Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời áp mái, thời gian qua, Bộ Công Thương đã lập Đoàn kiểm tra việc phát triển các dự án điện mặt trời phát triển từ tháng 7/2019 đến cuối năm 2020, theo tinh thần của Quyết định 795/QĐ-BCT ngày 5/3/2021 và Văn bản số 1376/BCT-ĐL ngày 15/3/2021.
Thông tin mới nhất về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà qua quá trình kiểm tra, thanh tra cho thấy, các nhà đầu tư tập trung ở một số địa phương có cường độ bức xạ cao, số giờ nắng trung bình trong năm lớn trong khi hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải. Phần lớn các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà mới được thành lập hoặc các DN tư nhân chưa có kinh nghiệm về đầu tư. Do đó, quá trình triển khai đầu tư, xây dựng chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai và môi trường.
Ngoài ra, việc phát triển điện mặt trời mái nhà trong thời gian qua không đồng đều ở các địa phương, tập trung nhiều ở những vùng phụ tải thấp, dẫn đến không phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, làm mất cân đối trong quá trình điều độ và vận hành hệ thống điện, ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện.
Sau khi kiểm tra tại một số đơn vị thuộc Tổng công ty điện lực Miền Nam, Tổng công ty điện lực Miền Trung và Tổng công ty điện lực TP.HCM, Đoàn kiểm tra xác định UBND một số tỉnh, thành phố chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền. Một số hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế đưa vào vận hành nhưng chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của trang trại nông nghiệp đã đưa vào vận hành nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Có thể kể ra một số sai phạm điển hình như tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai có thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công Thương đối với 2 khách hàng; Ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định của Bộ Công Thương.
Tại Công ty Điện lực Bình Dương sai phạm khi thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu.
Tương tự, tại Công ty Điện lực Gia Lai, Đăk Nông cũng thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công Thương. Công ty Điện lực Gia Lai chốt chỉ số công tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020 và ký hợp đồng mua bán điện trái với quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Công ty Điện lực Đắk Nông bị phát hiện thời gian giải quyết cho khách hàng trong việc thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công Thương; chấp thuận đấu nối, đưa vào vận hành, ký hợp đồng mua bán điện trong khi đã xác định tình trạng quá tải lưới điện và yêu cầu khách hàng cam kết cắt giảm công suất khi lưới điện quá tải là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương.
Đáng chú ý, Công ty Điện lực Đắk Lắk thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà không đúng với hiện trạng lưới điện, thiếu minh bạch. Lưới điện chưa quá tải nhưng thông báo trên website là trạm/đường dây không giải tỏa được công suất nhưng sau đó chấp thuận đấu nối nhiều khách hàng đấu nối vào lưới điện trung áp đã công bố quá tải trước đó là vi phạm quy định của Luật Điện lực năm 2004.
Trên cơ sở kết luận, đoàn kiểm tra yêu cầu các công ty điện lực chịu trách nhiệm cho những vi phạm của mình. Đoàn kiểm tra yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam xử lý các hệ thống điện mặt trời mái nhà, các tổ chức và cá nhân có liên quan đã vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà; Kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình thực hiện phát triển các dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các công ty diện lực trên toàn quốc. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, đề nghị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Yêu cầu các đơn vị điện lực rà soát điều kiện kinh doanh của các chủ dự án đầu tư/hệ thống điện mặt trời mái nhà trong lĩnh vực phát điện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành./.