Kinh tế khó khăn, nhu cầu thị trường giảm ở tất cả các lĩnh vực, người dân cắt giảm chi tiêu, nhà nhà chuyển sang mua bán hàng qua kênh online, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên dày đặc khiến tiểu thương chợ truyền thống không còn nhiều "đất sống".
Nỗi lòng tiểu thương
Chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức) là một khu chợ có lịch sử hình thành lâu đời tại TP HCM, có vị trí thuận lợi, sầm uất nhưng nhiều tháng nay, chợ ngày càng vắng, tiểu thương dành phần lớn thời gian ngồi xem phim, lướt mạng xã hội, lau dọn đồ đạc để đỡ nhàm chán. Ông Duy Nam, tiểu thương kinh doanh đồ chơi, cho biết khách đến chợ chủ yếu mua đồ dùng thiết yếu hằng ngày, còn quần áo hay mặt hàng khác đều bị ngó lơ. "Gần cuối năm mà khách đi chợ rất ít, doanh thu của tôi giảm đến 30% - 40% so với cùng kỳ năm trước" - ông Nam chia sẻ.
Bà Đoàn Thị Thu Hà, Giám đốc doanh nghiệp quản lý chợ Thủ Đức, nhận xét tình hình kinh doanh chậm có thể do người lao động siết chặt chi tiêu và một phần về quê sinh sống nên sức mua giảm mạnh. Theo bà Hà, lượng hàng hóa nhập về chợ hiện nay rất yếu, có tiểu thương mở cửa 3 ngày vẫn chưa có khách mở hàng. "Trước năm 2020, mỗi ngày chợ thải ra 600 - 700 kg rác, có ngày lên đến 1 tấn. Hiện chỉ còn trên dưới 400 kg rác/ngày, đủ thấy tình hình buôn bán ở chợ ế ẩm cỡ nào" - bà Hà dẫn chứng.
Theo thống kê của Ban Quản lý chợ Thủ Đức, số lượng sạp đóng cửa tăng 45% so với năm 2022. "Chợ Thủ Đức gồm có 3 khu, một khu trung tâm thương mại chuyên bán quần áo, vải sợi, giày dép, mỹ phẩm, ước tính doanh thu giảm 45% so với cùng kỳ. Chợ Thủ Đức A và B bán thực phẩm và các loại hàng hóa khác cũng giảm 35%" - bà Hà thông tin.
Tại chợ An Đông, ngôi chợ sỉ nổi tiếng ở quận 5, cũng không ngoại lệ. Nhiều sạp ở chợ này đang treo bảng sang nhượng, cho thuê lại hoặc đóng cửa vì không có khách. Chị Nguyễn Thu, nhân viên một sạp bán giày dép, cho biết tình hình bán hàng đang rất chậm, giảm đến 70% so với năm trước. Chị Hà My, quản lý một sạp quần áo, đưa cho chúng tôi xem 770.000 đồng - số tiền bán được trong cả buổi sáng, tính ra tiền lời được vài chục ngàn đồng. "Chợ vắng lắm, tiểu thương còn nhiều hơn khách, doanh thu của tôi giảm hơn 50%" - chị My than thở.
Chợ đầu mối Bình Tây (quận 6) có sinh khí hơn nhờ khách du lịch đến tham quan tăng trở lại nhưng tiểu thương vẫn kém vui vì khách chỉ dùng thử sản phẩm hoặc mỗi người mua một ít làm quà nên cũng không được bao nhiêu. "Doanh thu bán hàng giảm đến 50% so với trước, không chỉ tôi mà nhiều tiểu thương ngành hàng bánh kẹo, quần áo… cũng nghỉ bán ngày chủ nhật từ 4-5 tháng nay" - cô Ứng Thị Liên, một trong những tiểu thương kỳ cựu ở chợ Bình Tây, chia sẻ.
Kinh doanh ở chợ Bình Tây hơn 30 năm, cô Liên cảm nhận rõ sự đi xuống của loại hình kinh doanh truyền thống. "Mọi năm giờ này tiểu thương đã đặt hàng Tết, bày biện trang trí quầy sạp để giới thiệu hàng mới nhưng năm nay tình hình rất khác. Thị trường chậm nên tôi chưa dám đặt hàng Tết; các đầu mối sản xuất, cung cấp hàng cũng chưa vội chào hàng vì có chào cũng không bán được" - cô Liên rầu rĩ.
Ế ẩm, buôn bán khó khăn hơn nên tỉ lệ tiểu thương nghỉ bán gia tăng so với năm 2022, số còn lại xin đóng sạp tạm thời hoặc chỉ ra chợ 4-5 ngày/tuần.
