Làm rõ hơn tác động toàn diện của việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng bia, ngày 25/11, Hiệp hội Bia, Rượu, Nước Giải khát Việt Nam (VBA) chủ trì tổ chức Hội thảo công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia”.
Bổ sung thêm phương án điều chỉnh thuế
Báo cáo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương); Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục thống kê (TCTK) thực hiện. Báo cáo nghiên cứu dựa trên cơ sở tham khảo báo cáo năm 2014 và 2022, tiếp tục cập nhật và bổ sung đánh giá tác động định lượng tác động kinh tế xã hội, đưa ra kết quả đánh giá được một cách toàn diện.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; Trưởng nhóm nghiên cứu Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục thống kê (TCTK) cho biết, từ những yếu tố như bối cảnh thực tế ngành hàng, phương pháp nghiên cứu, số liệu và thực trạng DN, nhóm nghiên cứu cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo kết quả nghiên cứu gần với thực tế và đáng tin cậy nhất.
Đánh giá về các tác động tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia, nhóm nghiên cứu đã thực hiện với 3 phương án gồm: Phương án 1, phương án 2 của Bộ Tài Chính và phương án 3 của VBA. Tuy nhiên, cả 3 phương án đều ảnh hưởng làm suy giảm giá trị tăng thêm của ngành bia, chi tiết tại số liệu dưới đây:
Phân tích số liệu nêu trên, bà Thảo cho biết, chu kỳ sản xuất của ngành bia là chu kỳ ngắn hạn nên nguồn thu từ thuế gián thu tăng chỉ đạt được trong ngắn hạn. Ở các chu kỳ sản xuất sau (trong trung và dài hạn), sản xuất của ngành bia và 21 ngành trong quan hệ liên ngành thu hẹp, dẫn tới nguồn thu NSNN giảm. Vì thế, mục tiêu tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia để tăng NSNN sẽ không đạt được về trung và dài hạn. Tổng hợp chung các tác động của 3 phương án tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia tới nền kinh tế cho thấy, phương án 2 tác động nặng nề tới ngành bia và cả nền kinh tế.
“Phương án 3 ảnh hưởng tới nền kinh tế ở mức thấp nhất, đồng thời đảm bảo hài hoà hơn trong thực hiện các mục tiêu về điều tiết tiêu dùng, ổn định sản xuất, bảo vệ người lao động và thu ngân sách. Đồng thời, ở phương án 3 có thể giúp DN phục hồi, tiếp tục duy trì hoạt động; từ đó điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh để thích ứng với lộ trình tăng thuế”, bà Thảo nêu.
Đánh giá sự hoàn thiện công phu của báo cáo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế cho rằng, từ thực tế ngành đồ uống, đặc biệt là bia có giá trị văn hóa, du lịch và truyền thống. Báo cáo đã nghiên cứu tất cả các số liệu cụ thể (kể cả số liệu giả định) có liên quan và tác động mạnh đến 21 ngành kinh tế khác nhau. Báo cáo đánh giá tác động một cách toàn diện với nhiều thông tin, song cá nhân đồng tình với quan điểm của Quốc hội, Chính phủ thông qua Quyết định 508 cần phải điều chỉnh tăng thuế để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, ngân sách cũng như hạn chế mặt hàng bia.
“Ở 3 phương án đưa ra, đối với phương án 2 mức thuế sẽ tăng quá cao và quá “sốc” nên phương án 1 là họp lý nhưng lộ trình tăng như thế nào? Trong 2 năm 1 lần hay 1 năm 1 lần cũng như vấn đề thời điểm áp dụng cần hết sức lưu ý. Bởi nếu chỉ tăng thuế sẽ không quá kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu giảm lượng tiêu dùng vì người tiêu dùng sẽ thay đổi hành vi. Biện pháp hành chính như Nghị định 100 vừa qua đã làm giảm tiêu thụ bia, nên cần kết hợp các biện pháp khác nữa để đảm bảo tính hài hòa”, bà Cúc nêu ý kiến.
Thay đổi chính sách thuế cần nhìn đến hiệu quả lâu dài và lan tỏa
PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, quyết định thay đổi chính sách đối với ngành hàng như bia phải đạt được các mục tiêu, trong đó giảm nhu cầu tiêu dùng nhưng lại tăng thu NSNN, đảm bảo tính công bằng và cân bằng cũng như bảo vệ nền sản xuất trong nước,... những luận cứ đưa ra phải chính xác và thuyết phục.
“Thay đổi chính sách thuế cần nhìn đến hiệu quả lâu dài và lan tỏa. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu có cần lúc nào cũng phải tăng thuế hay không, vì các DN hiện đang chịu tác động kép, trong khi ngành bia cũng tạo ra nguồn thu ngân sách rất lớn (gần 60.000 tỷ đồng/năm). Ngoài ra, cũng cần tính đến các yếu tố phi chính thức khác, khi chưa quản lý được các yếu tố này sẽ gây thất thu lớn hơn rất nhiều so với biện pháp tăng thuế”, ông Long lưu ý.
Nêu quan điểm của mình, PGS. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, DN ngành đồ uống thấu hiểu và chia sẻ với các mục tiêu quản lý nhà nước, cũng như sự ổn định đảm bảo nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và cộng đồng.
“Các DN tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối các quy định pháp luật có liên quan đặc biệt là các chính sách về thuế, phí cùng với việc tiên phong thực hiện các hoạt động trách nhiệm đối với xã hội, môi trường. DN ngành đồ uống luôn ưu tiên cho các nghiên cứu, sáng kiến cho chất lượng và sự an toàn của sản phẩm DN chịu trách nhiệm. VBA kiến nghị lùi hiệu lực của dự án Luật tới năm 2027, đồng thời giãn lộ trình tăng thuế 2 năm/lần, mỗi lần tăng 5% cho đến năm 2031”, ông Việt bày tỏ.
Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện đang được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất TTĐB đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất: Phương án 1 là tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 90%. Phương án 2 là tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 100%. Cơ sở cho đề xuất này, tại Tờ trình của Chính phủ cho rằng, việc tăng thuế nhằm hướng đến các mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng bia phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần đảm bảo thu ngân sách nhà nước (NSNN).