Năm 2019, sau khi được vinh danh tại LHP Cannes với “Cành cọ vàng” đầu tiên cho điện ảnh Hàn Quốc, “Parasite” (Ký sinh trùng) tiếp tục thắng lớn không chỉ ở phòng vé toàn cầu mà còn ở nhiều giải thưởng tiếp theo. Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Bong Joon Ho đã mang về 4 tượng vàng Oscar ở các hạng mục lớn: "Phim hay nhất", "Đạo diễn", "Kịch bản gốc" và "Phim quốc tế".
LHP Cannes đã trở thành một nền tảng tiếp thị hùng mạnh trong nhiều năm qua và chiến thắng vang dội tại Cannes sẽ rộng mở cánh cửa đến với Oscar. Năm nay, LHP Cannes vinh danh tác phẩm kinh dị “Titane” của nữ đạo diễn người Pháp Julia Ducournau. Sự kiện này đã đánh dấu lần thứ 2 trong lịch sử 74 năm của Cannes có một nữ đạo diễn đoạt giải “Cành cọ vàng”.
Chiến thắng của Ducournau là một chiến thắng được chờ đợi từ lâu. Nhà làm phim nữ duy nhất trước đó giành được danh hiệu cao quý nhất của Cannes - trong số những giải thưởng lớn nhất trong điện ảnh - là Jane Campion với phim "The Piano" vào năm 1993.
Trong những năm gần đây, sự thất vọng về bình đẳng giới tại Cannes ngày càng tăng. Đỉnh điểm là vào năm 2018, 82 nữ diễn viên, nhà làm phim nữ bao gồm Agnes Varda, Cate Blanchett và Salma Hayek - phản đối bất bình đẳng giới trên thảm đỏ Cannes. Con số của họ biểu thị các bộ phim của các đạo diễn nữ được chọn tranh giải Cành cọ vàng - 82 so với 1645 phim do nam đạo diễn. Năm nay, chỉ có 4 trong số 24 tác phẩm tranh giải do nhà làm phim nữ đạo diễn và Julia Ducournau đã làm nên lịch sử.
Ducournau chia sẻ: “Tôi không nghĩ những gì tôi làm định nghĩa tôi là một người phụ nữ. “Tôi nghĩ về Jane Campion, vì cô ấy là người phụ nữ đầu tiên nhận được giải thưởng này. Là người phụ nữ thứ hai, tôi có ấn tượng rằng tôi thuộc về một phong trào đang phát triển. Sẽ có một người phụ nữ thứ ba, thứ tư và thứ năm ”.
"Titane" được đánh giá là sự lựa chọn táo bạo, cho thấy sự "hòa nhập và linh hoạt” của Hội đồng giám khảo Cannes năm nay. Bộ phim có nhiều cảnh kỳ quái, rùng rợn, bao gồm cả cảnh "nóng" với ô tô của nữ chính và cảnh bạo lực đầy tranh cãi. Một số nhà phê bình khen ngợi sự độc đáo trong phong cách làm phim nhiều chất kinh dị, giật gân với những ám ảnh về cơ thể con người của Julia Ducournau trong khi những người khác lại cho rằng cách tiếp cận có phần điên cuồng và lộn xộn.
"Mọi người cần hiểu rằng thể loại điện ảnh là một cách để nói về con người cá nhân, nỗi sợ hãi và mong muốn sâu kín của chúng ta thô sơ và trực tiếp nhất. Tôi luôn muốn mang thể loại điện ảnh hoặc những bộ phim có phần kỳ quặc như này đến các liên hoan phim chính thống để phần sản xuất phim của Pháp sẽ không bị tẩy chay", Julia chia sẻ.
Nữ đạo diễn người Pháp trở nên xúc động khi nói về cảm giác tự do với tư cách là một nhà làm phim. “Không bao giờ dễ dàng để được tự do. Bạn phải chiến đấu mọi lúc. Bạn phải đấu tranh cho tự do. Tự do chỉ có thể đến từ bên trong. Đó là một cuộc chiến mỗi ngày".
Bộ phim khẳng định vị thế của Ducournau là người dẫn đầu một xu hướng mới đầy thú vị trong điện ảnh Pháp, pha trộn giữa thể loại làm phim và những mối quan tâm kỳ lạ. Và giới điện ảnh đặt ra câu hỏi liệu bộ phim bạo lực kinh dị gây sốc này có thể tạo nên một kỳ tích tương tự tại mùa giải Oscar 2022?
Nhiều người tin rằng chiến thắng lịch sử tại Cannes sẽ là bàn đạp vững chắc để “Titane” tiến bước đến Oscar, ít nhất là ở hạng mục “Phim quốc tế xuất sắc nhất”. Tuy nhiên, vẫn chưa có gì chắc chắn rằng nước Pháp sẽ gửi 1 đại diện nhiều tranh cãi tham dự Oscar thay trao cơ hội cho những bộ phim khác.
Bên cạnh "Titane", Pháp cũng có những bộ phim gây chú ý tại Cannes vừa qua. Trong đó có bộ phim đen trắng “Paris, Quận 13” (IFC Films) chuyển thể từ tiểu thuyết "Killing and Dying” của Adrian Tomine và “ Everything Went Fine ”(Cohen Media) được đánh giá tốt của François Ozon.
Chiến thắng tại Cannes nâng cao danh tiếng của một bộ phim ở quê nhà, điều này dẫn đến việc bộ phim đó sẽ là đại diện tham gia Oscar. Sau Cannes, dường như đại diện các nước tham dự hạng mục “Phim quốc tế xuất sắc nhất” của Oscar 2022 đã lộ diện.
