Đến chợ Bến Thành nhiều lần trong năm 2023, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận sự hồi sinh rõ rệt của ngôi chợ sầm uất bậc nhất TP HCM này. Theo thống kê của ban quản lý chợ, lượng du khách đến chợ tham quan, mua sắm đạt khoảng 70%-80% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Hiện tại, khoảng 1.100 hộ kinh doanh (trong tổng số 1.433 hộ kinh doanh) đã quay lại hoạt động.
Sẽ sửa chữa, cải tạo chợ
Chợ Bến Thành được xây năm 1912, có tổng diện tích hơn 13.000 m2, giới hạn bởi các trục đường: Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn - Công trường Quách Thị Trang. Đây là một trong những công trình biểu tượng của TP HCM, thu hút nhiều người dân, du khách đến mỗi ngày. Lần trùng tu gần nhất là năm 1985. Đến nay, nhiều hạng mục tại chợ đã xuống cấp như hệ tường không chịu lực, mái bị dột, nền gạch bong tróc, hệ thống nước rò rỉ... kể cả tháp đồng hồ có một số vị trí bị thấm, phồng rộp...
Mới đây, UBND quận 1 cho biết theo chỉ đạo của UBND TP HCM, quận 1 đang rà soát các hạng mục cần thiết để đề xuất kinh phí sửa chữa, cải tạo. Trong đó, hạng mục chính là cải tạo mái chợ, thay mái tôn giả hiện tại bằng vật liệu ngói như nguyên bản trước đây; cải tạo hệ thống thoát nước, hệ thống cấp điện, thay mới hệ thống phòng cháy chữa cháy, lát nền lại chợ... Ngoài ra, cảnh quan trước chợ Bến Thành cũng cần được cải tạo với quy mô hơn 45.000 m2, gồm diện tích nền quảng trường và các đường giao thông, vỉa hè, công trình gắn với quảng trường... Ngoài ra, quận cũng sẽ phục dựng và tái bố trí tượng Trần Nguyên Hãn, tượng đài Quách Thị Trang.
Theo ban quản lý chợ, việc sửa chữa mới dừng ở bước định hướng và kế hoạch cơ bản. UBND quận 1, các phòng ban và chợ sẽ cùng họp bàn thêm để có phương án cụ thể về thời gian, cách làm để tính toán nguồn vốn; ưu tiên làm lại mái, nền gạch, hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy... Cố gắng phấn đấu đến ngày 30-4-2025 sẽ hoàn thành cơ bản.
Điểm kinh doanh hiệu quả, điểm đến hấp dẫn
Theo Ban Quản lý chợ Bến Thành, 90% khách đến chợ là khách du lịch trong và ngoài nước. Sức hút của chợ sẽ càng gia tăng trong thời gian tới, khi tuyến metro đi vào hoạt động.
Chị Bình, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết chị bị thu hút bởi kiến trúc cổ điển của chợ. Các món ăn trong chợ cũng rất đa dạng. "Tuy nhiên, điều tôi sợ nhất mỗi khi đến chợ Bến Thành là bị "chặt chém" nên các tiểu thương ở chợ cần niêm yết giá rõ ràng, ban quản lý chợ có chế tài thật nặng nếu để xảy ra tình trạng nói thách, đôn giá. Ngoài ra, chợ cũng nên có khu check-in để du khách có thể chụp hình, lưu giữ kỷ niệm" - chị Bình nói.
Anh Tôn, cũng là du khách đến từ Hà Nội, gợi ý nên có một ứng dụng di động về chợ Bến Thành. Ứng dụng này có thể bao gồm thông tin, bản đồ của chợ, các cửa hàng và cả những địa điểm tốt nhất để chụp ảnh. Điều này sẽ giúp khách du lịch dễ dàng tham quan. Một du khách đề xuất tận dụng không gian bên ngoài của chợ để tổ chức các sự kiện văn hóa hoặc âm nhạc hằng tuần, tạo điểm nhấn thu hút du khách nhiều hơn.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc sửa chữa, nâng cấp chợ Bến Thành cần được thực hiện song song với làm mới hình ảnh, thương hiệu chợ. Bởi từ nhiều năm qua, người tiêu dùng, du khách đã có định kiến đây là ngôi chợ chuyên "chặt chém", hàng hóa "thượng vàng hạ cám". TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch, nhấn mạnh chức năng chính của chợ là thương mại. Sức sống của chợ đến từ dòng chảy vật chất và kinh doanh liên tục. "Do đó, trước tiên, chợ Bến Thành phải là một điểm kinh doanh hiệu quả rồi mới tới điểm đến hấp dẫn. Du khách tham quan chợ Bến Thành vì muốn quan sát, trải nghiệm tại điểm đến thương mại biểu tượng của Sài Gòn - TP HCM. Vì vậy, chợ phải xây dựng văn minh thương mại, bán hàng đúng giá, đúng chất lượng, bảo đảm an toàn cho khách để họ thoải mái vui chơi, mua sắm" - TS Minh nhìn nhận.