Nhiều sạp ở chợ An Đông (quận 5, TP HCM) đóng cửa, treo bảng sang sạp hoặc cho thuê. Ảnh: LÊ TỈNH
Làm mới mô hình kinh doanh cũ
Không thể tự kéo khách hàng đến chợ, nhiều tiểu thương chợ truyền thống đã tìm cách thay đổi bản thân, đưa hàng hóa đến gần với người tiêu dùng hơn. Từ nhiều tháng nay, đều đặn trong khung giờ 15 giờ - 16 giờ mỗi ngày, chị Thái Trang - chủ một cơ sở may ở TP HCM, có sạp kinh doanh quần áo tại khu A, chợ An Đông - tổ chức livestream trên mạng xã hội để bán hàng. Chị Trang cho biết tình hình chung năm nay rất khó khăn, mỗi người thay vì than thở hoặc chờ đợi kinh tế phục hồi thì phải tìm cách làm mới và duy trì buôn bán. "10 tháng đầu năm 2023, người tiêu dùng giảm chi tiêu cho quần áo, giày dép, phụ kiện… nên kinh doanh quần áo thời trang tuột dốc trầm trọng, giảm đến 70% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu năm 2022, xưởng may của tôi tăng ca liên tục thì năm nay chỉ hoạt động nhộn nhịp trong tháng giêng, từ tháng 2 âm lịch đến nay chỉ làm 6 ngày/tuần và hoàn toàn không tăng ca. Các mối mua hàng ở tỉnh kinh doanh chậm nên không lên chợ lấy hàng mà yêu cầu chụp hình sản phẩm trên mẫu thật để họ chọn. Ban đầu, tôi thuê chụp hình sản phẩm với mẫu thật để gửi chào hàng nhưng chi phí chụp hình cao (300.000 đồng/tấm), trang phục do người mẫu mặc không có độ chân thật cao. Để tăng độ chân thật cho sản phẩm, giúp khách hàng dễ chọn mua hơn, tôi thử livestream giới thiệu sản phẩm và thấy khả quan. Khách chốt đơn ngay trong các buổi live hoặc chụp ảnh màn hình rồi liên hệ đặt mua sau" - chị Trang kể.
Từ kinh nghiệm của mình, chị Trang gợi ý những tiểu thương không có quầy sạp đủ rộng để livestream tại chợ có thể mang hàng về live tại nhà. Ban quản lý chợ cũng có thể giúp đỡ, cho mượn mặt bằng trống trên lầu 2 của chợ để livestream bán hàng. Ban quản lý cũng có thể đồng hành với tiểu thương thông qua việc xây dựng, phát triển kênh YouTube, Facebook, TikTok… riêng của chợ để giới thiệu sản phẩm, hàng hóa tại chợ đến rộng rãi khách hàng. Cùng với đó, tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn tiểu thương kinh doanh trên kênh thương mại điện tử.
Thực tế, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó trưởng Ban Quản lý chợ An Đông, ban quản lý chợ đang đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của chợ như quảng bá thương hiệu, hàng hóa qua kênh YouTube, thanh toán không dùng tiền mặt, lập điểm check-in trước chợ… "Chúng tôi cũng liên kết với một số YouTuber nổi tiếng để họ giới thiệu tổng quan về chợ và quảng bá các ngành hàng trong chợ, kết quả bước đầu khả quan. Sắp tới, chợ An Đông sẽ tổ chức một điểm check-in theo chủ đề Noel để người dân có thể đến chụp hình lưu niệm. Đây cũng là một cách quảng bá, kéo khách đến chợ" - bà Ngọc Hà nói.
Một số chợ khác cũng đã đưa vào hoạt động trang Facebook, app để hỗ trợ tiểu thương đưa sản phẩm lên chào bán. Các chợ thường xuyên hưởng ứng các chương trình khuyến mãi tập trung do Sở Công Thương TP HCM phát động, mức giảm 5% - 20% (tùy mặt hàng) nhằm kích cầu, vận động tiểu thương áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt… để tạo thêm giá trị, sự tiện lợi cho khách hàng. "Trong tháng 12, chúng tôi sẽ dựng bảng quảng cáo ở cổng chợ để niêm yết thông tin các sạp có khuyến mãi để khách tham khảo. Đến tháng 1-2024, ban quản lý chợ sẽ tổ chức lễ hội ẩm thực và khai mạc chợ Tết" - bà Đàm Vân, Phó Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), nói.
Còn chậm chuyển đổi
TP HCM có 234 chợ truyền thống. Theo Sở Công Thương TP HCM, phần lớn các chợ được đầu tư xây dựng từ trước năm 1975, đã bộc lộ nhiều hạn chế. Sở Công Thương đang nghiên cứu đề án giúp các chợ thích ứng với bối cảnh hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của chợ.
"Trong năm 2023, sở đã phối hợp cùng một số quận, huyện, hội ngành nghề, doanh nghiệp tổ chức các chương trình tập huấn, hỗ trợ tiểu thương nâng cao kỹ năng bán hàng và phát triển kinh doanh trên kênh thương mại điện tử. Tuy nhiên, mức độ chuyển đổi của tiểu thương còn tương đối chậm.
Sắp tới, trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành, sở sẽ phối hợp với sàn thương mại điện tử Amazon tập huấn cho tiểu thương về xuất khẩu xuyên biên giới để mở thêm cơ hội bán hàng" - ông Ngô Hồng Y, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương, cho biết.
Ngành công thương và ngành du lịch TP HCM cũng đã có kế hoạch đưa một số chợ thành điểm nhấn để đón du khách.
(Còn tiếp)