Trên mặt trận này, đại diện Nhật Bản tham gia Oscar sẽ là “Drive my car” của đạo diễn Ryusuke Hamaguchi. Tác phẩm chuyển thể xuất sắc truyện ngắn cùng tên của nhà văn Haruki Murakami đã giành giải “Kịch bản xuất sắc nhất” tại LHP Cannes.
Trong khi đó, 2 tác phẩm giành giải thưởng của Ban giám khảo LHP Cannes là “Ahed’s Knee” và “Memoria” hứa hẹn sẽ góp mặt tại hạng mục này. “Memoria” với sự góp mặt của minh tinh Tilda Swinton sẽ là đại diện của Thái Lan tham dự Oscar. Bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của Apichatpong được đánh giá cao tại Cannes năm nay bởi phong cách làm phim siêu thực.
Giới phê bình nhận định Iran sẽ gửi "A hero" (Amazon Studios) tranh giải cho hạng mục "Phim quốc tế hay nhất", vì Farhardi đã hai lần giành giải Oscar trước đó. Và Phần Lan nên gửi phim“Compartment No. 6” mà Sony Pictures Classics sẽ phát hành, theo thông lệ. Còn Na Uy sẽ gửi tác phẩm "The worst person in the world".
Như vậy, “A hero" (Iran), “The worst person in the world” (Na Uy), “Titane” (Pháp), “Drive my car” (Nhật Bản) “Compartment No. 6” (Phần Lan) và “ Casablanca Beats ” (Maroc) sẽ nằm trong danh sách rút gọn nếu được các quốc gia tương ứng chính thức lựa chọn.
Tuy nhiên, “Titane” sẽ không dừng lại ở hạng mục “Phim quốc tế xuất sắc nhất”. Nữ đạo diễn Julia sẽ là một ứng cử viên sáng giá cho hạng mục đề cử “Đạo diễn xuất sắc nhất” dựa trên cách Viện Hàn lâm (AMPAS) lựa chọn đề cử trong vài năm qua. Thậm chí "Titane" có thể tham vọng được đề cử cho hạng mục "Phim hay nhất". Kể từ khi “The Artist” đoạt giải “Phim hay nhất” vào năm 2012, Cannes đã có ít nhất một đề cử "Phim hay nhất" mỗi năm trừ năm 2020 (không liên hoan), 2015 và 2018.
Dù vậy,"Titante" sẽ phải cạnh tranh gay gắt với bộ phim "The French Dispatch" của Wes Anderson. Bất chấp một số ý kiến phản đối, đây là một trong những bộ phim được giới phê bình đánh giá cao nhất Cannes và Anderson có những người hâm mộ của trong Viện hàn lâm.
Bên cạnh đó, để trở thành một ứng cử viên sáng giá, bộ phim phải có có một số thành công nhất định ở phòng vé. Điều này có thể sẽ gây trở ngại cho “Titane” bởi những cảnh bạo lực, kinh dị ám ảnh sẽ hạn chế đối tượng xem phim.
Trong bài tường thuật về buổi công chiếu "Titane", tờ Daily Mail mô tả nhiều khán giả đã phải lấy tay che mắt khi chứng kiến những cảnh làm tình bạo lực và dữ dội trên màn ảnh. Tuy nhiên, đây à phản ứng có thể đoán trước được bởi năm 2016, một tác phẩm khác của Julia Ducournau là "Raw" từng khiến khán giả ngất xỉu ngay tại rạp vì kinh hoàng.
"Titane" của Julia Ducournau thách thức khán giả bằng hàng loạt tình tiết khác thường, điên khùng tới phi lý - mà đỉnh cao là việc người mang thai với xe ô tô được Spike Lee nhắc tới. Tuy nhiên, dưới bàn tay nhào nặn của nữ đạo diễn, khán giả vẫn hiểu được thông điệp của bộ phim ẩn sau lớp tình tiết hỗn loạn trên bề mặt.
Tờ Variety nhận định rằng với "Titane", Ducournau đã vượt qua giới hạn về quan điểm tình dục và gu thưởng thức của khán giả. Trên màn ảnh, cơ thể người được sử dụng như một thứ ngôn ngữ để trình bày câu chuyện giới tính, khát vọng của một con người và quan hệ trong các gia đình nhiều mâu thuẫn.
Dù vậy, những yếu tố tranh cãi bao giờ cũng thu hút nhiều khán giả đến xem phim hơn. Cùng với đó, “Titane” lại có lợi thế khi nhà phát hành bộ phim là thương hiệu Neon. Đây cũng là nhà phân phối giúp “Ký sinh trùng" gặt hái được thành công lớn phòng vé toàn cầu và đưa tác phẩm điện ảnh của Hàn Quốc đến gần với tượng vàng Oscar. Năm nay, Neon cũng đầu tư vào các tác phẩm như "Memoria" và "The worst person in the world".
Thành công của LHP Cannes lần thứ 74 đã đánh dấu một thắng lợi, khẳng định ngành công nghiệp điện ảnh đã trở lại sau đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn thì thị trường phim ảnh trở nên khó phân tích hơn bao giờ hết. Các nhà làm phim, nhà triển lãm, nhà phân phối và phương tiện truyền thông cố gắng tìm hiểu về bối cảnh điện ảnh đang phát triển. Mùa giải thưởng sẽ thực sự bắt đầu với thông báo của các Liên hoan phim Venice, Toronto và New York./.