Mua với giấy tay và gần đây là vi bằng gây ra nhiều tranh cãi, thưa kiện giữa bên mua, bên bán và bên thứ ba, và nguy cơ mất trắng tiền dành dụm bao năm.
1. Anh L.T.T. từ Quảng Ngãi vào TP.HCM sinh sống hơn 10 năm, ở trọ tại Hóc Môn và mưu sinh bằng chiếc xe hủ tiếu gõ. Năm 2018, gia đình anh tích góp được 600 triệu đồng. Một người cò đất giới thiệu đến một dãy nhà xây giống nhau diện tích khoảng 15-25m2 với giá vừa túi tiền anh có.
Sau một hồi nghe giải thích của phía chủ nhà và anh cò đất về việc mua bán nhà đất bằng hình thức vi bằng và giấy tay khác nhau như thế nào, anh quyết định chọn mua bằng hình thức vi bằng bởi anh nghe có công chứng là an tâm. Hôm sau, đôi bên đến văn phòng thừa phát lại để lập vi bằng xác lập giao dịch.
Dọn về nhà mới, đón 2 con ở quê vào luôn, hạnh phúc chưa bao lâu bỗng một ngày có cặp vợ chồng đến đuổi gia đình anh ra khỏi nhà, họ đưa ra hợp đồng mua nhà bằng hình thức vi bằng giống như anh đã ký mua. Hai bên cự cãi, xô xát... và kiện nhau ra tòa án. Vụ việc 3 năm qua vẫn chưa giải quyết xong khi người ký bán nhà đã bỏ trốn.
2. Tại xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM, tình cảnh chị B. cũng tương tự. Sau 15 năm, chị dành dụm được khoảng 350 triệu đồng. Chị được dẫn dắt giới thiệu một khu đất trống vắng vẻ, hiu quạnh, chỉ có thể đi bằng xe máy vào. Số tiền chị có mua được miếng đất 70m2. Chủ nhà chỉ đồng ý ký mua bán bằng hình thức vi bằng và yêu cầu bên mua lo chi phí lập vi bằng.
Hơn 1 tháng sau, chị mượn tiền người thân xây lên căn nhà cấp 4. Nhà còn phảng phất mùi nước vôi mới là chị nhận được thông báo khu đất trong đó có lô đất chị mới mua là đất nông nghiệp, không được xây nhà, buộc phải phá dỡ hết, khu đất này thuộc khu quy hoạch không được mua bán/chuyển nhượng.
3. Một ngân hàng tại TP.HCM tiến hành xử lý nợ, khách hàng vay có tài sản thế chấp là dãy nhà trọ tại huyện Hóc Môn, chủ tài sản không còn sinh sống tại địa phương. Các căn nhà trọ 20-25m2 đều đã bán giá 500-600 triệu đồng/căn.
Bất ngờ nhận được thông báo thu giữ tài sản và tiến hành xử lý tài sản thế chấp, những người "chủ nhà" bần thần, hoảng hốt, cũng có người xỉu ngay tại chỗ, có người phẫn nộ la ó, cản trở, hăm dọa cán bộ xử lý nợ. Rồi sau đó, mọi người ngậm ngùi dọn ra khỏi nhà để ngân hàng tiến hành xử lý tài sản các bước tiếp theo để thu hồi nợ.
Gia sản mấy mươi năm dành dụm chỉ còn trên giấy (nếu ra tòa), còn nhà đất không thể là của mình. Số tiền sau bao năm dành dụm là con số 0 chỉ vì niềm tin vi bằng. Kiện ra tòa, "được vạ thì má đã sưng". Dính đến tranh chấp với bên thứ ba, nguy cơ trắng tay càng cao hơn./.
Vi bằng là gì?
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của nghị định này (khoản 3 điều 2 nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020). Vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.