Liên quan đến việc Bộ Y tế đã có báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia châu Phi trước lo ngại biến chủng Omicron, Cục Hàng không Việt Nam cho biết hoàn toàn đồng thuận về việc tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia châu Phi.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay với các chuyến bay quốc tế đưa người nhập cảnh vào Việt Nam, ngoài chuyến bay thí điểm đưa khách du lịch đến 5 địa phương Đà Nẵng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa và Kiên Giang, các chuyến đưa công dân Việt Nam về nước theo hình thức hành khách tự trả chi phí cách ly trọn gói (chuyến bay combo) nếu muốn thực hiện đều phải nhận được sự đồng ý của 5 Bộ gồm Ngoại giao, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng và Công an.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2, hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron.
Để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước và ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào Việt Nam từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, ngày 28/11, Bộ Y tế đã đề Chính phủ xuất xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19; Yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam Châu Phi như Nam Phi, Botswana...
Thông cáo của WHO đánh giá biến chủng mới Omicron có thể bùng phát trên phạm vi toàn cầu, gây ra mối đe dọa toàn cầu ở mức rất cao và có thể khiến một số khu vực phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng.
Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).
Theo VTC