Trước việc giá dầu thế giới tặng mạnh thời gian gần đây, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự báo, giá xăng trong nước sắp tới có thể tăng từ 900 - 1.300 đồng/lít, giá các loại dầu có thể tăng nhẹ hơn, từ 500 - 1.000 đồng/lít.
“Trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích quỹ bình ổn, mức tăng có thể lên 1.500 đồng/lít”, vị đại diện này nói.
Tương tự, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết, giá xăng dầu trên thế giới những ngày gần đây biến động liên tục và chủ yếu theo xu hướng tăng mạnh. Trong bối cảnh này, nhiều khả năng liên bộ Tài chính- Công Thương cũng sẽ điều chỉnh tăng giá trong nước theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, mức điều chỉnh giảm cụ thể như thế nào đã có công thức tính toán của các cơ quan chức năng và phụ thuộc vào việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng như các loại phí khác nếu có.
Hiện, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang được áp dụng theo phiên điều hành ngày 21/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 1.220 đồng/lít, lên 21.639 đồng/lít; xăng RON95 tăng 1.295 đồng/lít, lên 22.792 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 884 đồng/lít lên 19.500 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 869 đồng/lít lên 19.189 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 437 đồng/kg lên 15.725 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ tiếp tục không chi và dừng trích lập vào quỹ bình ổn đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 21 lần điều chỉnh, trong đó có 11 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Giá dầu thế giới bật tăng mạnh mẽ
Lúc 6h30 ngày 31/7 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao dịch ở mức 80,79 USD/thùng, tăng 0,37 USD/thùng trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 84,97 USD/thùng, tăng 0,02 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Tuần trước, dầu thô đã đạt tuần tăng thứ năm liên tiếp do các nhà đầu tư lạc quan về nhu cầu lành mạnh và việc cắt giảm nguồn cung sẽ giữ giá ổn định. Được hỗ trợ bởi việc cắt giảm nguồn cung từ liên minh OPEC + công bố vào đầu tháng này, cả hai loại dầu chuẩn đã tăng gần 5% trong tuần - tuần tăng thứ năm liên tiếp. Các điểm chuẩn đang trên đà tăng hơn 13% trong tháng.
Các nhà phân tích của Commerzbank cho biết sản lượng dầu của OPEC trong tháng này có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm 2021.
Trong khi đó, kỳ vọng nhu cầu tăng đã được thúc đẩy sau khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II của Mỹ tăng trưởng với mức dự báo 2,4%. Điều này ủng hộ quan điểm của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng nền kinh tế có thể đạt được cú “hạ cánh mềm”.
Hiện các nhà đầu tư đang nóng lòng với ý tưởng Mỹ sẽ sớm “chạm” mức lãi suất cao nhất, trong khi ngày càng có nhiều khả năng Mỹ sẽ tránh được suy thoái.
Dữ liệu mới được công bố ngày 28/7 cho thấy một số nền kinh tế hàng đầu của khu vực đồng euro đã thể hiện khả năng phục hồi ngoài mong đợi trong quý II ngay cả khi một loạt chỉ số chỉ ra sự suy yếu mới trong thời gian tới do hoạt động sản xuất và dịch vụ chậm lại. Theo Reuters, trong quý II, GDP của Pháp tăng nhanh hơn dự kiến 0,5%, trong khi GDP của Tây Ban Nha tăng 0,4%.
Theo phân tích của các nhà kinh tế, dữ liệu từ Tây Ban Nha và Pháp sẽ giúp tăng trưởng khu vực đồng euro tăng từ mức 0% được ghi nhận trong 3 tháng đầu năm lên 0,4%. Số liệu GDP toàn khối sẽ được công bố vào thứ Hai.
THEO VTC