Hiện nay, quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Giới chuyên gia, nhà tư vấn đã có những đánh giá, kiến nghị để cải thiện tình hình, từ đó giúp doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số thành công, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Chuyển đổi số còn chậm
Bà Đào Lương Hồng Nhung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tin học Xuất nhập khẩu Sơn Phát Thành cho biết, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ tiếp thị số để xây dựng hệ thống và nền tảng nhận diện, phát triển thương hiệu trên không gian mạng. Tuy nhiên hai năm qua, kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn do trình độ, năng lực, nhận thức của nhân viên, hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số còn thấp. Giải pháp chuyển đổi số và phần mềm có sẵn trên thị trường mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của công ty. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chưa nhận được hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính từ các chương trình của nhà nước dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp Việt Nam diễn ra chậm. Mặc dù doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, song việc ứng dụng vào thực tiễn không dễ dàng.
Trường học, cơ sở giáo dục cần phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế. (Ảnh: Hoàng Minh)
Ông Nguyễn Xuân Hiền, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số và phát triển bền vững cho rằng: "Ở Việt Nam hiện chỉ có doanh nghiệp quy mô lớn trở lên có lộ trình, đủ nguồn lực để đầu tư để được tư vấn, triển khai giải pháp phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ. Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước khi chuyển đổi số vẫn chưa định hình được mô hình kinh doanh của họ thay đổi thế nào khi môi trường kinh doanh thay đổi. Đặc biệt là những tiêu chuẩn, mục tiêu về phát triển bền vững hiện nay mà thế giới đang đặt ra".
Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), 80% lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi số, 65% sẵn sàng đầu tư vào chuyển đổi số. Tuy nhiên, 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhận thức trọn vẹn về vai trò của chuyển đổi số, còn thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ đủ mạnh, thiếu tư duy hoặc gặp thách thức về văn hóa kỹ thuật số.
Bà Lê Thị Hoàng Anh, chuyên gia tư vấn huấn luyện về năng suất chất lượng thuộc Tập đoàn Tuv Sud Việt Nam cho biết: "Thực tế hiện nay khi chúng tôi khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng về khả năng chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam theo công thức của một tập đoàn đã chuyển đổi số thành công trên toàn cầu thì một trong các vấn đề lớn của nguồn nhân lực Việt Nam đối với xu hướng chuyển đổi số là khả năng đáp ứng về công nghệ kém. Điều đó thể hiện qua tư duy, thói quen, thái độ và kỹ năng".
Chuyển đổi số phải bài bản
Chuyên gia Lê Thị Hoàng Anh kiến nghị, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình đào tạo theo hướng nhân bản, bài bản, giúp người lao động hiểu đúng, tư duy đúng về chuyển đổi số để có phương pháp tiếp cận chính xác từ đầu. Sau đó chuyển từ cách làm việc thủ công sang tạo dựng thói quen mới, chủ động tìm tòi giải pháp mới, kích hoạt năng lực sáng tạo trong doanh nghiệp; tìm kiếm chuyên gia, đối tác, nhà tư vấn, phối hợp với các nguồn lực hỗ trợ chuyển đổi số từ thị trường, chính phủ, tổ chức quốc tế… Đồng thời có sự cải tiến, đổi mới phù hợp với chuyển đổi số, tránh lãng phí nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Hiền cho rằng, doanh nghiệp cần phải có người tư vấn, dẫn dắt để có lộ trình cụ thể về chuyển đổi số bài bản, thay vì tự tìm tòi, cóp nhặt theo kiểu "được tới đâu, làm tới đó". Nếu không có người dẫn dắt, doanh nghiệp chưa chắc thu được hiệu quả, thậm chí có nguy cơ lỗ vốn.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp Việt Nam diễn ra chậm. (Ảnh minh họa)
Thạc sĩ John Nguyễn, chuyên gia Action Coach 4.0 – Học viện giáo dục Do Thái khẳng định, cần lập tức triển khai những hành động cụ thể, cam kết thay đổi để phù hợp với chuyển đổi số, vì đây không chỉ là xu thế mà là vấn đề sống còn. Theo ông Jonh Nguyễn, khi doanh nghiệp xây dựng hệ thống thành công, đột phá theo mô hình 6H (đơn giản hoá, quy trình hoá, công nghệ hoá, tự động hoá, hiệu quả hoá, nhân bản hóa) sẽ mang lại nhiều lợi ích, như: giảm chi phí vận hành ít nhất 50%, nâng cao hiệu quả, bắt kịp xu thế, giữ chân khách hàng cũ, gia tăng khách hàng mới, nâng cao tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, giúp kiểm soát chặt chẽ, nhanh chóng, kịp thời, minh bạch, giải phóng vai trò của lãnh đạo.
Theo Thạc sĩ John Nguyễn: "Việc chuyển đổi số là cấp thiết cho nên phải làm ngay, phải thay đổi hệ thống tư duy, suy nghĩ, ứng dụng hệ thống tư duy đó, truyền tinh thần đó tới từng cá nhân, doanh nghiệp. Thứ hai là lên kế hoạch thiết thực, quyết tâm mạnh mẽ và có lộ trình cụ thể".
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Phòng Huấn luyện - Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM khẳng định, thành phố sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuyển đổi số bền vững (Ảnh: Hoàng Minh)
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Phòng Huấn luyện - Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM khẳng định: Thành phố luôn nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn, cung cấp kiến thức phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng các phần mềm công nghệ, số hóa để giảm sức người, tối ưu chi phí mà còn là thay đổi tư duy vận hành và quản lý, là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.
Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 857.500 doanh nghiệp, riêng TP.HCM có 268.400 doanh nghiệp, chiếm 31,3% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó có 7.000 doanh nghiệp thông tin - truyền thông.
Theo thống kê, năm 2022, kinh tế số tại TP.HCM đã đóng góp GRDP ước đạt khoảng 1.479.227 tỷ đồng, tỷ trọng khoảng 19%. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu tỷ trọng kinh tế số 25% đến năm 2025 và 40% vào năm 2030, cao hơn mục tiêu quốc gia 5-10% để tiếp tục là đầu tàu kinh tế cả nước.
Theo Hoàng Minh/VOV-TP.HCM