Nhà đầu tư nên quan sát thận trọng diễn biến dòng tiền
Trong phiên giao dịch ngày 27/1, thanh khoản thị trường tiếp tục suy giảm và đây đã là phiên thứ 10 liên tiếp mà thành khoản ở mức dưới trung bình cho thấy các nhà đầu tư đang chuẩn bị đón Tết và hạn chế giao dịch ở thời điểm hiện tại. Áp lực bán chiếm ưu thế trước bên mua khiến VN-Index giảm 10,82 điểm (-0,74%) xuống 1.470,76 điểm. Độ rộng thị trường là tiêu cực với 291 mã giảm (22 mã giảm sàn), 54 mã tham chiếu, 151 mã tăng (5 mã tăng trần).
Cổ phiếu không còn giữ được sắc xanh để hỗ trợ thị trường như các phiên trước đó mà phần lớn đều kết phiên trong sắc đỏ khi mà áp lực bán chốt lời ngắn hạn gia tăng như: STB (-0,4%), VPB (-1,3%), MBB (-0,9%), TCB (-1%), ACB (-1,6%), SHB (-1,4%), VCB (-3,7%)... Nhóm thép tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh với: HPG (-3%), HSG (-1,9%), VGS (-10%)... Cổ phiếu bất động sản xây dựng cũng chung xu hướng với thị trường với nhiều mã giảm mạnh, thậm chí giảm sàn, có thể kể đến: KBC (-3,8%), CEO (-9,5%), CII (-6,9%), DIG (-6,9%), LDG (-6,7%), NBB (-6,9%), TIP (-7%), DRH (-6,8%), VPH (-6,9%), QCG (-6,6%)... Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán lại ngược dòng thị trường tăng khá tốt với SSI (+2,2%), VND (+3,3%), SHS (+2,6%), HCM (+2,9%), VCI (+1,3%), VIX (+3,3%), CTS (+2,3%)...
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), chỉ số VN-Index đã rơi khỏi đường hỗ trợ MA50 sau khi chạm ngưỡng cản và đang có xu hướng tìm về các vùng hỗ trợ phía dưới.
“Mức giảm này sẽ không quá sâu và chỉ số sẽ sớm tìm được điểm cân bằng do thanh khoản thị trường không quá lớn. Nhà đầu tư nên quan sát thận trọng diễn biến dòng tiền, có thể tiếp tục nắm giữ đối với các nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, đầu ngành thuộc các nhóm ngân hàng, khu công nghiệp và dầu khí”, chuyên gia của Agriseco cho hay.
Thị trường không có dấu hiệu quan ngại trong ngắn hạn
Còn theo nhóm phân tích của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch hôm nay 28/1 và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.487 điểm (tức là đường trung bình 20 phiên). Đồng thời, rủi ro ngắn hạn ở mức thấp và dòng tiền vẫn có xu hướng gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn đi ngang trong vùng bi quan quá mức cho thấy thị trường không có dấu hiệu quan ngại trong ngắn hạn mà chủ yếu là nhịp điều chỉnh ở nhóm vốn hóa lớn sau hai phiên tăng điểm.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục mua thăm dò với tỷ trọng thấp ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh nếu các nhà đầu tư không có áp lực margin cao”, chuyên gia của YSVN lưu ý.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, chỉ số tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của đường trung bình động 10 ngày (tương ứng quanh vùng 1.460 điểm), nhưng mặt khác thì áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng tại ngưỡng 1.490 điểm và VN-Index tạm thời chưa tìm được động lực để bứt phá khỏi mốc cản này. Các chỉ số vẫn đang nằm trong xu hướng lình xình mang tính tích lũy lại sau một nhịp giảm mạnh, nhưng nhà đầu tư vẫn cần theo dõi sát sao những diễn biến trên thị trường trước khi ra quyết định đầu tư ngắn hạn trong bối cảnh VN-Index thất bại trước ngưỡng 1.490 điểm và hoàn toàn có khả năng sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ quanh 1.450 điểm.
“Nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời một phần danh mục nếu như đã "bắt đáy" thành công trong những phiên cuối tuần trước và đầu tuần này, tạm thời gia tăng tỷ trọng tiền mặt và chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng thị trường trước khi đưa ra các quyết định giải ngân mới”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.