Khảo sát nhanh của PV VTC News từ 27 - 29/6 cho thấy, giá rau được bán tại các chợ truyền thống đều tăng mạnh từ 25 -30%. Cụ thể, tại chợ Bà Hoa (quận Bình Tân) cà chua có giá 25.000 đồng/1kg; các loại đậu que, bầu, bí tăng từ 10 - 15.000 đồng/kg so với tuần trước.
Tại chợ Bà Chiểu giá dưa leo tăng lên 30.000 đồng/kg, cao hơn gần 7.000 đồng/kg so với tuần trước; đậu cô ve tăng gần 10.000 đồng/kg lên 44.000 - 44.500 đồng/kg trong khi các loại củ quả như bắp cải, cà rốt... tăng nhẹ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Việc rau củ quả tăng giá trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp đã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.
Chiều 29/6, trả lời VTC News, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu diễn biến ngày càng phức tạp, việc tăng cường, siết chặt công tác phòng chống dịch tại các chợ truyền thống là hết sức cần thiết để hạn chế tối đa nguy cơ và rủi ro lây nhiễm.
Tuy nhiên theo ông Phương, hiện chưa xác định được mối liên hệ của việc rau củ quả tăng giá với việc siết chặt công tác phòng chống dịch tại các chợ truyền thống.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, việc giá cả hàng hóa tăng giảm chủ yếu do quy luật cung - cầu quyết định. Qua quan sát thị trường 2 ngày qua, giá cả mặt hàng rau củ quả không tăng đồng loạt mà chủ yếu chỉ tăng ở các loại rau nhiệt đới như cải xanh, cải ngọt, bầu bí… Hơn nữa, giá các mặt hàng này không chỉ tăng tại các chợ lẻ mà đã tăng ngay từ khi về các chợ đầu mối.
“Nguyên nhân do tỉnh Tây Ninh, là vùng nguyên liệu chính sản xuất, cung cấp các mặt hàng rau nhiệt đới cho thị trường TP.HCM, áp dụng chủ trương kiểm soát, cách ly người đến và về từ một số chợ trên địa bàn thành phố, trong đó có 2 chợ đầu Hóc Môn và Bình Điền.
Quy định này vô tình đã gây khó khăn cho việc vận chuyển và cung ứng hàng hóa từ Tây Ninh về thị trường TP.HCM. Các thương lái không dám nhập hàng từ Tây Ninh để đưa về các chợ đầu mối của thành phố do lo ngại bị cách ly, dẫn đến nguồn cung một số mặt hàng rau nhiệt đới giảm xuống. điều này là nguyên nhân chính làm cho giá cả các mặt hàng trên có xu hướng tăng lên”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, do yêu cầu phòng chống dịch bệnh, UBND huyện Hóc Môn cũng vừa ban hành Quyết định tạm dừng hoạt động giao dịch hàng hóa bắt đầu từ 0h ngày 28/6 đến 0h ngày 4/7, dẫn đến việc tiếp nhận và cung ứng giá sỉ mặt hàng rau củ quả đến các chợ bán lẻ trên địa bàn cũng đã ít nhiều gây xáo trộn trong thói quen và phương thức vận chuyển, mua bán.
“Để giải quyết vấn đề trên, Sở Công Thương TP.HCM đã nhanh chóng liên lạc với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh để trao đổi và đề xuất giải pháp khắc phục, theo đó có thể bố trí khu vực chuyển tiếp gần ranh giới 2 địa phương để tổ chức thực hiện trung chuyển hàng hóa. Đồng thời, hỗ trợ Tây Ninh tiêu thụ sản phẩm nông sản sản xuất ra nhưng mặt khác cũng giúp cho TP.HCM gia tăng nguồn cung, giữ ổn định giá cả hàng hóa, bình ổn thị trường”, ông Phương cho biết.