Nhà sản xuất, kinh doanh đang nỗ lực xoay trở, kích cầu để tìm kiếm tăng trưởng trong các tháng cuối năm 2024
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, cảnh buôn bán ế ẩm đã trở nên quen thuộc tại nhiều chợ lẫn cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP HCM.
Sức mua vẫn ảm đạm
Mới hơn 10 giờ ngày 5-6, chợ Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP HCM) đã chớm tan. Bên trong nhà lồng chợ chỉ còn vài tiểu thương loay hoay sắp xếp lại hàng hóa. Tại chợ này, nhiều quầy sạp đã bỏ trống từ dịch COVID-19. Ở khu vực bán hàng tự phát phía sau chợ, khung cảnh cũng ảm đạm không kém. Dù không có khách nhưng tiểu thương vẫn nán lại, hy vọng bán thêm chút ít rau củ, trái cây, thịt cá… cho khách đi chợ muộn.
Một số hệ thống siêu thị cho biết dù đã liên tục khuyến mãi, tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm... để kích cầu nhưng tăng trưởng bình quân mỗi tháng chỉ từ 0,5% đến hơn 1%, thậm chí có hệ thống tăng trưởng âm.
"Tỉ lệ hàng khuyến mãi trong giỏ hàng của khách đã tăng từ 20%-25% lên 30%-35%. Quan trọng hơn, không còn khái niệm khách hàng trung thành bởi người tiêu dùng hiện nay sẵn sàng bỏ thương hiệu quen thuộc để mua sản phẩm cùng loại có giá rẻ và khuyến mãi hấp dẫn hơn" - đại diện một hệ thống siêu thị nói.
Ngay cả các chợ đầu mối (vốn chiếm khoảng 50%-70% thực phẩm tươi sống của TP HCM), lượng hàng lẫn sức mua trong 5 tháng đầu năm cũng chững ở mức thấp. Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết: "Do đang vào mùa nên có nhiều loại trái cây trong nước như mận hậu, măng cụt, chôm chôm, vải… nhưng người tiêu dùng không thoải mái về tài chính sẽ không mua sắm "thoáng" như trước" - ông Phương phân tích.
Ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh (Lâm Đồng) - chuyên cung cấp rau củ quả cho thị trường TP HCM, cũng cho biết lượng rau công ty đưa về TP giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023 do tiêu thụ chậm, nguồn cung giảm và giá một số mặt hàng tăng.
"Đợt rồi, nắng nóng kéo dài gây thiếu nguồn nước, rau chết hàng loạt. Một số vườn làm rau thủy canh thiệt hại nặng, phải tạm đóng cửa. Đến nay, cà chua bi, bông cải trắng, bông cải xanh, cải bó xôi vẫn đang thiếu hàng nhưng sức mua các mặt hàng này vẫn không tăng đáng kể" - ông Kiên phản ánh.
Ở góc độ nhà sản xuất, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), than thở từ năm 2023 đến nay, sức mua có xu hướng giảm ngày càng sâu. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, không chỉ Vissan mà sức mua của nhiều DN ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng bị giảm đến 15%-20%.
"Sức mua giảm đều ở các kênh. Vài ngày trở lại đây, giá heo hơi đã tăng lên mức 70.000 đồng/kg, đủ tiêu chuẩn để đề xuất tăng giá nhưng các DN bình ổn mặt hàng thịt heo đang nỗ lực giữ giá, phần vì sức mua quá thấp, phần vì trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng" - ông Dũng nói.
Tăng trưởng đến từ đâu?
Quản lý một hệ thống siêu thị cho biết đội ngũ của anh đang phải chịu áp lực lớn về doanh số. "Số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại TP HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 460.000 tỉ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Các con số tăng trưởng quá ấn tượng trong khi tăng trưởng của DN bán lẻ lẹt đẹt 1%-2% khiến ban điều hành hoài nghi năng lực nội bộ" - vị quản lý này than thở.
Theo phân tích của giới chuyên môn, trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng, tốc độ tăng trưởng của nhóm dịch vụ cao hơn nhóm bán lẻ hàng hóa. Ngoài ra, trong bán lẻ hàng hóa bao gồm rất nhiều mặt hàng có giao dịch mua/bán, đặc biệt trong đó là mặt hàng vàng tăng "nóng" trong thời gian qua.
Các DN nhận định nhu cầu trong nước vẫn ở mức thấp, làm giảm sức cầu nhưng kinh tế sẽ có nhiều cơ hội phục hồi. Báo cáo mới đây của J.P.Morgan đã đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng tiêu dùng tại Việt Nam.
Cụ thể, tiêu dùng của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu tăng trưởng; thị phần của các nhà bán lẻ tạp hóa hiện đại (cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, siêu thị) mới đạt 12% vào năm 2023, thấp hơn đáng kể so với tỉ lệ thâm nhập của Thái Lan vào những năm 2000, dù tỉ lệ đô thị hóa tương tự. Điều này cho thấy còn nhiều dư địa để phát triển kênh bán lẻ hiện đại.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhìn nhận: "Nếu cứ kích cầu giảm giá trong khi người tiêu dùng không có nhu cầu mua sắm thì cũng không thể thúc đẩy tăng trưởng. Điều quan trọng nhất của những tháng cuối năm không phải đến từ giải pháp trực tiếp kích cầu các mặt hàng mà là những giải pháp liên quan đến các ngành hỗ trợ, ví dụ giải pháp liên quan đến thị trường bất động sản, tạo công ăn việc làm ổn định, lãi suất ngân hàng và giá vàng, ngoại tệ ổn định... tạo nên niềm tin của người tiêu dùng tốt hơn" - ông Đức nói.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, những ngành công nghiệp đang phục vụ cho lĩnh vực phân phối và dịch vụ như logistics, hạ tầng, công nghệ... bắt đầu được quy hoạch lại để tạo đà thúc đẩy cho lĩnh vực bán lẻ. Bản thân các DN đang cật lực xoay trở nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng, bán lẻ.
Mới đây nhất, Vissan đã ký kết hợp tác chiến lược với công ty Phutho Tourist, tập trung vào việc ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ của nhau, bảo đảm chính sách giá cạnh tranh và chất lượng sản phẩm tốt nhất nhằm tăng thêm đầu ra cho sản phẩm.
Đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi
Với các DN bán lẻ, chiến lược hiệu quả nhất vẫn là đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để kích cầu. Hệ thống Winmart, Winmart + đang thiết kế danh mục hơn 600 sản phẩm giá siêu rẻ và các chương trình ưu đãi thường kỳ cho các siêu thị, cửa hàng trong tháng 6-2024.
Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra có chương trình "Tháng tiêu dùng xanh" với hàng loạt ưu đãi cho khách hàng mua các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Các hệ thống siêu thị MM Mega Market, GO!, Aeon, Emart... cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi các sản phẩm hè, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.
Theo Thanh Nhân (Báo Người lao động)