Đột quỵ là gì?
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...
Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu và đột quỵ do xuất huyết
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.
Đột quỵ do xuất huyết: Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây là tình trạng đột quỵ nhỏ, dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Người bệnh có những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thường kéo dài khoảng vài phút. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà người bệnh cần lưu ý.
Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Mất thăng bằng đột ngột khi đang đi bộ
Nếu bạn cảm thấy chân mình không thể đứng vững bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Vấn đề về thăng bằng không chỉ có thể là dấu hiệu của đột quỵ toàn phát mà còn là hiện tượng thiếu máu cục bộ thoáng qua, có nghĩa là triệu chứng này có thể xảy ra 1 tuần trước khi xảy ra đột quỵ.
Kỹ năng nhận thức bắt đầu suy giảm
Một nghiên cứu năm 2021 do Đại học Erasmus MC ở Hà Lan thực hiện, được công bố trên Tạp chí Phẫu thuật Thần kinh & Tâm thần học đã theo dõi 14.712 người tham gia từ năm 1990 đến năm 2016.
Trong quá trình nghiên cứu, 1.662 người tham gia bị đột quỵ lần đầu ở độ tuổi trung bình 80. Sau khi so sánh từng người bị đột quỵ với 3 người không bị đột quỵ, so sánh các xét nghiệm pháp y và thể chất cho thấy những người tham gia bắt đầu có dấu hiệu suy giảm hoạt động tinh thần của họ lên tới một thập kỷ trước khi cơn đột quỵ thực sự xảy ra.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, những người bị suy giảm nhận thức và chức năng có nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Bạn cảm thấy đau đầu đột ngột, tê hoặc ngứa ran
Các chuyên gia chuyên khoa tim ở London nhấn mạnh các dấu hiệu của đột quỵ thường xuất hiện đột ngột, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không có thời gian để hành động. mọi người sẽ trải qua các triệu chứng như nhức đầu, tê hoặc ngứa ran vài ngày trước khi họ bị đột quỵ nghiêm trọng.
Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Handbook of Clinical Neurology cho thấy có tới 65% những người có báo cáo đột quỵ đã từng bị đau đầu trước đó.
Phòng ngừa tái phát nhồi máu não
Theo các bác sĩ, nhồi máu não là căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ tái phát cao, vì vậy để điều trị dự phòng tái phát, người bệnh cần lưu ý: Điều trị các nguyên nhân gây nhồi máu não: các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu.
Có chế độ ăn uống hợp lý: Thực hiện chế độ giảm chất béo, giảm mặn, giảm tinh bột, đường tăng cường ăn nhiều rau xanh, thể thao mỗi ngày 30 phút, ngưng thuốc lá, rượu bia và tránh béo phì.
Tái khám theo định kỳ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ;Khi có các triệu chứng gợi ý đột quỵ như yếu nửa người, méo miệng, khó nói… người bệnh cần phải nhanh chóng đến bệnh viện, tuyệt đối không tự xử lý tại nhà.
Thời gian đến viện càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong vòng 6 giờ đầu sau khi tai biến thì sẽ có cơ hội phục hồi cao nhất.