Tour diễn "Nhịp đập" của Noo Phước Thịnh đã mở màn ở Trixie Café & Lounge Trixie (Hà Nội) vào ngày 3-4 đã thành công ngoài mong đợi.
Những bữa tiệc khó quên
Hát theo yêu cầu khán giả, giao lưu cùng người yêu nhạc, trò chuyện cùng người hâm mộ, một Noo Phước Thịnh hoàn toàn khác với hình ảnh lung linh nhưng khó gần (về khoảng cách) trên các sân khấu ca nhạc hoành tráng ngoài sân vận động hay nhà thi đấu trước đây. Khán giả nghe nhạc chỉ vài trăm đến đông nhất là 1.000 người nhưng tình cảm ca sĩ và người hâm mộ vẫn đong đầy.
Ca sĩ Tuấn Ngọc và Hà Anh Tuấn song ca trong đêm nhạc “Veston Concert”
Sau đêm diễn ở Hà Nội, Noo Phước Thịnh sẽ chuẩn bị cho 2 đêm nhạc tiếp theo vào ngày 13-4 tại phòng trà Đồng Dao (TP HCM) và 30-4 tại Mây Lang Thang (Đà Lạt). "Ngẫu hứng" là màu sắc nổi bật của chuỗi chương trình này bởi không có bất cứ kịch bản, đường dây hay sự dàn dựng nào. Kể cả danh sách bài hát cũng chiều theo yêu cầu của người nghe nhạc. "Điều bất ngờ là khán giả thích thế. Đêm nhạc đầu tiên kéo dài như bất tận. Tôi không muốn ngưng hát, còn khán giả cũng chẳng muốn về. Sự thú vị đó có lẽ không phải lúc nào cũng có được trong những buổi diễn trước đây" - Noo Phước Thịnh chia sẻ.
Đêm nhạc "Veston Concert" tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt diễn ra tối 2 và 3-4 của ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng có sự thăng hoa với cả người hát lẫn người nghe. Khán giả đến với "Veston Concert" không chỉ vì âm nhạc của Hà Anh Tuấn mà còn bởi sự duyên dáng trong từng câu chuyện lôi cuốn mà anh chia sẻ. Họ thật sự thích thú khi đồng hành trên con thuyền âm nhạc của Hà Anh Tuấn. Khán giả đến không chỉ để được nghe Hà Anh Tuấn hát mà còn bị thuyết phục bởi cách mà anh làm chủ cả chương trình. Đêm nhạc dài hàng giờ nhưng Hà Anh Tuấn có thể tự mình xử lý mà không cần đến MC. Anh bộc bạch, chia sẻ nhiều câu chuyện với sự duyên dáng, thông minh và đây cũng là món ăn "đặc sản" trong mỗi bữa tiệc âm nhạc của Hà Anh Tuấn.
Trước đó, đêm nhạc "Chuyện ba người" với sự tham gia của 3 giọng ca Như Quỳnh - Mạnh Quỳnh - Phi Nhung (diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, TP Hà Nội) cũng thành công ngoài mong đợi. Đêm nhạc mang đậm hơi thở boléro với những ca khúc nổi tiếng của Việt Nam nhiều năm qua. Những bản phối mới mang nhiều màu sắc nghệ thuật đương đại nhưng vẫn giữ được chất boléro thu hút nhiều khán giả ở độ tuổi thanh niên.
Còn đêm nhạc "Hẹn yêu" của ca sĩ Thanh Lam (diễn ra hồi cuối tháng 3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) đã chinh phục khán giả bởi "Hẹn yêu" không đem đến một hình ảnh mới nào cả, đơn giản chỉ vì Lam thèm hát, nhớ khán giả và muốn cảm tạ những gì yên ấm mình đang được nhận "nên Lam hẹn mọi người". Thanh Lam hát thư giãn, giống như được "đối thoại với người thân thiết" như chia sẻ của chị.
"Cái khó ló cái khôn"
Thực tế, những live show mô hình nhỏ gọn chính là xu thế của tương lai và thực tế đã diễn ra trong thời gian qua, đủ để bảo chứng độ an toàn cần thiết cho giới văn nghệ sĩ. Không chỉ đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra, những năm qua, giới sản xuất âm nhạc đã phải đau đầu với bài toán "thu đủ bù chi" khi tổ chức các chương trình biểu diễn. Chuyện ca sĩ bán nhà làm live show rồi hoang mang với câu hỏi "được gì sau live show hoành tráng?" không hiếm. Nhưng nghệ sĩ thì phải có sản phẩm từ album, single đến đêm diễn. Điều đó thúc đẩy các nhà sản xuất tìm cách thức tổ chức show diễn gọn nhẹ mà hiệu quả hơn, cắt giảm chi phí nhưng vẫn chất lượng, lan tỏa đến rộng rãi người xem hơn. Mô hình này tiên phong với "Music home live with Anh Em" mà nhạc sĩ Huy Tuấn dẫn dắt đến chuỗi live show Làn sóng xanh Next Step... Từ những live show nhỏ gọn trên internet đến nay đã đi thẳng đến sân khấu với khán giả.
Điều đặc biệt hơn, mô hình này ra đời có tác dụng xóa tan thói quen thưởng thức nghệ thuật "chùa" khiến giới nghệ sĩ đau đầu những năm qua. Một dạo, vì yêu chuộng sự hoành tráng cùng với không khí náo nhiệt, không chỉ nghệ sĩ trong nước mà ngay cả giới nghệ sĩ quốc tế cũng chuộng tổ chức những live show thật to ở quảng trường, sân vận động. Nhưng khác với thế giới, những show hoành tráng của ca sĩ Việt phần lớn là miễn phí. Với mật độ dày đặc, khán giả cũng dần hình thành thói quen xem live show "free" (vào cửa tự do) với sự bảo trợ của những nhãn hàng hay của chính ca sĩ. Thậm chí, nhiều ngôi sao tự tin với lượng người hâm mộ hùng hậu cũng phải khóc ròng vì "vé không bán được nhưng để khán đài kín chỗ, cũng là để tạo không khí hoành tráng nên giờ chót phải "xả cửa".
Nhưng nay, với live show quy mô nhỏ, mọi thứ sẽ khác. "Ca sĩ tự lượng sức mình" và khán giả cũng phải trả phí cho khoảnh khắc thư giãn của mình. Về mặt thị trường, đó là sự sòng phẳng cần thiết. Còn với nghệ thuật, đây chính là cách để thị trường sàng lọc. Nếu một ca sĩ ồn ào trên thị trường nhưng không thể hát cùng ban nhạc, chính họ hay đối tác đầu tư cũng không dám liều lĩnh để thực hiện những live show theo mô hình xu hướng này.