Từ nhiều năm qua, tình trạng bán, cho thuê công thức phân bón, giấy phép lưu hành phân bón diễn ra “nhộn nhịp” trên thị trường. Đặc biệt các công thức phân bón nhất là NPK được giao bán công khai trên mạng xã hội. Điều này làm cho thị trường phân bón vốn đã “bát nháo” nay lại càng “bát nháo” hơn…
Mua công thức…dễ như rau
Ngày 15/6/2022, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng cho Công an huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để điều tra, xử lý; trị giá hàng hóa vi phạm trên 40 triệu đồng đối với 01 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc buôn bán phân bón giả
Tiếp đó, ngày 20/6/2022, Cục QLTT tỉnh Long An chuyển hồ sơ vụ buôn bán phân bón giả về giá trị sử dung, công dụng tương đương với hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên cho Cơ quan Công an để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cửa hàng kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Thủ Thừa.
Mới đây nhất, ngày 19/7/2022, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 1780/QĐ-CHS chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính (bán phân bón giả) có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang để xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, trong mấy năm qua lực lượng QLTT tại nhiều tỉnh thành đã kiểm tra, xử phạt hàng nghìn vụ sản xuất, buôn bán phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón không được phép lưu hành tại thị trương Việt Nam. Trong những trường hợp này, có nhiều vụ là do các đơn vị sản xuất phân bón này đã mua hoặc thuê công thức phân bón, giấy phép lưu hành phân bón của các đơn vị được cấp thep quy định.
Không những thế, các công thức, giấy phép lưu hành phân bón được các đối tượng giao bán tràn lan trên mạng xã hội như Zalo, facebook,… Chỉ một cú search google với từ khóa “thuê công thức phân bón”, sau 0,46 giây đã cho 6.450.000 kết quả.
Chỉ một cú search google với từ khóa “thuê công thức phân bón”, sau 0,46 giây đã cho 6.450.000 kết quả
Chính điều này đã làm méo mó thị trường phân bón, bởi các đơn vị đi thuê, hoặc sang nhượng chỉ sản xuất một vài lô bán kiếm lời rồi sau đó không sản xuất nữa. Điều này không thể tránh khỏi việc bớt xén nguyên liệu, thành phần để thu lợi nhuận cao. Trong thời gian qua, cơ quan quản lý thị trường và Đoàn công tác liên ngành 389 các địa phương đã kiểm tra và xử lý rất nhiều trường hợp phân bón kém chất lượng, thậm chí là giả về nhãn mác, về giá trị sử dụng, công dụng, quyết định lưu hành phân bón tại Việt Nam…
Hiện nay, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính, chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng các hình thức cho thuê, sang nhượng công thức, giấy phép lưu hành, gia công ở một đơn vị khác...
Thống kê cho thấy mỗi năm nước ta phát hiện khoảng 4.000 vụ liên quan đến phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhưng đây cũng chỉ là một phần trong số phân bón giả đang được tiêu thụ. Hiệp hội Phân bón Việt Nam ước tính, mỗi năm nông dân nước ta chịu thiệt hại 2,5 tỷ USD, tương đương với 57.000 tỷ đồng do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Tháng 3/2022, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành quyết định xử phạt đối với 92 doanh nghiệp và hộ kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực phân bón, trong đó có 44 doanh nghiệp nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng. Các đơn vị chức năng cũng phát hiện 9 doanh nghiệp sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng. Đối với kinh doanh phân bón, đã phát hiện 6 cơ sở buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng, 3 hộ kinh doanh phân bón vi phạm nội dung ghi nhãn, phát hiện một doanh nghiệp không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón.
Theo quy định của Nhà nước, nếu hàm lượng phân bón dưới 70% so với công bố thì được định nghĩa là phân bón giả. Tuy nhiên, phân bón kém chất lượng nhưng vẫn được bán tràn lan tại các cửa hàng do giá nhập thấp nhưng các cơ quan quản lý không thể xử lý được. Tác hại lớn nhất là nông dân nhầm tưởng rằng đã bón phân rồi cho nên cây không đủ dinh dưỡng để ra hoa, kết quả, cây bị chết do phân bón tồn dư nhiều tạp chất có hại.
Rao bán công thức sản xuất phân bón loạn trên MXH |
Thanh tra Cục BVTV nói gì?
Ngày 9/8/2022, trao đổi với PV báo Kinh tế và Đô thị, ông Nghiêm Quang Tuấn (Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) thừa nhận có tình trạng bán, cho thuê công thức phân bón, giấy phép lưu hành phân bón diễn ra trên thị trường nhiều năm qua.
PV: Hiện nay, nhiều đơn vị được Cục BVTV cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên những đơn vị này không tự sản xuất mà bán quyền sử dụng cho một đơn vị khác sản xuất và lưu hành. Vấn đề này Cục BVTV có biết, hướng xử lý thế nào?
