Chưa kịp tìm ra cách tiêu thụ lượng thực phẩm tươi sống còn tồn do sức mua rớt xuống quá thấp trong 3-4 ngày trở lại đây, các siêu thị đã phải tính phương án tăng dự trữ, bảo đảm nguồn cung trong những ngày tới vì lượng mua sắm trong ngày 23-7 có xu hướng tăng trở lại sau khi TP HCM công bố Chỉ thị 12 về siết chặt giãn cách xã hội. Một số siêu thị đã xảy ra tình trạng hết hàng cục bộ vì lượng mua sắm bất ngờ gia tăng.
Theo các siêu thị, người tiêu dùng TP đang trong giai đoạn rất nhạy cảm với thông tin dịch bệnh và giãn cách xã hội nên đã lập tức phản ứng khi hay tin TP sẽ áp dụng Chỉ thị 16+. "Tuy nhiên, chính quyền TP đã thông báo chỉ áp dụng Chỉ thị 16+ đến ngày 1-8 nên nhiều khả năng sẽ làm tình hình dịu lại, người dân sẽ không đổ xô đi mua sắm, giúp doanh nghiệp (DN) có nhiều thời gian để sắp xếp nguồn hàng và phục vụ tốt hơn" - đại diện một siêu thị lớn tại TP HCM, dự báo.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho hay sức mua đã giảm sâu trong 3 ngày trước và đang tăng lại trong ngày 23-7. "Trong điều kiện dịch bệnh, chu kỳ khoảng 5-7 ngày hoặc tối đa 10 ngày khách hàng sẽ quay lại mua sắm các mặt hàng tươi sống. Tình hình đã khá ổn so với những ngày đầu TP thực hiện Chỉ thị 16, giờ chúng tôi chỉ còn tập trung điều tiết giá cả hàng hóa" - ông Huy nhận định và nói thêm người tiêu dùng giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết giá, nếu ai cũng bình tĩnh, mua đủ nhu cầu thì giá cả sẽ dần hạ nhiệt.
Leg: Nhiều loại rau xanh bán tại siêu thị đanh được giữ ổn định giá Ảnh: Thanh Nhân
Cũng do thị trường đã tạm ổn, các DN bán hàng lưu động đã cắt giảm dần số điểm bán lẫn lượng hàng. Ông Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam, cho hay từ ngày 24-7 sẽ ngưng toàn bộ các chuyến xe bán hàng lưu động để dồn lực cho các hoạt động hỗ trợ khác. "Siêu thị, cửa hàng đã giảm tải, nhiều điểm bán thực phẩm ngoài thị trường đang được tăng cường và người dân không còn mua gom. Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức từ thiện cũng tăng vận chuyển, cung cấp thực phẩm tươi sống, thiết yếu đến tận nhà nên đa số người dân không có nhu cầu mua hàng ở những điểm bán lưu động" - ông Hân thông tin.
Đại diện Viettel Post cũng cho biết sẽ ngừng nhiều điểm bán thực phẩm lưu động, chỉ giữ lại vài điểm tại các địa bàn thật sự cần thiết.
Trong khi đó, nhiều địa phương tại TP HCM đang tích cực rà soát, mở cửa lại chợ truyền thống để bán thực phẩm tươi sống hoặc tìm địa điểm thay thế do các chợ chưa bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Đơn cử, quận Tân Bình sau khi đóng cửa toàn bộ 14 chợ, 1 siêu thị và 1 cửa hàng tiện lợi do có liên quan ca nhiễm Covid-19 đã nhanh chóng mở các điểm bán trong khu dân cư để bán rau củ quả, thịt heo, thịt gà, cá… cho người dân. Quận cũng tuyên truyền đến người dân về những kênh mua sắm bình ổn; thường xuyên thông tin đến UBND các phường, ban quản lý các chợ… danh sách các đầu mối cung cấp thực phẩm tươi sống thịt, cá, heo, bò, rau, củ, quả để từng phường chủ động kết nối, cung cấp thực phẩm cho người dân trên địa bàn. Nhờ vậy, nguồn thực phẩm tươi sống phục vụ bữa ăn hằng ngày của người dân vẫn được bảo đảm. UBND quận 5 thì lập hẳn một website bán thực phẩm giá hỗ trợ cho người dân, chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần lễ đã nhận được 1.400 đơn hàng.
Theo NLĐ