Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.817 USD/ounce, giảm 5 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh do các báo cáo liên quan đến nền kinh tế Mỹ. Những phiên đầu tuần, giá vàng thế giới bật tăng mạnh lên vùng 1.830 USD/ounce, sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 7,1% so với cùng kỳ và lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm, nhiên liệu) tăng đến 5,5%. Mức lạm phát tại Mỹ đã lên cao nhất gần 40 năm qua. Trước đó, lạm phát tại khu vực kinh tế châu Âu và Anh lên cao nhất trong vòng 24 năm qua, với mức tăng khối EU gần 5%.
Mặc dù, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - ông Jerome Powell có phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị. Ông đã đưa ra rất nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, nhưng vẫn đảm bảo việc làm cho người lao động. Thế nhưng giới đầu tư vàng vẫn lo ngại lạm phát sẽ làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới nên đã đẩy mạnh mua vào.
Tuy nhiên, cuối tuần nền kinh tế Mỹ lại đón thông tin tích cực, đó là hoạt động mua sắm của người tiêu dùng nước này đã tăng mạnh trong tháng 12, bất chấp biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có lây lan nhanh, ảnh hưởng lớn tới kỳ nghỉ của hàng chục nghìn khách du lịch khi phải hủy chuyến bay.
Cụ thể, doanh số bán hàng trong mùa mua sắm nghỉ lễ cuối năm 2021 tại Mỹ (tính từ ngày 1/11 đến 24/12) đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng hàng năm lớn nhất trong 17 năm. Trong đó, doanh số bán quần áo tăng 47%, trang sức tăng 32%, đồ điện tử tăng 16% so với năm trước. Doanh số bán hàng trực tuyến tại Mỹ đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng mạnh 61% so với cùng kỳ năm 2019; doanh số bán hàng qua cửa hàng bách hóa tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Sau những thông tin tích cực về doanh số bán lẻ, giới phân tích cho rằng, nền kinh tế Mỹ dù chịu ảnh hưởng bởi lạm phát và biến thể mới Omicron gia tăng, nhưng sức mua tăng của người tiêu dùng đang là bàn đạp để thúc đẩy sản xuất phát triển. Do đó, giới đầu tư đã đẩy mạnh bán vàng chốt lời.
Tính chung, trong tuần giá vàng thế giới đã tăng 23 USD/ounce. Nếu tính từ mức giá thấp nhất tuần là 1.786 USD và đến mức giá cao nhất tuần là có lúc lên đến 1.832 USD/ounce thì giá vàng đã có biên độ biến động khá mạnh 46 USD.
Giá vàng ngày 16/1/2022: Tuần tới, giá vàng tiếp tục tăng mạnh? Ảnh: Reuters
Dự báo giá vàng thế giới tuần (17-21/1), 16 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát vàng của Kitco News. Trong số những người tham gia, 9 nhà phân tích, chiếm 58%, dự đoán vàng tăng vào tuần tới. Đồng thời, ba nhà phân tích, tương đương 19%, đã dự đoán vàng giảm giá trong thời gian tới, và bốn nhà phân tích hoặc 25% đưa ra ý kiến trung lập.
Trong khi đó, có tổng cộng 928 phiếu tham gia các cuộc thăm dò trực tuyến trên Main Street. Trong số này, 529 người được hỏi, tương đương 57%, dự đoán vàng sẽ tăng giá vào tuần tới. 225 người khác, tương đương 24%, cho rằng vàng sẽ giảm, trong khi 174 người ủng hộ, tương đương 19%, là trung lập.
Đối với nhiều nhà phân tích, lạm phát tiếp tục hỗ trợ nhiều nhất cho vàng đến năm 2022. Thứ ba, Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ cho thấy lạm phát hàng năm tăng 7% trong tháng 12, mức cao nhất kể từ tháng 6/1982.
Đối với các nhà phân tích khác, khả năng vàng tăng trở lại trên 1.815 USD/ounce có thể thu hút thêm động lực kỹ thuật trong ngắn hạn.
"Đã đến lúc kim loại đặt chân xuống và lao qua vùng kháng cự 1.830 - 1.835 USD/ounce. Hầu hết các tin tức diều hâu đều được định giá ở thời điểm hiện tại, điều này khiến thị trường cân bằng tốt hơn nhiều và dễ tiếp thu những tin tức tích cực về giá cả", Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo nói.
Số liệu lạm phát nói trên cho thấy lạm phát cao của Mỹ có khả năng kéo dài đến năm 2022 và cao hơn mục tiêu hàng năm 2% của Fed. Các nhà phân tích thị trường cho rằng Fed có khả năng tăng cường thúc đẩy chương trình giảm bớt mua tài sản và thắt chặt định lượng.
Trong phiên điều trần nhằm chuẩn bị cho việc phê chuẩn nhiệm kỳ bốn năm thứ hai của ông Jerome Powell trên cương vị Chủ tịch Fed tại Quốc hội, ông Powell thẳng thắn thừa nhận tình trạng lạm phát cao sẽ kéo dài đến giữa năm 2022 và Fed sẽ hành động nếu cần để kiểm soát đà tăng của giá cả, đồng thời sẽ phải tăng lãi suất nếu lạm phát cao trong thời gian dài.
Ông Powell cũng khẳng định Fed có thể hạ nhiệt lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến thị trường lao động.
Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát cao, nhưng lãi suất của Mỹ tăng khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lợi trở nên cao hơn, trong khi đồng USD mạnh hơn khiến kim loại quý trở nên đắt đỏ đối với người mua giữ các loại tiền tệ khác.
Trên thị trường trong nước, Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 60,950 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,600 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 61,180 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,580 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 61,000 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,720 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 61,170 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,600 triệu đồng/lượng (bán ra).