Thị trường cà phê thế giới duy trì mạch giảm sâu
Giá cà phê thế giới vào lúc 21h00 tối nay (21/9 - theo giờ Việt Nam) tiế tục duy trì ở trạng thái cùng giảm sâu trên 2 sàn giao dịch quốc tế.
Trên sàn giao dịch London, giá cà phê Robusta đang dao động trong khoảng 5.008 - 5.279 USD/tấn. Cụ thể, giá cà phê Robusta hợp đồng kỳ hạn giao tháng 11/2024 trên sàn London đã giảm về mức 5.059 USD/tấn, giảm 3,60%, tương đương giảm 189 USD/tấn so với phiên trước.
Cùng lúc này, giá cà phê Arabica trên sàn New York kỳ hạn giao tháng 12/2024 đang là 250,75 US cent/lb, giảm 4,17% tương đương giảm 10,90 US cent/lb so với cuối phiên trước đó.
Giá cà phê trong nước giảm tiếp 2.000 - 2.200 đồng/kg
Giá cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên đến cuối ngày 21/9 tiếp tục giảm đồng loạt từ 2.000 – 2.200 đồng/kg so với phiên sáng. Hiện giá cà phê khu vực đang dao động trong khoảng 119.500 - 120.000 đồng/kg, giá bán trung bình 120.000 đồng/kg.
Chi tiết giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng, cà phê nhân xô đến cuối ngày 21/9 giảm 2.200 đồng/kg so với phiên sáng, giá bán đang là 119.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê ở huyện Cư M'gar; thị xã Buôn Hồ của tỉnh Đắk Lắk hiện đang giao dịch ở mức 120.000 đồng/kg, giảm 2.100 đồng/kg so với phiên sáng.
Tại một số địa phương khác như ở Đắk Nông, cà phê giảm 2.100 đồng/kg so với phiên sáng về mức 120.000 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum cùng ở mức 120.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với sáng 21/9.
Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê đứng thứ 3 cho Trung Quốc
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu cà phê chưa rang xay, chưa loại bỏ caffein (mã HS 090111), tỷ trọng chiếm 79,8% tổng lượng, đạt 128,1 nghìn tấn, trị giá 547,4 triệu USD, tăng 110,0% về lượng và tăng 102,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu cà phê tan, chiết xuất, tinh chất và tinh chế (mã HS 210111), đạt 7,3 nghìn tấn, trị giá 103.2 triệu USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các nguồn cung cà phê chủ yếu cho thị trường Trung Quốc gồm Brazil, Colombia, Việt Nam, Malaysia,... Brazi; là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2024, lượng đạt 59,5 nghìn tấn, trị giá 220,3 triệu USD, tăng 162,6% về lượng và tăng 148,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê đứng thứ 3 cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2024, đạt 24,3 nghìn tấn, trị giá 119,7 triệu USD, tăng 13,0% về lượng và tăng 46,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ mức 22,4% trong 7 tháng đầu năm 2023 xuống 15,1% trong 7 tháng đầu năm 2024.
Trung Quốc là một trong những thị trường cà phê phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới khi người tiêu dùng cà phê ở quốc gia này tiếp tục tăng. Theo https://www.giiresearch.com, quy mô thị trường cà phê Trung Quốc ước tính đạt 2,1 tỷ USD vào năm 2024, dự kiến sẽ đạt 2,3 tỷ USD vào năm 2029, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 1,90% trong giai đoạn dự báo (2024-2029). Tiêu thụ cà phê của Trung Quốc được thúc đẩy bởi nhu cầu của giới trẻ, cùng với sự gia tăng trong thương mại điện tử bán lẻ. Cà phê hòa tan là một trong những chủng loại được tiêu dùng phổ biến do sự tiện lợi.
Để gia tăng thị phần tại Trung Quốc, ngành cà phê Việt Nam cần tích cực đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tập trung vào các nền tảng truyền thông xã hội và các kênh phân phối trực tuyến để quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm.