Phân bón kém chất lượng, ghi nhãn nhập nhèm, thuốc, chế phẩm diệt côn trùng bán cho người nông dân sử dụng như thuốc bảo vệ thực vật (thuốc BVTV) trên đồng ruộng... đang gây thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế đối với người nông dân một nắng hai sương, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp.
Loạn kiểu ghi tên, nhãn mác bao bì phân bón
Lợi dụng phân bón tăng giá, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu các loại phân bón hữu cơ vo viên, SA về rồi đóng bao ghi nhãn mác nhập nhèm giống như phân vô cơ như DAP, NPK, URE... bán với giá ngang bằng hoặc thấp hơn phân DAP và NPK chính hiệu, làm gia tăng chi phí cho người nông dân trrong khi tác dụng của các loại phân bón nhập nhèm thì không như mong đợi.
Nếu chỉ nhìn vào bao bì thì người nông dân như lạc vào ma trận phân bón, bởi họ rất khó phân biệt được đâu là phân bón DAP, NPK, SA thật đâu là hàng ghi nhãn nhập nhèm vì nếu nhìn vào bao bì những bao phân bón ghi nhãn nhập nhèm thì hầu như người nông dân không phát hiện được. Các hình ảnh sản phẩm sau đây của các công ty phân bón cho thấy ma trận phân bón hiện nay là rất khủng khiếp:
Từ loại phân hữu cơ vo viên như thế này, các công ty phân bón đã "phù phép" thành phân vô cơ giả NPK, DAP... để bán cho giá cao gần bằng phân vô cơ thật cho bà con nông dân
Mẫu bao bì và tên công ty như thế này rất rễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, bao bì ghi là D.A.P (có nghĩa là diammonium phosphate) giá hiện khoảng 23.000 đồng/kg. Trong khi đó thành phần đúng phía sau là trung vi lượng chỉ khoảng 2000 đồng/kg
Hay như kiểu ghi nhãn của công ty TNHH BL Phát Đạt này làm cho người tiêu dùng tưởng đây là phân bón NPK bởi: trên bao bì ghi 16-16-8 có nghĩa là N: 16; Phosphate 16 và Kali là 8. Giả thương hiệu nhà máy philippines. Nhưng thực tế mặt sau lại ghi: organic matter 16% có nghĩa là hữu cơ 16. Có nghĩa là bán phân hữu cơ và lừa là vô cơ trong khi giá hai loại chênh nhau 10,000 đồng/kg
Mẫu bao bì của Công ty TNHH TM DV Nông nghiệp Vinh Tiến ở 17 Ngô Sĩ Liên, phường Hưng Lợi, Ninh Kiều, Cần Thơ ghi trên bao bì là D.A.P 20-46-0 nhưng thành phần đăng ký là NP 20-20
Còn công ty TNHH TM DV D.A.P HẠT NGỌC có địa chỉ tại 2621 Nguyễn Tiểu La, phường 8, quận 10, TP Hồ Chí Minh thì chỉ đăng ký Bo 2000ppm (đây rất có thể là hàng giả)
Bao phân bón ghi nguồn nguyên liệu từ D.A.P còn lại là hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, không ghi công dụng và thành phần, chỉ bấm một tem phụ nhỏ ở mép bao gây hiểu lầm cho người tiêu dùng
Bao phân bón của công ty TNHH Con Cò Vàng ghi là DAP Pháp nhưng thực chất thành phần là NP 20-20
Mẫu bao bì ghi là DAP 20-46 nhưng thực chất thành phần lại là phân PN 20-20
Mẫu bao bì phân bón của công ty TNHH SX-TM-DV Phân bón Nhật Mỹ ghi như DAP 18-46 nhưng thành phần đăng ký là NP 20-20
Bao phân Kali của công ty CP Hóa chất và Phân bón Thụy Điển có địa chị tại Cụm CN Quốc Quang, Bến Lức, Long An ghi là: Clorua 61%; K2O Min. Ghi như thế này là chơi chữ để lừa nông dân, đáng lẽ ra phải ghi là: Kali Clorua 61% Min thì công ty này ghi Clorua 61% rồi thêm dấu chấm và dấu phẩy (;) |
Một mẫu bao bì phân bón khác của công ty TNHH SX-TM-DV Phân bón Nhật Mỹ ghi Siêu DAP 18-46 nhưng thành phần đăng ký là NP 20-20
Một mẫu bao bì phân bón khác của công ty TNHH SX-TM-DV Phân bón Nhật Mỹ ghi như DAP 18-46 nhưng thành phần đăng ký là NP 20-20
Đăng ký là phân hữu cơ nhưng công ty Khương Nam Viện lại in trên bao bì chữ DAP và NPK gây ngộ nhận cho bà con nông dân là phân vô cơ
Bao phân bón DAP 18-46-0 của Công ty TNHH SX-TM Thuận Nông Phát có địa chỉ tại: 367 Nguyễn Cửu Phú, ấp 4, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh TP Hồ Chí Minh trong thành phần chỉ đăng ký Bo 2200ppm, Độ ẩm 1% |
Và còn rất nhiều sản phẩm của nhiều công ty sản xuất, kinh doanh phân bón khác
Tràn lan thuốc, chế phẩm diệt côn trùng sử dụng trên đồng ruộng
Thuốc BVTV là một trong những vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Góp phần bảo vệ cây trồng, ngăn chặn dịch hại, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng lạm dụng thuốc BVTV gây hại cho sức khỏe của cộng đồng và môi trường. Việc sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ theo khuyến cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người nông dân, làm gia tăng chi phí sản xuất, việc lạm dụng thuốc BVTV còn gây hệ lụy cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và đe dọa sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Các phụ gia dùng trong thuốc BVTV sẽ phân hủy hoặc bay hơi trong khoảng 7-10 ngày phun xịt, còn phụ gia dùng trong thuốc, chế phẩm diệt côn trùng có độ bám dính từ 3-6 tháng tùy theo loại. Kkhi nông dân dùng thuốc, chế phẩm diệt côn trùng phun xịt lên đồng ruộng, vườn cây sẽ rất nguy hiểm bởi với độ bám dính như trên sẽ thẩm thấu thuốc vào cây, trái dẫn đến tồn dư thuốc trong cây trái, gây hại cho người dùng. Chính vì vậy mà Bộ NN&PTNT không cho phép sử dụng thuốc, chế phẩm diệt côn trùng trong sản xuất nông nghiệp. Hàng năm chúng ta vẫn bị các đối tác nước ngoài trả lại hoặc bắt tái xuất các mặt hàng nông sản vì tồn dư hoặc có chứa các dự lượng thuốc BVTV vượt quá quy định của nước nhập khẩu vẫn thường xãy ra. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, giá trị của nông sản Việt Nam.
