UBND tỉnh Đồng Nai phải điều chỉnh phương án cách ly y tế với người về, đến từ TP Hồ Chí Minh; Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng kiến nghị mở cửa chợ hoa Đầm Sen để “cứu” hoa Đà Lạt…Lẽ nào, việc “phong thành” thái quá với TP Hồ Chí Minh đang khiến tình hình kinh tế của các địa phương bị ảnh hưởng?
Nhiều tỉnh, thành “làm quá” với TP Hồ Chí Minh…
Khi tình hình dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh chưa có dấu hiệu ngừng tăng, thì cũng là lúc nhiều tỉnh thành trên cả nước lần lượt ra thông báo cách ly tại nhà và tập trung (có thu phí) đối với người về từ TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, nhiều tỉnh thành như: Long An, Bạc Liêu, Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng… đã thông báo thực hiện cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung 21 ngày đối với người từng đến, về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có TP Hồ Chí Minh).
Thực hiện cách ly với TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp là cần thiết, tuy nhiên không nên cứng nhắc
Hầu hết các địa phương nói trên đều yêu cầu những người từ vùng dịch trở về sau ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 phải chịu toàn bộ chi phí cách ly, xét nghiệm. Những người về từ khu vực còn lại thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày.
Tuy nhiên, sau khi ban hành văn bản chưa được bao lâu, UBND tỉnh Đồng Nai đã phải tổ chức họp, điều chỉnh phương án bị đánh giá gây khó khăn cho nhiều người, đặc biệt là hàng nghìn lao động đi lại hàng ngày (giữa TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai) để làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Khi câu chuyện về văn bản “gây sốc” của Đồng Nai chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, Sở Công thương Lâm Đồng tiếp tục gây bất ngờ khi kiến nghị Sở Công thương TP Hồ Chí Minh hỗ trợ mở cửa chợ hoa Đầm Sen giúp tiêu thụ hoa Đà Lạt dịp Tết Đoan ngọ.
Theo đó, ngày 4/6, Sở Công thương Lâm Đồng có văn bản gởi Sở Công thương TP Hồ Chí Minh kiến nghị hỗ trợ lưu thông và mở cửa chợ hoa Đầm Sen để “giải cứu” hoa Đà Lạt phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp ngày 1/5 âm lịch và Tết Đoan ngọ.
Cụ thể, Sở Công thương Lâm Đồng kiến nghị Sở Công thương TP xem xét, tạo điều kiện cho mở cửa trở lại chợ hoa tươi Đầm Sen từ ngày 7 – 14/6 (tức ngày 27/4 – 5/5 âm lịch) để hỗ trợ, giải quyết tiêu thụ một phần hoa tươi cho bà con nông dân Lâm Đồng trong tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Sở Công thương Lâm Đồng kiến nghị TP Hồ Chí Minh mở cửa chợ hoa Đầm Sen để "cứu" hoa Đà Lạt
Kiến nghị này từ phía Lâm Đồng gây khó hiểu, vì trước đó, ngoài văn bản thông báo cách ly người từ TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Lâm Đồng còn ra quyết định tạm ngưng các chuyến xe chở khách từ TP Hồ Chí Minh vào Đà Lạt, Lâm Đồng để tăng cường chống dịch Covid-19. Đồng thời lập các trạm kiểm soát dịch ở 5 cửa ngõ của tỉnh này. UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, đang cố gắng kiểm soát để không trở thành địa phương có dịch, đây là điều kiện cốt lõi để có thể sớm đẩy mạnh kinh doanh du lịch hè.
Rõ ràng, với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa nhất định với trong việc lưu thông, tiêu thụ hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế của nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Do đó, dù thực hiện cách ly vì tình hình dịch bệnh phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, các địa phương vẫn cần phải đảm bảo đưa ra chính sách linh động, phù hợp với tình hình thực tế. Từ đó đảm bảo vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng” đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế bị động.
…Thủ tướng lên tiếng
Ngày 5/6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 789/CĐ-TTg về áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép.
Theo đó, Thủ tướng đánh giá, một số địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19. Các địa phương khác cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát người về từ vùng dịch. Tuy nhiên, một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.
Ngày 5/6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 789/CĐ-TTg về áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép
Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cần trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải (kể cả vận chuyển hành khách, công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất…), bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch.
Trước đó, Chỉ thị số 16 cũng có nêu rõ: "Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.
Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với chỉ thị số 16".
Đồng thời, tại thông báo số 110 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có nêu: "Các địa phương không "ngăn sông, cấm chợ", gây ách tắc lưu thông hàng hóa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Tăng cường kiểm soát chuyên gia, kỹ sư, công nhân, người lao động,.. đang làm việc ở vùng có dịch nhưng cư trú ở địa phương khác".
Ngoài ra, tại thông báo số 137 của Văn phòng Chính phủ có nêu: "Các địa phương chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan đến sinh kế của người dân".
Như vậy, có thể hiểu, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đạt mục tiêu kép “vừa chồng dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội” cần có phương án kiểm soát hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, cho việc di chuyển của công nhân, nhân viên, người lao động và chuyên gia từ các tỉnh, thành khác đến TP Hồ Chí Minh và ngược lại để làm việc.