Chưa kịp nhận đủ các đơn hàng sắm Tết trên một số sàn thương mại điện tử và trang bán hàng online, chị Hoài Thanh (ngụ quận 5, TP HCM) tranh thủ các chương trình lì xì sau Tết của các sàn để đặt thêm một số đơn hàng gồm khẩu trang y tế và khẩu trang vải, nước rửa tay, găng tay cao su… cho gia đình xài dần khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
"Mua hàng online bây giờ rất tiện, nhất là khi dịch bệnh nên không nhiều người muốn ra ngoài la cà mua sắm. Các sàn và nhà bán hàng cũng thường tung mã giảm giá, ưu đãi nên tính ra mua online có lợi hơn tại cửa hàng" - chị Thanh so sánh.
Chị Thanh không phải là số ít người tiêu dùng ngày càng tỏ ra ưa thích mua sắm trực tuyến. Với xu hướng mua bán online đang tăng lên, Lazada thừa nhận tại lễ hội mua sắm cận Tết, sàn này có số lượng đơn hàng và nhà bán hàng toàn sàn tăng hơn 2 lần so với năm 2020. Riêng hệ thống gian hàng chính hãng LazMall ghi nhận số lượng khách hàng tăng hơn 3 lần và số đơn hàng tăng hơn 4 lần.
Ngoài ra, xu hướng tìm kiếm các mặt hàng phòng dịch như khẩu trang y tế cũng tăng đáng kể trong đợt dịch hồi trước Tết. "Dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số của cả khu vực và tại Việt Nam. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có nhiều bước phát triển nhảy vọt trong những năm gần đây và vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng trong nhiều năm sắp tới" - bà Lưu Hạnh, Giám đốc truyền thông Lazada, dự báo và tin tưởng vào khả năng sàn này tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2021.
Shopee và các nền tảng thương mại khác đang đầu tư mạnh vào công nghệ và kho bãi nhằm tăng tính trải nghiệm cho khách hàng mua sắm
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành tại Shopee Việt Nam, nhận xét năm 2020 mang ý nghĩa chuyển đổi đặc biệt đối với ngành thương mại điện tử bởi trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tại nhà, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang các nền tảng trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày vừa phục vụ mục đích tương tác và giải trí. Điều này dẫn đến việc mua sắm trực tuyến phát triển từ trải nghiệm giao dịch thuần túy sang trải nghiệm mang tính xã hội hơn, đồng nghĩa với việc các đơn vị kinh doanh lĩnh vực này cũng phải nhạy bén hơn trong việc chuyển đổi và làm mới mình.
Bên cạnh hàng loạt chương trình ưu đãi trước và sau Tết, tặng mã giảm giá mỗi ngày, sàn Shopee gần đây đã thiết kế mục Shopee Feed với giao diện gợi nhắc đến mạng xã hội Facebook - cùng tính năng cho phép người bán, người mua tự đăng bài viết, bình luận, "thả tim" trên những bài viết khác. Shopee từ chối lý giải chiến lược của mình nhưng ngay sau đó Lazada cũng có tính năng Feed và Tiki cho ra đời tính năng "Lướt" được cho là "bắt chước" mạng xã hội để cạnh tranh với các đối thủ.
Bà Lưu Hạnh cho hay năm 2021, Lazada sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiềm lực công nghệ với nhiều sáng kiến hơn nữa, như tối ưu hóa trí tuệ nhân tạo vào chức năng tìm kiếm trên ứng dụng, cho phép người dùng tìm kiếm sản phẩm nhanh chóng và thuận tiện nhất với tính năng tìm kiếm bằng giọng nói (voice-search) và hình ảnh (image-search). Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp công nghệ thuật toán thông minh gợi ý sản phẩm phù hợp với mức giá đúng nhu cầu của người tiêu dùng, đầu tư vào sức mạnh logistics, hướng đến giao hàng trong ngày...
Shopee cũng không kém cạnh khi cho hay sẽ tiếp tục đa dạng hình thức thanh toán kỹ thuật số để đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng; theo dõi toàn bộ quá trình từ kiểm duyệt đến giao hàng, củng cố mạng lưới hậu cần và năng lực kho hàng; tích hợp các giải pháp công nghệ để tăng cường trải nghiệm cho khách hàng...
"Những tính năng nói trên đều ít nhiều đem lại hiệu quả cho sàn khi tạo được doanh số tăng trưởng mạnh trong năm qua, cho thấy lợi ích từ những nội dung mang tính giải trí đã giữ chân người dùng lâu hơn trên các sàn" - một chuyên gia thương mại điện tử bình luận.
Ngoài ra, việc thiết kế các tính năng mới còn góp phần tăng thêm tính giải trí cho người tiêu dùng khi mua sắm online. "Như vậy, có thể hiểu rằng các nhà bán lẻ trực tuyến đang "dụ" khách hàng đến với mình nhưng thực chất, khách hàng cũng được hưởng lợi từ những tính năng mới mà nhà bán lẻ mang lại" - chuyên gia này phân tích.
Vẫn lo hàng giả, hàng kém chất lượng
Chị N.A (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) vừa đặt mua 3 sản phẩm chăm sóc da của nhãn hiệu T. trên một sàn thương mại điện tử với giá rẻ hơn đáng kể so với mua tại cửa hàng. Tuy nhiên, khi sử dụng, chị N.A có cảm giác sản phẩm có chất lượng không giống với các sản phẩm tương tự chị sử dụng trước đây. "Tuy chưa thấy tác dụng phụ nào nghiêm trọng nhưng tôi vẫn lo lắng không biết có mua phải hàng giả, nhất là khi giá rẻ hơn bình thường khá nhiều. Có lẽ tôi sẽ trở lại với kênh mua hàng offline để yên tâm hơn" - chị N.A băn khoăn.
Liên quan đến tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên kênh bán hàng online, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết tổng cục đã kiến nghị, tham mưu các đơn vị trong bộ hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 52 về thương mại điện tử để trình Chính phủ. Theo đó, đặt ra cách thức quản lý mới theo hướng đối xử với môi trường thương mại điện tử bình đẳng với môi trường kinh doanh truyền thống, song cũng sẽ đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn. Khi đó, trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ được quy định rõ ràng chứ không riêng người bán. Đồng thời, đề xuất thành lập một bộ phận chuyên trách chính thức về phòng chống hành vi gian lận thương mại điện tử; đổi mới trang thiết bị hiện đại, tiên tiến hơn phục vụ cho nhiệm vụ đặc biệt này.