Từ lâu nghệ vàng được nhân dân ta sử dụng như một gia vị và làm thuốc. Ngày nay nghệ vàng được sử dụng khá phổ biến trong nhân dân bởi những công dụng của nó đối với sức khỏe con người, vậy nghệ vàng có tác dụng gì?
Nghệ vàng có tác dụng gì?
Nghệ vàng và nghệ đen được sử dụng trong Đông y từ lâu đời. Cả hai đều có hoạt tính chống viêm. Thân rễ nghệ vàng và nghệ đen thu hái vào mùa thu đông, cắt bỏ rễ nhỏ, rửa sạch đất cát, thái lát, phơi hoặc sấy khô. Trong Đông y gọi là khương hoàng (nghệ vàng), nga truật (nghệ đen).
Nghệ vàng có tác dụng chống loét dạ dày và rối loạn tiêu hóa. Cao lỏng toàn phần của nghệ vàng giúp giảm cholessterol máu, kháng khuẩn kháng nấm.
Rễ củ nghệ vàng tác dụng hành khí, phá huyết, chỉ thống, sinh cơ. Điều trị kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau tức sườn ngực, khó thở.
Phụ nữ đau bụng sau đẻ do máu xấu không sạch, kết hòn cục hoặc ứ huyết do sang chấn, viêm loét dạ dày, vết thương lâu liền miệng.
Cách dùng - liều dùng:
Củ nghệ ngày dùng từ 6-12g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột. Dùng ngoài dưới dạng dịch tươi bôi vào vết thương để chóng lên da non.
Kiêng kỵ: Cơ thể suy nhược, không có ứ trệ không dùng. Phụ nữ sau đẻ không phải nhiệt kết ứ và phụ nữ có thai không dùng.
Các bài thuốc hay từ củ nghệ vàng
Trị đau dạ dày: Chuẩn bị nghệ và mật ong. Rửa sạch nghệ, gọt vỏ và thái nhỏ. Mang nghệ đi phơi khô, sau đó tán thành bột mịn, trộn với mật ong. Vo bột nghệ thành các viên nhỏ. Uống thuốc viên mỗi ngày để trị bệnh đau dạ dày.
Điều trị viêm gan mãn tính: Lấy 4g nghệ, 12g côn bố, 12g đình lịch tử, 10g hải tảo, 10g hạt bìm bịp, 6g quế tâm. Sắc các vị thuốc trên thành một thang. Mỗi ngày dùng một thang thuốc, chia ra thành 3 lần uống. Nên uống thuốc trước bữa ăn.
Chữa mụn nhọt: Dùng 100g nghệ vàng, 150g củ ráy dại, 150g dầu vừng, 70g mật ong và 70g nhựa thông. Trước hết, gọt bỏ vỏ nghệ và củ ráy, sau đó thái mỏng, giã nát. Cho hỗn hợp nghệ và củ ráy vào dầu vừng và nấu nhừ. Lọc bỏ bã, cho thêm sáp ong, nhựa thông vào. Đun nóng, khuấy đều cho tan. Khi dung dịch nguội, người dùng hãy phết lên giấy bản rồi dán vào vị trí có mụn nhọt.
Giảm đau bụng kinh: Chuẩn bị 15g nghệ, 10g huyền hồ. Chích giấm hai vị thuốc. Sau đó sắc thuốc uống trong ngày. Mỗi ngày một thang thuốc, chia ra 3 lần uống trong ngày. Nên uống thuốc trước bữa ăn.
Chữa kinh nguyệt không đều: Chuẩn bị 8g nghệ vàng, 8g đào nhân, 8g xuyên khung, 16g kê huyết đằng, 16g ích mẫu, 12g sinh vị. Sắc các nguyên liệu trên thành một thang thuốc. Uống thuốc trong ngày. Thời gian điều trị: nên dùng thuốc liên tục hàng ngày, từ 2 – 3 tuần trước kỳ kinh. Nên uống thuốc vài liệu trình cho đến khi ổn định trở lại.
Giúp da dẻ mịn màng sau khi sinh: Chuẩn bị nghệ tươi, mật ong hoặc có thể thay thế mật ong bằng sữa tươi. Rửa sạch nghệ, xay nát và lọc lấy nước cốt. Hòa nước cốt nghệ với mật ong (hoặc sữa tươi). Phụ nữ sau khi sinh uống bài thuốc này 2 lần/ngày. Bài thuốc này sẽ giúp phụ nữ sau khi sinh da dẻ sẽ mịn màng, phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Điều kinh, bế kinh, vàng da sau khi sinh: nghệ vàng, củ gấu, quả quất còn xanh, cả 3 thứ sấy khô tán bột với mật ong làm thành viên uống hằng ngàỵ.
Viêm âm đạo: bột nghệ vàng 30g, phèn chua 20g, hàn the 20g, sắc với 500ml nước, lọc bỏ bã dùng thụt rửa âm đạo.
Cao dán mụn nhọt: nghệ vàng 60g, củ ráy 80g, nhựa thông 40g, sáp ong 40g, dầu vừng 80g. Tất cả giã nhuyễn, trộn đều, phết lên giấy làm cao dán.
Làm mờ sẹo: Cắt lát củ nghệ xát lên sẹo đang lên da non.
Vết thương phần mềm: bột nghệ 30g, bột rau má 60g, phèn chua 10g. Tất cả tán nhuyễn dùng băng bó vết thương.
Chữa giun đũa, giun kim: Lấy 20 giọt dịch ép từ nghệ tươi thêm vào đó một nhúm muối, trộn đều và cho trẻ uống vào sáng sớm lúc bụng đói.
Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "Nghệ vàng có tác dụng gì?" rồi phải không./.