ngọc Mai, một thương lái chuyên cung cấp sầu riêng tại chợ Cây Gõ (quận 6) chia sẻ.
Sầu riêng trái vụ rớt nửa giá.
Chỉ chuyên bán sầu riêng, anh Thành – chủ vựa sầu riêng tại chợ Phạm Văn Hai (phường 3, quận Tân Bình) cho biết, không dám gom sầu riêng trái vụ số lượng lớn vì không xuất được qua Trung Quốc dù nhiều nhà vườn có sẵn hàng.
"Hiện, tôi chỉ nhận được các đơn hàng bán trong nước. Đa phần là các đầu mối sỉ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nếu lấy khoảng 1 tấn có giá sỉ 50.000 đồng một kg, còn lấy trên 2 tấn giá sỉ là 40.000 đồng", anh Thành nói.
Cũng theo anh Thành, mọi năm anh bán sầu trái vụ giá từ 100.000 -180.000 đồng/kg thì này chỉ bán với giá 70.000 – 80.000 đồng/kg.
“Năm ngoái, nhiều vụ thu mua không có sầu riêng để bán thì nay trái ngược, hàng chất đống không có lối ra dù giá rẻ bèo", anh Thành than thở.
Đồng quan điểm với anh Thành, Chị Huyền, tiểu thương tại chợ Tân Bình (phường 6, quận Tân Bình) cho biết, không riêng gì sầu riêng nguyên nhân hầu hết các loại trái cây rớt giá là do cửa khẩu Trung Quốc đóng từ trước Tết, thương lái không thu mua và nhiều người dù có tìm cách bán hàng trong nước nhưng không hết.
“Bán sầu riêng phải chấp nhận bỏ vốn cao, ôm hàng để đó mà không bán được thì chết vốn. Bởi dậy, hầu như không còn thương lái nào dám thu mua số lượng lớn, chỉ nhập vừa đủ tiêu thụ cho mối quen”, chị Huyền nói.
Nhiều chủ vườn trái cây ở Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang); Chợ Lách (Bến Tre) cho biết chưa khi nào giá sầu riêng sau Tết rớt thảm hại như năm nay.
Chú Bốn, chủ vườn trái cây ở Cai Lậy cho biết, thương lái "đạp" giá sầu riêng làm chú lỗ cả trăm triệu đồng với vườn sầu riêng 4.000m2.
“Trước Tết họ đặt cọc mua sầu riêng với giá 75.000 đồng/kg, sau Tết sẽ thu hoạch để xuất bán sang Trung Quốc nhưng nay giá rớt còn 49.000 đồng/kg nên họ "bỏ của chạy lấy người", chú Bốn than thở.
Giá gà công nghiệp giảm mạnh
Sau Tết Nguyên đán, giá gà công nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ liên tục giảm, đến nay chỉ còn hơn 12.000 đồng/kg. Trong khi trước Tết nguyên đán 1 tháng, giá gà công nghiệp hơn 38.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 40.000 -42.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi bị lỗ nặng, không bù lại được chi phí chăn nuôi.
Giá gà công nghiệp giảm mạnh.
Nguyên nhân là do bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp, trường học nghỉ Tết; đồng thời, các trường học tiếp tục nghỉ thêm 2 tuần do dịch bệnh Covid -19. Thêm nữa, đang có tình trạng khủng hoảng thừa gà công nghiệp vì thời điểm xảy ra dịch tả heo Châu Phi thì nhiều hộ chăn nuôi chuyển sang nuôi gà công nghiệp dẫn đến việc đàn gia cầm tại một số tỉnh ở Đông Nam Bộ tăng. Điển hình, như Đồng Nai đang có gần 27,8 triệu con gia cầm, trong đó có gần 25,7 triệu con gà, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ khuyến cáo các hộ dân nên hợp tác, liên kết trong chăn nuôi nhằm hạn chế sự rủi ro khi thị trường có biến động giá.