- Ông Nghiêm Quang Tuấn: Việc công nhận lưu hành là một thủ tục hành chính thực hiện công nhận lưu hành cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất phân bón. Căn cứ vào chỉ tiêu chất lượng, tên phân bón, căn cứ trong quyết định lưu hành, các tổ chức, cá nhân bắt buộc phải tuân thủ theo các chỉ tiêu đó. Và không đáp ứng được thì đương nhiên là vi phạm.
Về việc chuyển nhượng, cho thuê hoặc bán cho đơn vị khác sản xuất thì Cục có biết, thế nhưng không cấm được. Bởi, việc chuyển nhượng này là theo luật thương mại chứ không theo pháp luật chuyên ngành. Cái này chúng tôi rất bức xúc, nhưng mà cơ quan chuyên ngành không có thẩm quyền để hạn chế các quyền của các tổ chức, cá nhân. Lúc làm luật mình đã biết rồi nhưng không hạn chế được. Hạn chế một cái là Bộ Tư pháp, VCCI tuýt còi ngay.
Báo cáo thêm với anh là, theo quy định chuyên ngành có việc thay tên tổ chức, cá nhân đăng kí khi đó thì họ phải nộp hồ sơ đầy đủ. Trong quá trình làm, theo luật thương mại, sản phẩm đó là sản phẩm đã được Cục BVTV công nhận lưu hành với chỉ tiêu chất lượng là A, B, C; với tên phân bón là X, chẳng hạn thế. Thì khi họ đưa ra lưu thông trên thị trường thì phải đáp ứng yêu cầu và đảm bảo chất lượng như thế, phải chứng nhận hợp quy, phải công bố hợp quy. Nếu đáp ứng được yêu cầu như thế thì họ không vi phạm.
Cơ quan quản lý cũng biết nhưng đành phải kiểm tra, kiểm soát chặt cái này thêm thôi và nhờ các anh quản lý thị trường cũng như là các địa phương tăng cường lấy mẫu kiểm tra, giám sát đặc biệt là các đối tượng ở trên nhãn không phải là người đứng tên sản xuất.
Loạn bán và cho thuê công thức, giấy phép lưu hành phân bón
Về thủ tục xin cấp, trước khi cấp giấy công nhập phân bón lưu hành, Cục BVTV có tới cơ sở kiểm tra nhà xưởng có đủ điều kiện sản xuất không?
- Không anh ạ, thủ tục cấp công nhận phân bón lưu hành thì mình không được phép kiểm tra, không có quyền. Đó là thủ tục hành chính, chỉ yêu cầu đơn vị xin cấp nộp đủ hồ sơ, giấy tờ, bổ sung kiểm tra các điều kiện ấy. Còn đối với Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón thì chắc chắn phải có đội kiểm tra xuống đánh giá, kiểm tra thực tế, nếu đủ điều kiện theo quy định thì Cục sẽ cấp.
Nếu đơn vị thuê quyết định công nhận phân bón lưu hành mà sản xuất ra phân bón kém chất lượng, hàng giả thì đơn vị cho thuê có phải chịu trách nhiệm?
- Thì cái người đứng tên trên sản phẩm đó, đang phân phối và sản xuất sản phẩm đó, người ta phải chịu trách nhiệm về sản phẩm. Tuy nhiên, còn phải căn cứ vào hợp đồng dân sự của hai bên (bên cho thuê và bên thuê – PV), quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của ác bên. Ông nào chịu trách nhiệm trong hợp đồng dân sự đấy thì cơ quan bảo vệ pháp luật người ta sẽ kết luận cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm.
Có những trường hợp cụ thể, bên thuê quyết định công nhận phân bón lưu hành thị trường nhưng sản xuất hàng kém chất lượng, hàng giả đã bị các cơ quan chức năng xử lý. Như vậy, Cục BVTV mình có rút lại giấy phép đã cấp cho bên cho thuê không?
- Tùy vào các trường hợp cụ thể, bởi rút giấy phép phải căn cứ theo quy định pháp luật trong xử phạt vi phạm hành chính và trong các quy định về xử phạt thì có những hành vi bị tước giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc giấy chứng nhận lưu hành tùy theo hành vi. Cục BVTV sẽ căn cứ vào thông tin mức độ vi phạm của các đơn vị mà các địa phương đã xử lý…để tiến hành các bước tiếp theo: Rút giấy phép hoặc tạm ngừng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các đơn vị vi phạm này. Ngoài ra, nếu các anh (báo chí – PV) có thông tin cụ thể về các trường hợp vi phạm hãy gửi về cho chúng tôi, chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Cục BVTV để xin ý kiến xử lý theo thẩm quyền.