Những năm gần đây, trên thị trường nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện nhiều loại thuốc diệt côn trùng, chế phẩm diệt côn trùng dùng trong gia dụng và trong y tế của nhiều công ty BVTV đăng ký sản xuất nhưng được giới thiệu như một loại thuốc BVTV và được bán tràn lan tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp. Với nhiều sản phẩm như CyLux So1 300E – Ông 9 KHỎE, SULFARON So1 340EC và được gắn cái tên phụ rất kêu “3 lưỡi búa tử thần = 3 cách giết sâu” của công ty TNHH Hóa nông Lúa Vàng Hậu Giang, hay như sản phẩm DENTAFERAN 255SC –Su 35 được ghi rõ là thuốc diệt côn trùng nhưng trên bao bì (vỏ chai) lại in hình cánh đồng lúa dễ hiểu lầm là thuốc trừ sâu, còn chế phẩm diệt côn trùng nhãn hiệu CHIM SAU 240SC thì in hình con chim đang cắp con sâu… các sản phẩm trên đều được đăng ký với Bộ Y tế và được xếp vào danh mục: thuốc diệt côn trùng dùng để diệt khuẩn dùng trong gia dụng và trong y tế nhưng lại được bán ở cửa hàng vật tư nông nghiệp như thuốc BVTV. Điều này đã vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 31, Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Dưới đây là hàng loạt các sản phẩm của nhiều công ty thuốc BVTV có sản phẩm là thuốc, chế phẩm diệt công trùng:
Sản phẩm thuốc diệt côn trùng của Công ty TNHH Hóa nông Lúa Vàng Hậu Giang nhưng lại được giới thiệu và bán như thuốc BVTV tại của hàng vật tư nông nghiệp
Còn đây là sản phẩm thuốc diệt côn trùng DENTAFERAN 255SC Su 35 được ghi rõ là thuốc diệt côn trùng nhưng trên vỏ chai lại in hình cánh đồng lúa dễ hiểu lầm là thuốc trừ sâu
Chế phẩm diệt côn trùng của Công ty TNHH Happy Agri có địa chỉ tại 490/17 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP Hồ Chí Minh
Chế phẩm diệt côn trùng Hỏa Ưng của Công ty TNHH Happy Agri có địa chỉ tại 490/17 Lê Văn Sỹ, - Phường 14 - Quận 3 - TP Hồ Chí Minh
Thuốc diệt côn trùng của Công ty TNHH TM DV Hamos có địa chỉ tại 120/4 Nguyễn Quý Anh, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh
Đây là sản phẩm thuốc diệt côn trùng của Công ty TNHH Hóa nông Lúa Vàng Hậu Giang SULFARON So1 340EC được dán lên tờ hướng dẫn như thuốc trừ sâu
Thuốc trừ sâu hiệu SERPAL SUPER 550 EC loại 450ml/chai do Công ty TNHH BVTV An Hưng Phát phân phối và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, chứa hoạt chất Glyphosate cấm sử dụng tại Việt Nam. Nguồn: dms.gov.vn
Đội QLTT số 5 tạm giữ thuốc bảo vệ thực vật của Công ty cổ phần GenTa Thụy Sỹ, địa chỉ 34 đường 6B Khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh phân phối và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, chứa hoạt chất Glyphosate cấm sử dụng tại Việt Nam. Nguồn: dms.gov.vn
Trả lời PV tại một diễn đàn mới đây, ông Lê Văn Thiệt, Cục phó Cục BVTV cho biết, sử dụng thuốc - chế phẩm diệt côn trùng trên đồng ruộng là vi phạm pháp luật, theo ông Thiệt: thuốc và chế phẩm diệt côn trùng được các doanh nghiệp đăng ký với Bộ Y tế nên Bộ NN&PTNT không quản lý được tuy nhiên theo quy định của Bộ NN&PTNT thì tất cả các loại thuốc diệt côn trùng, chế phẩm diệt côn trùng không được phép sử dụng trên đồng ruộng.
“Hiện nay có một số hoạt chất đã được Bộ NN&PTNT đã cấm sử dụng trong nông nghiệp, tuy nhiên trong ngành y tế thì Bộ Y tế vẫn cho phép sử dụng, trong thời gian tới, Cục BVTV sẽ cùng với Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Y tế để chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp sản suất kinh doanh thuốc BVTV đăng ký sản phẩm thuốc - chế phẩm diệt côn trùng nhưng lại bán cho nông dân sử dụng như thuốc BVTV, chúng tôi sẽ đề nghị Thanh tra ngành nông nghiệp, Quản lý thị trường xử lý nghiêm các trường hợp bán thuốc - chế phẩm diệt côn trùng tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp”. Ông Thiệt cho biết thêm.
Thiết nghĩ, việc ghi nhãn nhập nhèm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV như hiện nay đang gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân, đồng thời gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nông sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Đề nghị các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ các mặt hàng vật tư nông nghiệp nhất là cách ghi nhãn phân bón cũng như thuốc BVTV và thuốc, chế phẩm diệt côn trùng như hiện nay.