Thiếu hụt nguồn cung thịt lợn tại nhiều địa phương
Tại nhiều tỉnh thành, giá lợn hơi đã lên mốc 70.000 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với trước đó. Theo tính toán, ở mức giá thành 55.000 - 60.000 đồng/kg, bà con chăn nuôi đã có lãi rồi. Vì vậy khi lên mức cao trên 70.000 đồng, các cơ quan chuyên môn sẽ cần phải có các giải pháp. Một trong những nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng mạnh như vậy là do thiếu hụt nguồn cung.
Tại khu trung chuyển thu mua lợn thịt Công ty cổ phần CP Bắc Giang, số lượng lợn về công ty để bán ra thịt trường đã giảm 15 - 20 % trong tháng vừa qua. Nguồn cung thiếu nên giá ở tất cả các khâu cũng sẽ tăng theo. "Thịt ra thị trường phụ thuộc vào khách hàng và khách hàng phải giết mổ, vận chuyển để bán cho các sạp, chợ hay siêu thị", ông Bùi Văn Thịnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần CP Bắc Giang, cho biết.
Ngoài lý do nguồn cung giảm, áp lực giá xăng và thức ăn chăn nuôi lên cao thời gian qua đã đẩy giá lợn hơi tăng vọt. Theo các tiểu thương tính toán, giá thành để sản xuất một con lợn đầu năm chỉ khoảng 55.000 đồng một kg, nay tăng lên 60.000 - 62.000 đồng/kg. 6 tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 7 lần khiến người chăn nuôi thua lỗ.
"Nguồn tạo ra thực phẩm sẽ cao lên. Với giá thức ăn hiện nay, giá xăng dầu tăng, sản xuất ra 1 kg thịt lợn hơi rơi vào khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg. Vì vậy, để có lãi, giá thịt lợn hơi phải trên 60.000 đồng trở lên", ông Lê Văn Dương, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang, cho hay.
Một lý do tác động đến giá lợn hơi trong nước tăng cao trong thời gian qua đó là giá lợn Trung Quốc và Thái lan tăng cao cũng khiến thịt lợn Việt Nam bị ảnh hưởng. Hiện giá lợn hơi tại 2 quốc gia này gần chạm mốc 80.000 đồng/kg. Như vậy, do thiếu nguồn cung, chi phí đầu vào tăng, giá cả thế giới tăng nên giá thịt lợn của Việt Nam cũng tăng.
Giá thịt lợn hơi từng có những thời điểm chạm mốc 90.000 đồng/kg vào thời điểm căng thẳng nhất của dịch tả lợn châu Phi vì thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Dịch bệnh kiểm soát được nhưng nếu không quản lý tốt giá vật tư đầu vào cùng kiểm soát khâu thị trường thì bối cảnh đó có thể tái diễn vào thời điểm cuối năm nay khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao.
Giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn
Ba tháng nay, Công ty cám Hải Thịnh (Bắc Giang) đã tìm ít nhất 3 loại nguyên liệu trong nước có thể thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất cám chăn nuôi.
Thay vì dùng ngô nhập khẩu, nhiều hộ chăn nuôi dùng ngô ngay trong nước tại địa phương. Thay vì cám mì, họ thay thế bằng cám gạo, ngoài ra họ dùng thêm cá rô phi, cá mè lên men tự nhiên thay vì dùng bột cá. Các nguyên liệu thay thế có thể giảm ít nhất 15 - 20% so với giá nhập khẩu. "Công ty đã đưa nguồn nguyên liệu chất lượng tốt và giá hợp lý vào thì chi phí đã giảm được 5 - 10% chi phí giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá vật nuôi cũng đã giảm tương ứng", ông Lê Văn Hải, Giám đốc Công ty cám Hải Thịnh, Bắc Giang, chia sẻ.
Theo các hộ chăn nuôi, thời điểm đầu tháng 5 này, hàng loạt công ty lại tiếp tục điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi, đây đã là lần tăng giá thứ 13 - 14 của nhiều doanh nghiệp kể từ cuối năm 2020 đến nay. Áp lực lên các hộ chăn nuôi là không nhỏ, việc tận dụng các nguồn nguyên liệu ngay tại địa phương là cách nhiều hộ chăn nuôi đang cố gắng duy trì sản xuất và lợi nhuận của mình.
Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, nguyên liệu trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, khoảng 40%, còn lại là phải nhập khẩu. "Trong giai đoạn hiện nay, nguồn cung có thiếu hụt một phần so với nhu cầu hiện tại. Chúng tôi phối hợp với các địa phương, người chăn nuôi, doanh nghiệp để đảm bảo đáp ứng nguồn cung cho người tiêu dùng trong nước", ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi cũng sẽ từng bước điều chỉnh lại cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm, cũng là giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu./.