Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ 1/7/2011 nhưng thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn phổ biến ở nhiều cấp độ và ngày càng phức tạp. Hiện nay, vẫn còn không ít người tiêu dùng cảm thấy e ngại trong việc khiếu kiện, chưa hiểu hết các quyền lợi của mình, ngại va chạm nên không lên tiếng trong những vụ việc bị xâm phạm quyền lợi. Nếu so sánh với các vụ việc xâm hại quyền lợi người tiêu dùng diễn ra trên thực tế thì số vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng gửi đến các cơ quan chức năng là quá nhỏ.
Tại Hà Nội, theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, các cơ quan quản lý liên tiếp nhận được phản ánh về các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Riêng năm 2022, đường dây nóng 024.1081 đã tiếp nhận và giải đáp gần 14.200 cuộc gọi liên quan đến vấn đề này.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội, từ đó giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng khi tham gia mua sắm.
“Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người tiêu dùng để biết được quyền của người tiêu dùng để người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi cho mình và giúp cho doanh nghiệp, cộng đồng nâng cao trách nhiệm hơn nữa để thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chúng tôi cũng chỉ đạo các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, các sản phẩm hàng hóa phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, không được làm ra những sản phẩm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, bà Trần Thị Lan Phương cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi chưa cao do trong bối cảnh mới, những quy định trong luật không còn phù hợp.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Có thể nói là Việt Nam có cả một hệ thống về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà Nhà nước đã ban hành. Tuy nhiên, quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng. Như vậy, nguyên nhân từ đâu mà chính sách đã có nhưng mà khiếu nại vẫn gia tăng, theo đánh giá của tôi có nguyên nhân, ngay chính sách còn bất cập, tình hình kinh tế xã hội đất nước cũng như trên thế giới đã có nhiều thay đổi, trước hết là do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thứ hai là đại dịch Covid 19. Với điều kiện kinh tế xã hội thay đổi, như vậy, nhiều quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tế nữa”.
Ngày quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 được Bộ Công Thương lựa chọn với chủ đề " Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn", nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương cho rằng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có những hành động tạo được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa, cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.
“Từ trước đến nay, chúng ta chỉ nghĩ đến câu chuyện là cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng nhưng giờ đây chúng tôi nghĩ rằng bản thân doanh nghiệp sẽ làm chủ thể quan trọng hơn, tự bản thân phải ý thức về những gì mà họ sẽ cung cấp từ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng”, bà Nguyễn Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang rất được trông đợi, với nhiều kỳ vọng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, đặc biệt với những lĩnh vực đặc thù. Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, đánh giá quy định hiện hành và thực tiễn thực thi trên toàn quốc để xác định rõ những hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành. Dự kiến, dự thảo sẽ tiếp tục được Quốc hội đóng góp ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới./.