Giấc ngủ chất lượng giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, giúp cả phụ nữ và nam giới sống thọ hơn.
Giới nghiên cứu hiện chú ý nhiều hơn đến chất lượng giấc ngủ. Vấn đề không phải là bạn nằm trên giường bao lâu mà giấc ngủ chất lượng đến mức độ nào trong việc phục hồi thể lực và tâm trí. Các nhà khoa học đã giới thiệu không ít thiết bị theo dõi sức khỏe như đồng hồ đeo tay có thể ghi nhận bạn ngủ được bao lâu và ngon như thế nào. Theo một nghiên cứu năm 2024 đăng trên QJM, giấc ngủ chất lượng có thể giúp nam giới sống thọ thêm 4,7 năm, nữ giới thêm 2,4 năm.
Thiếu ngủ kéo dài có thể khiến bạn cảm thấy khó tập trung và sự kiên nhẫn của bạn dành cho những vấn đề bức xúc trong ngày dường như mong manh hơn. Theo thời gian, thiếu ngủ có thể dẫn đến các vấn đề về nhận thức và một số bệnh mạn tính.
Những kiểu ngủ có lợi cho sức khỏe
Theo Health Digest, nhóm tác giả đã phỏng vấn hơn 170.000 người về sức khỏe và hành vi giấc ngủ của họ, đồng thời đối chiếu với hồ sơ tử vong nhiều năm sau đó. Họ đã xem xét 5 yếu tố để đo lường chất lượng giấc ngủ. Đầu tiên là liệu mọi người có ngủ đủ thời gian lý tưởng hay không (từ 7 đến 8 tiếng). Các yếu tố tiếp theo gồm mức độ khó ngủ, có ngủ suốt đêm không, có dùng thuốc ngủ không và cảm giác khi thức dậy.
Để đạt đủ 5 điểm, bạn phải ngủ ít nhất 7 tiếng, dễ ngủ, ngủ trọn vẹn 5 đêm/tuần, không dùng thuốc ngủ và thức dậy với cảm giác sảng khoái 5 ngày/tuần.
Những người có chất lượng giấc ngủ đạt 5 điểm có tuổi thọ cao hơn. Họ có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 30%, nguy cơ tử vong do tim mạch giảm 21% và nguy cơ tử vong do ung thư thấp hơn 19%.
Một lưu ý về nghiên cứu này là những người tham gia tự báo cáo thói quen ngủ. Nhóm tác giả không thể xác minh thông tin có hoàn toàn chuẩn xác không.
Cách cải thiện chất lượng giấc ngủ
Giấc ngủ có thể không phải là ưu tiên hàng đầu khi bạn còn trẻ. Nhưng sau này, bạn sẽ cảm ơn chính mình nếu thiết lập thói quen ngủ điều độ từ sớm. Better Health Channel khuyên bạn nên xem xét các yếu tố có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Hãy tôn trọng nhịp sinh học của cơ thể bằng cách đi ngủ và thức dậy vào những thời điểm nhất quán mỗi ngày.
Nhiều người đi ngủ ngay sau buổi tập luyện vất vả, bữa ăn nhiều chất hoặc 1-2 ly rượu vang nhưng thói quen đó sẽ khiến bạn khó ngủ. Tốt hơn hết, hãy tránh nếp sinh hoạt như trên trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ.
Bạn cũng sẽ dễ ngủ hơn nếu thiết lập các thói quen như giảm độ sáng của đèn, đọc sách hoặc đi tắm để cơ thể và tâm trí ổn định sau một ngày vất vả. Các thiết bị điện tử có thể khiến bạn tỉnh táo, vì vậy hãy đặt điện thoại sang một bên để ưu tiên giấc ngủ chất lượng.
Theo Vietnamnet