Tại Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức ngày 5/10, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo, việc kết hợp thương mại điện tử (TMĐT) và kênh phân phối truyền thống sẽ là những giải pháp tất yếu, căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, phát triển kinh tế...
Hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông gây tắc nghẽn
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, dịch đã gây tác động, làm ảnh hưởng sâu sắc đến chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng như toàn cầu. Qua 4 lần dịch bùng phát, từ chỗ làm gián đoạn và thiếu hụt hàng hóa thiết yếu, dịch Covid-19 ngày càng ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nông sản. Dịch gây ra thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc - thị trường cung ứng các nguồn nguyên liệu bán thành phẩm, thành phẩm rất lớn cho nhiều ngành sản xuất của Việt Nam.
Chỉ ra những nguyên nhân khiến đứt gãy chuỗi cung ứng trong dịch, ông Hải phân tích các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông là nguyên nhân chính khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. “Những biện pháp chống dịch có thể chưa dựa trên cơ sở phân tích khoa học cần thiết, tạo ra những biện pháp mang tính chất cực đoan thái quá đã tạo nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng”, ông Hải nói.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS - Bộ Công Thương), trong bối cảnh dịch bệnh, các chương trình do Cục TMĐT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM)… tổ chức nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng TMĐT đã hỗ trợ đắc lực việc vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản hàng hóa vừa phòng chống dịch.
“Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại - TMĐT và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bà Huyền nêu rõ.
Khẳng định vai trò của lưu thông hàng hóa là huyết mạch của nền kinh tế, ông Trần Quy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu như không giải được bài toán về lưu thông thì không thể phát triển kinh tế đất nước và ổn định đời sống người dân.
Chính vì vậy, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Bộ Công Thương đã khẩn trương vào cuộc, vừa trực tiếp tham gia các Tổ công tác tiền phương, thực địa tại các vùng dịch, vừa tổ chức nhiều cuộc họp, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và DN để đẩy mạnh kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hỗ trợ nông dân, cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống…
Tạo mọi điều kiện cho lưu thông, kết nối cung cầu
Theo ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục XTTM, để phục hồi chuỗi cung ứng, hoạt động XTTM rất quan trọng khi thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ đối với các mặt hàng nông sản; đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng, phát triển, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và có giá trị gia tăng cao.
Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, nhóm giải pháp ngắn hạn sẽ tập trung vào việc tăng cường cung cấp thông tin thị trường, XTTM cũng như hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh TMĐT.
“Cục XTTM dự kiến sẽ tổ chức 60 phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu, mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 600 lượt DN, HTX tiếp cận thông tin; Tổ chức các Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo từng khu vực/theo nhóm ngành hàng (trực tiếp kết hợp trực tuyến); Quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế…”, ông Chiến cho biết.
Về phía các DN, ông Khúc Tiến Hà – Giám đốc Vận hành miền Bắc chuỗi siêu thị VinMart cho biết, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm đầu ra tại 3 miền Bắc - Trung - Nam. Hiện các bên phân phối cung ứng của VinMart đang có mặt ở các miền để tiếp cận với các nhà cung cấp, các đơn vị sản xuất để đưa hàng hóa vào trong hệ thống siêu thị.
Đặc biệt, tập đoàn đang tăng cường tuyển dụng lao động tại các địa phương, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, vừa phục vụ kế hoạch mở rộng hệ thống siêu thị hướng tới 3.000 điểm bán hàng trong cuối năm nay. Cùng với đó, tập đoàn tiếp tục tổ chức các tuần lễ hội nông sản đặc sản tại các địa phương trên cả nước.
“Với mong muốn đồng hành cùng với các cơ quan chính quyền và người dân để phục vụ người tiêu dùng, Vinmart kì vọng với những hành động thiết thực của mình có thể đóng góp vào thúc đẩy nền kinh tế sau dịch Covid-19. Tăng cường sự gắn kết với các tỉnh, thành cũng như các nhà cung cấp để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa nền kinh tế nhanh phục hồi sau đại dịch”, ông Hà khẳng định.
Lưu ý các DN phục hồi sản xuất sau dịch, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, mô hình phòng, chống dịch đang chuyển dần theo hướng sống chung an toàn dịch bệnh. Do đó, trách nhiệm của các DN sẽ phải cao hơn. Các DN sẽ phải thực hiện tốt việc kiểm soát dịch ngay trong nội bộ, nên cần thiết xây dựng các quy trình về ứng phó, xử lý.
Bên cạnh đó, các DN cũng nên có một chiến lược kinh doanh phù hợp và thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Cùng với việc phải cắt giảm công suất ở mức độ nhất định, DN có thể phân tán hoạt động sản xuất kinh doanh ở những khu vực cách xa nhau hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để phục hồi chuỗi cung – cầu, Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa về mặt cơ chế trong phạm vi chức năng thẩm quyền của mình để hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng, nhất là mặt hàng nông sản của các địa phương hiện nay trong vùng dịch./.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: Sự phục hồi của nền kinh tế trước mắt sẽ gặp không ít những trắc trở và phụ thuộc vào những yếu tố chính như kiểm soát dịch bệnh như thế nào, thay đổi chiến lược phòng chống dịch và chính sách tiền tệ ra sao./.