Hành khách khó nuốt trôi với lý do trễ chuyến bay
Chị Đ.K.H mua vé Vietnam Airlines trên chuyến bay VN7296 từ sân bay Tân Sơn Nhất về sân bay Vinh vào tối ngày 25/1/2022. Theo chị H phản ánh: “việc chuyến bay bị delay nhưng phía hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines không có một tin nhắn thông báo cho hành khách. Mặc cho hành khách di chuyển ra sân bay từ sớm làm thủ tục xong ngồi chờ từ 19h để khởi hành vào lúc 20h55, tuy nhiên đến sát giờ bay hãng hàng không Vietnam Airlines mới thông báo delay trên màn hình dời lịch bay sang 22h30 do thời tiết xấu, nhưng đến 22h30 vẫn không thấy gì. Chưa dừng lại ở đó, đến 24h hãng bay tiếp tục thông báo chuyến bay phải chuyển sang 10h05 ngày 26/1/2022”.
“Việc chuyến bay bị delay suốt 14 tiếng đồng hồ như vậy phía hãng bay không hề có những hỗ trợ nào cho hành khách, họ đã xem thường hành khách. Mặc cho những đứa bé mới 2 tháng tuổi, 5 tháng tuổi, 1 tuổi... vật vã quấy khóc trong suốt 14 tiếng chờ đợi hãng hàng không chỉ hỗ trợ suất ăn phụ kiểu như bố thí, người có người không. Chị Đ.K.H bức xúc”.
Hành khách bức xúc khi chuyến bay VN 7296 bị delay mà không được thông báo từ trước. Ảnh: Cắt từ clip nhân vật
Chị N.Đ.H đi chuyến bay của hãng hàng không Bamboo Airways từ sân bay Tân Sơn Nhất về sân bay Vinh vào tối 25/1/2022 lại gặp vẫn đề phiền phức kiểu khác. Theo phản ánh của chị Đ.H “Vì sân bay Vinh thời tiết xấu, buộc máy bay phải hạ cánh sân bay Nội Bài, hành khách có thể nhận 300.000 đồng để tự đi về, hoặc chờ xe ô tô của hãng hàng không đưa về”.
Chị Đ.H ngao ngán chia sẽ thêm: “sau khi vạ vật 2 tiếng đồng hồ hành khách vẫn chưa có xe để về Vinh, trong suốt thời gian bay và chờ đợi xe trung chuyển về Vinh hãng bay cũng không hỗ trợ đồ ăn, khu vực trong sân bay Nội Bài cũng không bán thức ăn. Trẻ con thì khóc ầm ĩ, người lớn to tiếng cãi vã, nhân viên Bamboo bảo chờ đi…”.
Hành khách T.T.M bị hãng hàng không thông báo trễ chuyến bay phải chuyển sang chuyến bay khác và phải bù thêm tiền. Ảnh: FB nhân vật |
Còn trường hợp của anh T.T.M mua vé máy bay của hãng hàng không Vietjet Air khởi hành vào lúc 7h15 ngày 26/1/2022 từ sân bay Tân Sơn Nhất về sân bay Phù Cát (Bình Định). Anh M chia sẽ rằng: “Để tránh việc trễ lỡ chuyến bay ngay từ 5h sáng tôi đã có mặt tại sân bay để làm các thủ tục bay vì lo ngại hành khách đông. Tuy nhiên, đứng xếp hàng suốt 2 tiếng để làm thủ tục bay nhưng gần đến giờ cất cánh mà chưa vào khu vực lên máy bay bèn hỏi nhân viên hãng Vietjet Air mấy lần sao chưa được lên máy bay thì mới nói là tôi đã trễ chuyến bay, buộc đổi vé đi chuyến bay khác vào lúc 10h15 và phải bù thêm 616.000 đồng”.
Quá bức xúc với việc bị trễ chuyến bay, buộc đổi sáng chuyến bay khác và phải bù thêm tiền nhưng không phải do lỗi của mình. Anh T.M cho hay từ nay sẽ không bao giờ đi hãng hàng không này nữa, vì họ quá coi thường hành khách.
Sân bay Tân Sơn Nhất bì ùn tắc do miền Bắc thời tiết xấu
Lý giải nguyên nhân nhiều chuyến bay bị delay, hành khách ùn ứ tại sân bay Tân Sơn Nhất và nhiều chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay khác.
Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, ông Đinh Việt Sơn - phó cục trưởng Cục Hàng không - nhận định mấy ngày qua có tình trạng ùn ứ khách tại Tân Sơn Nhất. Nhưng tình trạng này không quá căng thẳng, chỉ xảy ra trong khung giờ cao điểm và có cả nguyên nhân khách quan do thời tiết xấu tại miền Bắc.
Theo ông Sơn, nhu cầu hành khách đi máy bay những ngày vừa qua tăng đột biến nhưng chưa vượt quá phương án khai thác của Cục Hàng không và các hãng. Hiện nay lượt cất, hạ cánh tại các sân bay vẫn được kiểm soát tốt. Từ 7h-8h sáng có nhiều chuyến bay khai thác nhất nhưng chưa vượt năng lực phục vụ của Tân Sơn Nhất.
Do thời tiết xấu buộc máy bay về sân bay Vinh phải hạ cánh xuống sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) buộc hành khách phải đón xe trung chuyển về TP Vinh trong đêm 26/1/2022. Ảnh: Hà Lê
Ông Bùi Minh Đăng - phó trưởng phòng vận tải hàng không Cục Hàng không cho biết thêm những ngày vừa qua trung bình có 70.000 khách qua sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi đó thời gian này năm 2021 là 90.000 người, năm 2020 là 110.000 người.
Dự báo hành khách tiếp tục đến sân bay nhiều hơn trong những ngày tới và Cục Hàng không đang kiểm soát tình hình khách hằng ngày, hằng giờ để điều phối khai thác hợp lý theo từng khung giờ.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Phương - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), từ ngày 25/1 ACV mở toàn bộ cổng an ninh tại Tân Sơn Nhất để hành khách làm thủ tục an ninh nhanh hơn. Đồng thời, ACV mở thêm 2 cửa lên máy bay nội địa tại ga quốc tế để giảm tải cho nhà ga quốc nội khi khách đến sân bay tiếp tục tăng.