Nguồn hàng dồi dào
Thông tin từ Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), những ngày gần đây giá thu mua lợn hơi trên cả nước giảm mạnh xuống còn 50.000 - 55.000 đồng/kg. Khảo sát của phóng viên tại hệ thống chợ truyền thống như Kim Liên, Nam Đồng (quận Đống Đa), Thành Công (quận Ba Đình), chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) hiện giá thịt lợn giảm nhẹ, hiện đang ở mức 80.000 - 120.000 đồng/kg.
Cụ thể, thịt ba chỉ, thịt nạc vai ở mức mức 120.000 đồng/kg; thịt mông sấn 80.000 - 100.000 đồng/kg… Trước đó, khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (trước ngày 21/9), giá thịt lợn ở các chợ dân sinh vẫn ở mức cao, từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Tương tự tại nhiều siêu thị như Co.op mart, Big C, Vinmart giá thịt cũng giảm từ 7.000 - 12.000 đồng/kg so với những ngày cuối tháng 9.
Người tiêu dùng mua thịt lợn tại chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng)
Lý giải nguyên nhân khiến giá thịt lợn giảm nhẹ, chị Minh Thu kinh doanh mặt hàng này tại chợ Nam Đồng cho biết, giá thịt lợn hiện đang khá “mềm” là bởi giá lợn hơi đưa về các lò giết mổ giảm mạnh.
Mặt khác, TP Hà Nội đã nới lỏng giãn cách xã hội nên việc lưu thông hàng hóa thuận lợi, hệ thống chợ được mở cửa hoạt động trở lại nên nguồn cung dồi dào. Do vậy giá bán “hạ nhiệt” là điều không thể tránh khỏi.
Trong khi đó theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm còn do thịt lợn giá rẻ nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam số lượng lớn.
“Trong 7 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu trên 444.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 874,57 triệu USD, tăng 20% về lượng và tăng 46,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020” - ông Trần Thanh Hải nêu ví dụ.
Người tiêu dùng không mặn mà
Mặc dù giá thịt lợn đã giảm nhẹ nhưng sức tiêu thụ mặt hàng này lại không tăng. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn tại hệ thống chợ truyền thống có chung phản ánh, mặc dù giá thịt lợn đã giảm 30% so với thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhưng hiện sức mua chỉ bằng 50 - 60%. Trước đây mỗi ngày bán cả tạ thịt, nhưng nay chỉ tiêu thụ được 60 - 70kg.
Lý giải nguyên nhân không mặn mà tiêu thụ thịt lợn, chị Mai Anh ở đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) và nhiều người tiêu dùng nêu rõ, khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người dân đi chợ theo khung giờ nhất định nên thường mua 2 - 3kg để sử dụng dần trong 2 - 3 ngày liên tiếp. Ngoài ra lượng tiểu thương bán thịt chỉ bằng 1/3 so với trước giãn cách nên nguồn hàng không nhiều khiến sức tiêu thụ tăng cao. Hiện, TP Hà Nội đã nới lỏng giãn cách xã hội, nguồn cung dồi dào, người tiêu dùng đang trở về cuộc sống bình thường nên chỉ mua dùng trong ngày.
Phân tích nguyên nhân khiến sức tiêu thụ thịt lợn không tăng như mong muốn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các địa phương trong đó có TP Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, tuy nhiên để phòng chống dịch Covid-19 chỉ cho phép nhà hàng, quán ăn bán mang về. Đặc biệt, hệ thống bếp ăn tập thể của nhà máy, trường học chưa hoạt động trở lại đã ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ thịt lợn, bởi đây là điểm tiêu thụ thịt lợn chủ yếu cho người chăn nuôi.