Chiều 19/6, Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM phối hợp cùng Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP và Tổng công ty Điện lực TP đã phát động Chương trình phát triển Điện mặt trời áp mái và Năng lượng tái tạo tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.
Đại biểu tham quan các mô hình điện năng lượng mặt trời.
Chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và Năng lượng tái tạo tại các KCX-KCN TP giai đoạn 2020-2024 đặt mục tiêu phát triển được 1.000 MWp tổng công suất hệ thống điện mặt trời áp mái trong giai đoạn 2020-2024 với 1.000 doanh nghiệp tại các KCX-KCN, Khu Công nghệ cao TP hưởng ứng và lắp đặt hệ thống.
Qua đó, các doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật, kết nối những định chế tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng, đồng thời nâng cao ảnh hưởng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển xuất khẩu cũng như được hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời.
Chương trình dự kiến sẽ giảm 10% - 15% lượng điện năng tiêu thụ, góp phần giảm 23 triệu tấn khí CO2, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng đô thị, giảm áp lực ô nhiễm môi trường.
TPHCM là một trong những đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm thương mại, công nghiệp, hộ gia đình... cao hơn các thành phố khác. Đặc biệt, trong bối cảnh hệ thống điện đang nhiều chịu áp lực về đảm bảo về cung ứng điện tiêu dùng và sản xuất ngày càng tăng. Dự kiến, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 10 tỷ kWh năm 2022, trong khi các nguồn sản xuất điện truyền thống như nhiệt điện, khí điện, thủy điện, hạt nhân... có nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến môi trường. Việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời trong đó có điện mặt trời được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện hiện nay.
Theo VOH