Ngân hàng liên thông dữ liệu dân cư

Tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2023 diễn ra sáng nay (18/5), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy....

Các hoạt động này nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm – dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình khách hàng. 

Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư;… 

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Hoàng Hà

Những kết quả này đã được minh chứng qua những thông tin nổi bật. Nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng. 3,71 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, trong đó hơn 70% tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… 

Bên cạnh đó, một số chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng như tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tỷ lệ dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4,... 

Dữ liệu là tài sản quý giá

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, NHNN là một điểm sáng về chuyển đổi số với 99% hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến và hoàn chỉnh. Trên 50% các nhiệm vụ được giao trong chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 đã được hoàn thành, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về dân cư (CSDLvDC). 

“Ngành Ngân hàng đi tiên phong về chuyển đổi số sẽ kéo theo cả đất nước chuyển đổi số. Trong đó, chuyển đổi số có đi nhanh hay không, mạnh mẽ hay không chủ yếu phụ thuộc người đứng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với việc đưa mọi hoạt động lên chuyển đổi số, mọi hoạt động của tổ chức sẽ được ghi nhận dưới dạng dữ liệu. 

Dữ liệu được sinh ra từng ngày, dùng công nghệ số để phân tích, đánh giá những dữ liệu này sẽ nhìn thấy được toàn ngành một cách toàn diện. 

Các quyết định sẽ được đưa ra dựa trên dữ liệu đó, các giá trị mới được tạo ra dựa trên dữ liệu, tất cả những việc này được thực hiện dựa trên công nghệ số. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, ngành ngân hàng có hai loại tài sản. Một loại đang được sử dụng rất hiệu quả, đó là tiền. Một loại chưa được khai thác hết công suất, đó là dữ liệu. 

“Dữ liệu là một loại tài nguyên mới, trong đó ngân hàng là ngành có nhiều dữ liệu nhất, dữ liệu này lại đang tăng nhanh từng ngày. Ngành Ngân hàng “canh tác” trên mảnh đất mới này sẽ tạo ra rất nhiều giá trị cho đất nước. Dữ liệu mà được đánh thức cũng giống như con hổ ngủ được đánh thức, tạo ra sự phát triển đột phá”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngân hàng nên đi đầu về phân tích dữ liệu lớn, xây dựng hạ tầng dữ liệu, xây dựng ngành công nghiệp về dữ liệu, bao gồm cung cấp dữ liệu , xác định quyền sở hữu dữ liệu,…

“Việc phân tích dữ liệu và tạo ra giá trị mới từ dữ liệu là căn bản của chuyển đổi số. Muốn thúc đẩy cái gì, muốn quản lý cái gì thì phải đo lường được cái đó. NHNN có thể cùng với Bộ TT&TT xây dựng bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số của các ngân hàng, đây là cách tốt để thúc đẩy chuyển đổi số ở các ngân hàng”.

Trong chuyển đổi số, thay đổi mô hình vận hành, sáng tạo là quan trọng. Có đến 23% các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có giá trị trên 1 tỷ USD là những công ty công nghệ tài chính. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, ngành Ngân hàng cần cho phép thử nghiệm có kiểm soát nhiều hơn các công nghệ mới.

“Ngành Ngân hàng là ngành có điều kiện về nhân lực, tài lực, là ngành có hội nhập cao. Bộ TT&TT rất mong muốn ngành Ngân hàng đi đầu về chuyển đổi số quốc gia và hiện đã luôn thuộc nhóm dẫn đầu về chuyển đổi số, tạo ra sự phát triển mới cho ngành và gây cảm hứng cho đất nước về chuyển đổi số. Làm được việc này, ngành sẽ góp thêm sự phát triển mới cho đất nước, tạo ra thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ số.”

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định Ngân hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Vì vậy, ngành Ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đặt ra trong năm 2023, năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Hoàng Hà

Phó Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số là lĩnh vực mới, khó, và phức tạp, cần phải tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, vận dụng sáng tạo, phù hợp với các điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề gặp phải trong quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.

Cụ thể, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là về định danh, xác thực điện tử,…, kết cấu hạ tầng CNTT còn bất cập, kết nối khai thác dữ liệu dân cư với BHYT, thuế,… còn chưa được rộng rãi, triệt để.
Sự tham gia phối hợp của các DN còn hạn chế, tội phạm công nghệ cao với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; các nguồn lực, nhất là nguồn lực về trình độ cao cho chuyển đổi số còn thiếu hụt.  

“Chuyển đổi số cần chuyển đổi cả tư duy, nhận thức và hành động. Triển khai rộng khắp nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, làm thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí. Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là mục tiêu, động lực cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn. Không phát sinh thêm thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, quán triệt, thống nhất tổ chức triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.

Sự kiện Ngày chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2023 với Chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Với chủ đề này, ngành Ngân hàng muốn khẳng định sự chủ động trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) cũng như Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và NHNN. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC) để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều,...).

Đến nay, 95% TCTD đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều TCTD chuyển đổi số ở Top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng. Các chỉ số TTKDTM tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. 

NHNN đã hoàn thành kết nối, khai thác CSDLQGvDC chính thức từ ngày tháng 12/2022 cho dịch vụ công của NHNN. NHNN đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch hàng triệu hồ sơ khách hàng còn lại…

Năm 2022 một số đơn vị như Vietcombank, BIDV, VietinBank… đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ CCCD gắn chíp trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; Xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 5/2022, đang triển khai mở rộng cho các tỉnh, thành phố.