Chợ Bến Thành đã nhộn nhịp hơn sau thời gian dài vắng bóng du khách. Ảnh: LÊ TỈNH
Thay đổi nhận thức
Tuy nhiên, theo TS Dương Đức Minh, nếu chỉ tập huấn, vận động, tuyên truyền suông sẽ khó mang lại hiệu quả mà cần làm cho tiểu thương hiểu đây là "cuộc chơi" của chính họ để họ tự thay đổi nhận thức, từ đó biến thành hành động. Ngoài ra, khi đầu tư nâng cấp, phát triển chợ Bến Thành, thành phố cũng cần làm sao cho tiểu thương cảm thấy hiểu và tự hào về chợ, có cảm giác họ là một phần lịch sử của chợ, từ đó sẽ buôn bán có trách nhiệm hơn, chan hòa hơn.
TS Dương Đức Minh cho rằng người tiêu dùng hiện nay rất thông minh, biết cách sử dụng công nghệ để chọn lọc sản phẩm, rất dễ phát hiện sản phẩm kém chất lượng. Vì vậy, tiểu thương cũng cần phải thông minh trong định vị sản phẩm và tương tác với khách hàng. Muốn được như vậy, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương phải đồng hành với tiểu thương để lan tỏa các giá trị của chợ. "Chợ sẽ là cầu nối để giới thiệu sản phẩm của TP HCM và cả nước với người tiêu dùng. Vì vậy, bên cạnh nguồn hàng đa dạng, cần thiết có không gian trưng bày, giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu của TP HCM" - TS Minh gợi ý.
Ông Danny Võ, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, cũng đề xuất phải dẹp cho bằng được nạn nói thách, biến chợ Bến Thành thành nơi mua sắm tin cậy để thu hút người tiêu dùng và du khách, để khách du lịch đến đây không chỉ "check-in" mà còn tiêu tiền. Phải giữ lại những nét xưa cũ của ngôi chợ trăm năm và phục dựng các kiến trúc, cảnh quan trước cửa chợ như quảng trường, tượng đài... để bảo đảm sự hài hòa lẫn giá trị lịch sử của chợ. Ngoài ra, có thể phục dựng một phần Sài Gòn xưa như gánh hàng rong, tổ chức những hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn ở khu vực cửa chính chợ Bến Thành để tạo sức hút cho chợ" - ông Danny Võ bày tỏ.
Tạo sự an tâm cho du khách
Từ góc độ người trong cuộc, anh Đạt, quản lý một sạp ăn uống tại chợ Bến Thành, thừa nhận muốn thu hút khách hàng thì trước tiên các sạp phải sạch sẽ và niêm yết giá rõ ràng để tạo sự an tâm, tin tưởng cho khách. "Gần đây, vụ du khách Nhật "bóc phốt" tiểu thương chợ nói thách 3 đôi vớ giá 700.000 đồng đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý du khách, làm xấu hình ảnh chợ. Ban quản lý chợ đã tăng cường kiểm tra, yêu cầu các tiểu thương bán hàng minh bạch, rõ ràng và có chế tài nếu phát hiện vi phạm" - anh Đạt nói.
Bản thân anh cũng nhận thấy nên sớm có một cuốn cẩm nang cho khách du lịch khi đến chợ. Du khách chỉ cần mở cẩm nang ra là biết hết các điểm mua sắm, ăn uống, với giá cả cụ thể..., từ đó họ sẽ an tâm, không sợ bị "chặt chém".