Với đặc điểm 70%-80% là lao động di cư, cơ hội việc làm và điều kiện sống bấp bênh, không ổn định, NLĐ ngày càng đối diện trực tiếp và rõ rệt với tình trạng bấp bênh về sinh kế.
Sự sụt giảm cơ hội và số lượng việc làm
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, lao động có việc làm là 49,0 triệu người, giảm 1,0 triệu người so với năm 2020. Số lao động có việc làm khu vực chính thức là 15,4 triệu người, giảm 469,8 nghìn người. Khu vực phi chính thức là 19,8 triệu người, giảm 628,0 nghìn người. Khu vực dịch vụ có số lao động giảm nhiều nhất, với 800,8 nghìn người. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 254,2 nghìn người.
Tình hình thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 370,8 nghìn người so với năm 2020. Số người thất nghiệp là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,42%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm.
Công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) tan ca
Năm 2021, cả nước giảm 13,4% về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là gần 55.000 đơn vị, tăng 18% so với năm trước; 48.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16.700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%. Bình quân mỗi tháng có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Các số liệu trên cho thấy sự tổn thương nghiêm trọng của môi trường lao động việc làm đến cơ hội việc làm nói riêng và đến sinh kế của NLĐ nói chung. Theo báo cáo của các cấp Công đoàn, đến hết năm 2021, cả nước có hơn 174.000 F0 là công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ); 692 trường hợp tử vong do Covid-19, gần 195.000 người là F1; gần 295.000 người là F2, F3; hơn 460.000 CNVC-LĐ phải ở trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Đặc biệt có hơn 500 trẻ em là con NLĐ mồ côi do dịch Covid-19. Từ đầu năm 2022 đến nay, những con số trên đang tăng lên…
Vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn do áp lực về kinh tế
Năm 2021 thu nhập bình quân tháng của NLĐ là 5,7 triệu đồng, giảm 32.000 đồng so với năm 2020. Lao động làm công ăn lương là 6,6 triệu đồng, giảm 45.000 đồng so với năm 2020. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,6 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần lao động nữ (4,7 triệu đồng). Như vậy, tiền lương thực nhận của NLĐ đang giảm dần trong 3 năm gần đây. Cụ thể, năm 2019 là 7,57 triệu đồng; năm 2020 là 7,40 triệu đồng, năm 2021 giảm mạnh còn 6,6 triệu đồng.
Khi xem xét trong các nhóm lao động, khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (2021) cho thấy gần 50% NLĐ bị giảm lương cơ bản, tập trung ở khối DN ngoài nhà nước. Cụ thể, 80,4 % NLĐ trong ngành Giao thông Vận tải bị giảm lương; tiếp đến là 77,6% NLĐ ngành Du lịch - dịch vụ; 50% NLĐ ở các nhóm ngành Thương mại - Tài chính, Nông - Lâm - Thủy sản và Dệt may - Da giày; 36,6% NLĐ ở nhóm ngành Điện - điện tử.
Về mức giảm thu nhập, mức giảm 20%-30% xảy ra với nhóm lao động đủ giờ, không bị giãn việc; mức giảm 50%-70% với nhóm lao động bị giãn việc/làm việc luân phiên; mức giảm 70% - 90% với nhóm lao động bị ngừng việc tạm thời/tạm hoãn hợp đồng lao động. Một ví dụ cụ thể là lao động trong ngành công nghiệp dệt may, da giày, túi sách bị giảm 40% thu nhập, từ bình quân 220 Euro/tháng xuống còn 132 Euro/tháng.
Công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) tan ca
Ngoài ra, NLĐ còn phải đối mặt với sự sụt giảm điều kiện sống. Theo tìm hiểu của Viện Công nhân Công đoàn, nhiều NLĐ gặp khó khăn trong chi tiêu. Khoảng 60% NLĐ phải tiết kiệm triệt để các khoản chi; 26% phải sử dụng đến tiền tiết kiệm, tiền tích lũy cá nhân; 11% phải vay mượn tiền của người thân; 5% phải lựa chọn mua đồ trả góp; 3% phải xin trợ cấp của địa phương hoặc dùng đồ quyên góp; 0,3% phải vay lãi suất cao (tính dụng đen) hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.
NLĐ còn bị suy giảm số lượng, chất lượng bữa ăn và chế độ dinh dưỡng: 48% NLĐ bị giảm lượng thịt ăn thường ngày; 47% phải ăn nhiều rau xanh hơn; 22% phải chuyển từ việc mua đồ hằng ngày tại các chợ dân sinh quanh nơi sinh sống sang sử dụng lương thực, thực phẩm do người thân ở quê hỗ trợ, cung cấp; 21% phải ăn nhiều mỳ tôm hơn; 15% người lao động lựa chọn việc ăn giảm bữa, gộp bữa.
Do giảm thu nhập, NLĐ còn gặp phải tình trạng nảy sinh, gia tăng những áp lực, khủng hoảng về tinh thần: 13% cặp vợ chồng NLĐ nảy sinh mâu thuẫn do áp lực về kinh tế, đặc biệt trong kiểm soát chi tiêu gia đình; 5% nảy sinh mâu thuẫn trong việc chăm sóc con cái (tại thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, 66% phải tự trông con hoặc hướng dẫn con học tại nhà; 25% phải gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc…).