Sức mua hàng Tết bắt đầu tăng nhẹ, nhóm hàng được mua nhiều nhất vẫn là thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu hằng ngày.
Tối 21-12, các siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 10), MM Mega Market Bình Phú (quận 6), GO! An Lạc… đông khách đến mua sắm hơn hẳn các tối trong tuần. Giỏ hàng của khách chủ yếu là thực phẩm tươi sống, nước tẩy rửa/vệ sinh nhà cửa, nước ngọt, bia, giỏ quà Tết…
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market), thông tin sức mua tăng dần từng ngày. Siêu thị đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh Tết từ rất sớm và dành rất nhiều ưu đãi giảm giá và chính sách "khóa giá", không tăng giá đối với hơn 10.000 mặt hàng tiêu dùng nhanh từ 6 tuần trước Tết.
Central Retail Việt Nam chuẩn bị lượng hàng thực phẩm tươi sống cung ứng cho dịp tết năm nay tăng khoảng 10% so với năm ngoái. "Đặc biệt, Central Retail sẽ cùng hợp tác với các nhà cung cấp trên toàn quốc giao hàng xuyên tết, bảo đảm nguồn cung ứng cho cả trước và sau tết đầy đủ nhất, kể cả với các mặt hàng hàng thực phẩm tươi sống" – bà Bích Vân nói.
Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra cũng đã chuẩn bị 12.000 tấn hàng hóa, tăng từ 30% - 50% theo từng nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Trong đó, phần lớn ngân sách để trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết.
WinMart/WinMart+/WiN thì tăng khoảng 20% lượng gạo, dầu ăn, rau củ quả, thịt… cùng các sản phẩm đặc trưng và được tiêu thụ nhiều như bánh kẹo, nước giải khát.
Thông tin về hàng Tết, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý Thương mại – Sở Công Thương TP HCM, cho biết hàng hóa Tết trên địa bàn dồi dào, giá tốt do các doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã có kế hoạch chuẩn bị sớm, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Tổng sản lượng hàng thiết yếu các doanh nghiệp chuẩn bị chiếm 25% - 43% thị phần; bình quân mỗi tháng tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thủy hải sản…
"Các doanh nghiệp đã chuẩn bị hơn 22.000 tỉ đồng hàng Tết, trong đó hàng bình ổn thị lương thực, thực phẩm thiết yếu chiếm hơn 8.000 tỉ đồng" - ông Ngô Hồng Y nói.
Các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ.
Cũng theo Sở Công Thương, các thống siêu thị, cửa hàng… đã có có kế hoạch mở cửa gần như xuyên tết, chỉ nghỉ mùng Một. Riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart... mở cửa xuyên tết.
Theo Báo NLĐ