Có thực sự là nhà tuyển dụng không thể phát hiện những lời nói dối của ứng viên như bạn vẫn nghĩ? Không đâu. Họ có khá nhiều cách để bóc trần những lời chém gió trong CV của bạn đấy nhé.
Nghiên cứu thật kỹ CV của ứng viên và đưa ra những câu hỏi thật chi tiết trong buổi phỏng vấn
Bạn cho rằng nhà tuyển dụng chỉ xem lướt qua, sẽ không “soi” mẫu CV xin việc quá nhiều đâu. Nhưng bạn ơi, bạn sai rồi. Nếu không “soi” thì nhà tuyển dụng biết lấy cái gì mà hỏi, lấy cái gì mà khai thác năng lực và tính cách của ứng viên?
Trước khi bước vào buổi phỏng vấn, nếu như bạn cần tìm hiểu thật kỹ về doanh nghiệp thì nhà tuyển dụng cũng cần nghiên cứu thật kỹ CV của bạn. Những câu hỏi nhà tuyển dụng đưa ra càng chi tiết bao nhiêu thì buổi phỏng vấn của họ càng nghiêm túc và chất lượng bấy nhiêu. Thay vì mong chờ những câu hỏi hời hợt hay dễ như ăn kẹo, hãy chuẩn bị tâm thế để đương đầu với series những câu hỏi xoáy đáp xoay đầy hóc búa đến từ vị trí nhà tuyển dụng. Nếu bạn có sự gian dối, hiển nhiên bạn sẽ bị hạ gục rất nhanh. Vì lẽ đó, hãy luôn có trách nhiệm và thành thực với những thông tin mà bạn đưa ra trong CV công việc vì nó sẽ phần nào quyết định buổi phỏng vấn của bạn nở hoa hay bế tắc.
Quan sát thái độ và ngôn ngữ cơ thể của ứng viên trong suốt quá trình phỏng vấn
Bạn biết không, cơ thể bạn, đôi mắt của bạn có đôi khi sẽ bán đứng chính bạn. Tại sao vậy?
Bạn có thể dối nhà tuyển dụng trong lời nói nhưng làm sao dối được trong ánh mắt?
Khi nhận được những câu hỏi liên quan đến công việc mà bạn đã từng làm, một người trung thực chắc chắn sẽ đưa ra đáp án một cách tự tin, rành mạch và rõ ràng. Nhưng khi bạn nói dối, cơ thể bạn sẽ có những phản xạ tự nhiên như: lúng túng, chân tay bứt rứt, không dám nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng, trả lời ngập ngừng và mất rất nhiều thời gian mới có thể đưa ra một đáp án hoàn chỉnh. Những hành động đó đang phần nào chứng tỏ rằng bạn thiếu trung thực.
Nếu bạn có thể giữ thái độ bình tĩnh tuyệt đối và trả lời các câu hỏi một cách dứt khoát, tròn trịa ngay cả khi bản thân đang nói dối thì tin chắc rằng năng lực làm việc của bạn không hề tệ chút nào, dù có nói quá một chút trong CV cũng không sao.
Kiểm tra người tham khảo hay reference check
Reference check là thuật ngữ phổ biến dùng để chỉ một bước quan trọng trong quy trình tuyển dụng nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm ứng viên phù hợp cho mọi vị trí, mọi cấp bậc.
Việc kiểm tra tham chiếu đem lại rất nhiều giá trị đối với nhà tuyển dụng vì nó cho phép doanh nghiệp thu thập thêm thông tin hoặc kiểm chứng mức độ chính xác của những gì ứng viên thể hiện trong CV. Cụ thể:
- Xác minh tính trung thực của những thông tin được trình bày trong hồ sơ xin việc.
- Khai thác thêm những góc khuất trong công việc và cuộc sống mà ứng viên chưa thể hiện (thường là những sai sót, khuyết điểm mà họ không muốn đề cập đến).
- Kiểm tra năng lực chuyên môn của ứng viên có phù hợp với vị trí công việc đang tuyển dụng hay không thông qua khả năng thích ứng với nhưng công việc trước đó, nhất là những công việc có tính chất tương tự.
- Kiểm tra tính cách, thái độ, khả năng giao tiếp trong công việc và tại công sở.
Phần lớn ứng viên tin rằng reference check thường bị nhà tuyển dụng bỏ qua trong quá trình tìm kiếm nhân sự và thực tế đúng là như vậy. Tuy nhiên, đối với những công ty có quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt, đặc biệt là khi vị trí bạn ứng tuyển thực sự quan trọng trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, khi CV công việc của bạn khiến nhà tuyển dụng cảm thấy hứng thú hoặc khi nó xuất sắc đến độ khiến người khác nảy sinh nghi ngờ thì reference check hoàn toàn có thể được thực hiện một cách nghiêm túc.
Thùy Vân