Chiều 14/12, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn logistics Việt Nam 2021 với chủ đề "Phát triển nhân lực logistics" bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Logistics phát triển chưa xứng với tiềm năng
Khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu”của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics phát triển. Cùng với sự nỗ lực của cộng đồng DN, ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-15%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
“Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sụt giảm do tác động của dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ càng tăng thêm khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đưa logistics lên tầm cao mới
Đề cao nguồn nhân lực cho logistics là nhân tố nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam, tại Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam cho biết, thời gian qua, các nhà quản lý cũng như các trường Đại học, Cao đẳng và các cơ sở đào tạo luôn nỗ lực tạo ra đội ngũ nhân sự logictics có chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển của ngành và giúp cho các DN logistics tối ưu hóa các hoạt động, các phương án kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bám vào 7 nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển logistics Việt Nam, ông Chương đề xuất kế hoạch để rà soát, sắp xếp quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục Đại học, giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về lĩnh vực logistics, làm sao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của thị trường nhân lực trong cả nước cũng như của từng vùng và từng địa phương.
Đặc biệt, Chính phủ có thể xem xét dành một khoản kinh phí cho giáo dục đào tạo đối với chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đồng thời xem xét đầu tư xây dựng một số trung tâm đào tạo nhân lực có trình độ cao, trọng điểm quốc gia ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam để hướng tới đào tạo chuyên sâu nhân sự các cấp độ vận hành và quản lý, góp phần nâng cao trình độ nhân lực logistics để có thể đáp ứng được sự phát triển ngày càng nhanh chóng của lĩnh vực này.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng nhìn nhận, trong cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các DN logistics đã kêu gọi giảm giá cước vận tải, phí lưu kho lưu bãi đảm bảo tốt công tác tiêu thụ hàng hóa tạo nên thành quả tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 600 tỉ USD nên đây là một nỗ lực chưa từng có của ngành logistics Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh mong muốn ngành logistics cần cùng với Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như các hoạt động kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục huy động mọi nguồn vốn để nhanh chóng đầu tư đổi mới kết cấu hạ tầng, từng bước hiện đại hóa hạ tầng giao thông và các trung tâm logistics, phù hợp với quy hoạch cũng như tốc độ phát triển kinh tế quốc gia.
Tham dự diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, Diễn đàn lần này thống nhất kiến nghị với cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng về các giải pháp nhằm phát huy được nội lực của ngành logistics. Nhanh chóng phát triển logistics lên tầm cao mới để tận dụng tối đa những tác động tích cực đến từ việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
Đồng thời, ngành logistics cần hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để biến “nguy” thành “cơ”, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics, góp phần thúc đẩy ngành logistics của nước ta phát triển lên một tầm cao mới trong thời gian tới./.