Su su Nghệ An tăng giá gấp 10 lần trước Tết
Anh Hưng (trú tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết: “Gia đình trồng 10 sào su su và cho thu hoạch ở tháng 11 âm lịch trong năm. Trước Tết khoảng 1 tháng, thương lái thu mua 500 đồng/kg su su; thời điểm đó mỗi ngày thu hoạch 4 - 5 tạ/sào cũng chỉ được 200.000 đồng, nhưng khoảng 1 tuần nay mỗi ngày gia đình thu về gần 2 triệu đồng/sào nhờ giá thu mua cao gấp 10 lần”.
Su su Nghệ An tăng giá gấp 10 lần trước Tết.
Toàn xã Quỳnh Liên trồng khoảng trên 70 ha su su, tập trung ở vùng ven biển thuộc thôn 4, 5 và 6. Theo các hộ dân, bình quân 1 ha su su sẽ cho năng suất khoảng 100 tấn quả. Sau Tết đến nay, su su “nhích giá” lên từ 1.000 đồng, 2.000 đồng… rồi 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, bà con bắt đầu mới có lãi, bù vào tiền đầu tư, công chăm sóc thời điểm trong Tết.
“Su su có thời gian thu hoạch kéo dài từ 5 - 6 tháng, với giá cao như hiện nay thì bà con sẽ có thu nhập cao trong khoảng 2 - 3 tháng nữa. Để tiếp tục có thu hoạch, các hộ đang tập trung chăm bón, tưới nước, tuốt lá cho cây được sinh trưởng mạnh” - chị Hồ Thị Minh, hộ trồng su su cho biết.
Ông Hồ Ngọc Tăng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) cho biết: “Sau Tết đến nay, giá su su đã bắt đầu tăng giá, nếu mức giá này ổn định kéo dài đến hết vụ thì bình quân 1 sào cho bà con thu nhập hơn 10 triệu đồng.
Giá cua phục hồi
Ngày 14/2, ghi nhận tại tỉnh Cà Mau, giá cua biển bắt đầu tăng trở lại sau thời gian dài trượt giá không phanh.
Theo đó, giá cua gạch son được thương lái thu mua với giá 250 - 270 ngàn đồng/kg, tăng từ 50 - 70 ngàn đồng/kg (so với tuần trước); cua thịt (cua y) có giá từ 230 - 250 ngàn đồng, tăng 60-80 ngàn đồng/kg.
Giá cua phục hồi.
Trước đó, thời điểm trước và trong tết, giá cua biển bắt đầu tăng gấp 1,5 lần, Cụ thể: giá cua gạch son từ mức 400 lên 600 ngàn đồng/kg; cua thịt từ 250 lên 400 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, rất nhiều nông dân nuôi cua phấn khởi.
Tuy nhiên, từ sau tết đến đầu tháng 2, giá cua nuôi liên tục giảm giá không phanh (giảm 2/3 giá so với thời điểm trước đó), người bán gặp khó vì giá của quá thấp, thương lái thu mua thì kén hàng vì sợ thua lỗ, không có đầu ra.
Cụ thể, giá cua gạch son ở mức 600 ngàn đồng/kg, giảm còn từ 170 - 220 ngàn đồng/kg; cua thịt từ 350 - 400 ngàn đồng/kg, giảm còn 150 - 170 ngàn đồng/kg. Thậm chí, nhiều thương lái xem hàng xong rồi bỏ đi, không thèm trả giá, buộc nông dân phải thả xuống vuông nuôi lại.
Ông Ngô Văn Phương, thương lái thu mua tôm tại huyện U Minh (Cà Mau), cho biết: “Trước đó do ảnh hưởng của dịch nCoV nên xuất khẩu cua sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng, kéo theo giá một số mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản cũng giảm giá. Hai ngày nay, giá cua bắt đầu có tính hiệu khởi sắc”.