Hiện nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đang đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh.
Qua làm việc với các địa phương, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhận diện được những vướng mắc. Tại TP.HCM, đang có tới 80% trong tổng số 180 dự án có khó khăn, vướng mắc phải dừng thi công. Tại Hà Nội có 170 dự án, Đà Nẵng có 75 dự án, Hải Phòng có 65 dự án và Cần Thơ có 79 dự án khó khăn vướng mắc.
Những vướng mắc liên quan đến trách nhiệm và thẩm quyền của nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau. Trong đó, chủ yếu liên quan đến quy định về đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư và quy định của pháp luật về nhà ở. Tổ công tác đã rà soát để phân rõ thẩm quyền tháo gỡ. Nhiều địa phương cũng đã thành lập tổ công tác để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp sớm đưa các dự án vào triển khai nhằm tăng nguồn cung cho thị trường và tránh lãng phí. Những gì thuộc thẩm quyền của Tổ Công tác được giải đáp ngay, còn những gì vượt thẩm quyền thì sẽ được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Qua đánh giá chung, chúng tôi thấy việc thực hiện đôn đốc của Tổ công tác đã bước đầu làm cho các địa phương tích cực hơn trong việc rà soát và tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Chúng tôi tin rằng, trong thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như vào cuộc của Tổ công tác, sẽ có nhiều dự án bất động sản sẽ được tháo gỡ. Đó cũng là giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản có nhiều nguồn cung hơn".
Một tin vui đối với các doanh nghiệp là Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 02, cho phép các Ngân hàng thương mại chủ động thực hiện giãn, hoãn các khoản vay tín dụng, trong đó có lĩnh vực bất động sản, đến hạn chưa trả nợ được do tác động khách quan của nền kinh tế trên cơ sở bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng.
Cùng với việc đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, giải pháp thiết thực nhất lúc này là nhanh chóng khơi thông những ách tắc về pháp lý vốn đã kéo dài nhiều năm qua. Nếu dự án có pháp lý hoàn chỉnh, doanh nghiệp có thể bán sản phẩm hoặc gọi vốn từ các đối tác hay quỹ đầu tư, tức là tự chủ được dòng vốn, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng như hiện tại.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Phương Đông nêu ý kiến: "Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi chuẩn bị tinh thần, đối với những dự án đang có quỹ đất thì sẽ chờ sửa đổi những quy định để xử lý những rào cản pháp lý trước đây chưa xử lý được. Vấn đề thứ hai là sẽ làm việc với các Ngân hàng về các phương án vay vốn. Trong thời gian được đồng ý chủ trương và đến khi có quyết định giao đất thì sẽ kịp thời triển khai".
Nhiều doanh nghiệp cho biết, nhờ các chính sách hỗ trợ tài chính thời gian vừa qua nên từ giữa tháng 4 đến nay, nhiều khách hàng đã quay lại tìm hiểu các sản phẩm bất động sản. Tuy nhiên, tỷ lệ xuống tiền hiện vẫn đang rất thấp vì tâm lý chờ chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý./.