Giá vàng giao ngay trên Sàn Vàng bạc London chốt phiên cuối tuần (16/7) giảm 0,8% so với phiên liền trước xuống 1.814,11 USD/ounce. Phiên này, giá biến động mạnh khi có lúc lên tới 1.825,66 USD, nhưng không giữ được mức cao cho đến cuối phiên do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại từ mức thấp nhất 1 tuần và USD tăng mạnh. Giá vàng kỳ hạn tháng 8/2021 cũng giảm 0,8% trong phiên này, xuống 1.815 USD/ounce.
Trong nước, giá vàng tuần qua biến động nhưng tính chung cả tuần gần như không thay đổi. Kết thúc ngày 16/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh TP. Hồ Chí Minh niêm yết giá vàng ở mức mua vào 56,75 triệu đồng/lượng - bán ra 57,50 triệu đồng/lượng (so với mức 56,90 triệu - 57,55 triệu đồng/lượng cuối tuần trước).; vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức 56,75 - 57,50 triệu đồng/lượng (tăng nhẹ so với 56,80 - 57,30 triệu đồng/lượng trước đây một tuần); Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức 56,75 - 57,50 triệu đồng/lượng (giảm nhẹ so với 56,85 - 57,50 triệu đồng/lượng cách đây một tuần); giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở 51,69-52,29 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra (so với 51,61 - 52,21 triệu đồng/lượng cách một tuần trước đây).
Mặc dù giá vàng giảm trong phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần, giá vẫn tăng nhẹ, khoảng 0,2%, kéo dài chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp. Trong đó, phiên 15/7, giá vàng giao ngay đạt mức cao nhất kể từ ngày 16/6 (cao nhất 1 tháng), là 1.833.65 USD/ounce.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, tiếp tục giữ thái độ ‘ôn hòa’ khi nói về quan điểm của Fed đối với thực tế lạm phát hiện nay và chính sách của Fed trong thời gian tới đã đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần, khiến cho vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty tư vấn giao dịch hàng hóa RJO Futures, nhận định việc giá vàng duy trì trên ngưỡng 1.800 USD/ounce trong tuần này cùng với những lo ngại về xu hướng bán tháo trên thị trường chứng khoán đã thúc đẩy hoạt động mua vàng như một giải pháp bảo toàn nguồn vốn cho nhà đầu tư.
Theo ông Haberkorn, trên thế giới hiện đang có nhiều vấn đề ‘nóng’ như biến thể Delta và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, những yếu tố đang làm gia tăng lo ngại trên các thị trường chứng khoán toàn cầu, khiến giới đầu tư tìm đến nhưng tài sản an toàn như vàng và bạc.
Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm hơn dự đoán trong quý II.
Yếu tố cản trở giá vàng tăng lúc này là đồng USD tăng giá mạnh. Chỉ số dollar tăng 0,11% trong phiên cuối tuần, lên 92,675, tính chung cả tuần cũng tăng 0,6%, làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
"Tôi tin giá vàng sẽ không xuống dưới 1.800 USD trong thời gian tới mà có khả năng sẽ tăng tiếp để đạt mốc 1.900 USD một lần nữa", Kunal Shah, trưởng nhóm nghiên cứu của công ty Nirmal Bang Commodities ở Mumbai, Ấn Độ, cho biết.
Theo ông Shah: "Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ liên tục giảm mặc dù lạm phát đang tăng lên. Đó là một dấu hiệu cho thấy có thể nền kinh tế toàn cầu đã qua giai đoạn tốt nhất và sắp tới sẽ tăng trưởng chậm lại... Do đó, vàng có vẻ hấp dẫn đối với chúng ta".
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào ngày 15/7, ông Powell đã phải đối mặt với những câu hỏi về lạm phát và chính sách của Fed. Trả lời các câu hỏi đó, ông tái khẳng định cam kết "hỗ trợ đắc lực" để hoàn thành mục tiêu hồi phục nền kinh tế Mỹ.
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ xem lạm phát cao hiện nay chỉ là hiện tượng xảy ra trong ngắn hạn và rồi sẽ giảm đi sau khi tình trạng khan hiếm nguồn cung và nhu cầu tăng đột biến dịu bớt. Ông Powell cũng nói rằng thị trường việc làm của Mỹ "vẫn còn cách xa" so với tiến độ mà ngân hàng trung ương muốn thấy trước khi giảm hỗ trợ cho nền kinh tế.
Trong tuần kết thúc ngày 10/7, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống 360.000 từ con số 386.000 của tuần trước đó. Chỉ số giá cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tăng 1% trong tháng 6; chỉ số giá cả hàng hóa nhập khẩu không tính giá năng lượng tăng 0,7%.
Ngoài ra, chỉ số sản xuất khu vực Philadelphia tháng 7 hạ xuống 21,9 điểm từ 30,7 điểm của tháng trước còn chỉ số sản xuất Empire State tăng lên mức kỷ lục 43 điểm trong tháng 7 từ mức 17,4 của tháng 6.
Những phát biểu của ông Powell đã xóa tan những lo ngại về khả năng lãi suất Mỹ được điều chỉnh trong ngắn hạn. Giá vàng vốn rất nhạy cảm với thay đổi về lãi suất và việc lãi suất được điều chỉnh tăng cũng đồng nghĩa chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản này tăng lên.
Triển vọng giá vàng tuần tới khả quan
Quan điểm của các quan chức Fed là yếu tố quyết định tới giá vàng trong thời gian tới.
Trên thực tế, lạm phát đang tăng cao hơn dự kiến. Chủ tịch Fed cũng thừa nhận điều này. Như vậy, Fed đã duy trì lập trường rằng họ sẽ tiếp tục chính sách lãi suất hiện tại và mua tài sản hàng tháng cho đến khi có thay đổi "đáng kể" hướng tới mục tiêu toàn dụng lao động và lạm phát 2% ổn định trong dài hạn. Nếu Fed chưa đưa ra các động thái kiềm chế lạm phát, đây sẽ là yếu tố có lợi cho giá vàng tăng.
Các biến thể virus Covid-19 cũng là yếu tố hậu thuẫn giá vàng trong tuần tới. Những ngày qua, thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh. Một số chuyên gia quản lý tiền tệ cho rằng thị trường chứng khoán có thể sẽ chật vật tăng điểm trong những tuần tới bởi số lượng các ca nhiễm Covid-19 tăng cao có thể đe dọa gây tổn hại đến quá trình mở cửa của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.
Nhìn chung, phân tích kỹ thuật cho thấy, xu hướng tăng giá vẫn chiếm ưu thế, với mục tiêu giá cao trong ngắn hạn là 1.850 USD/ounce và rủi ro giá thấp trong ngắn hạn là 1.775 USD/ounce.
Tuy nhiên, đồng USD mạnh lên sẽ tiếp tục cản trở đà tăng của giá vàng. Mặc dù có những phiên quay đầu giảm, song USD gần đây nhìn chung tăng so với các đồng tiền chủ chốt, và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong tuần tới.
Tham khảo: Reuters, Bloomberg
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị