Cạnh tranh khốc liệt
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội GDP. Thị trường bán lẻ rộng lớn nên các doanh nghiệp quốc tế đang chạy đua đầu tư giành thị phần.
Cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã khai trương Tổ hợp thương mại Lotte Mall West Lake Hanoi với vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD. Từ năm 2008 đến nay tập đoàn này đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD vào Việt Nam qua đó vận hành 270 nhà hàng Lotteria và 15 siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam. Dự kiến, thời gian tới, Lotte sẽ đầu tư khu phức hợp bao gồm trung tâm mua sắm, khách sạn, văn phòng… tại TP Hồ Chí Minh với số vốn lên đến gần 1 tỷ USD.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Go!Big C . Ảnh: Hoài Nam
Trong khi đó, GS Retail- một tập đoàn bán lẻ lớn khác của Hàn Quốc cũng đã mở hơn 200 cửa hàng tiện lợi GS25 tại Việt Nam và sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua ký kết hợp đồng đầu tư với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).
Về nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ngoại đổ tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam, Giám đốc điều hành Central Retail Việt Nam Olivier Langlet cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2023-2024 sẽ tăng trưởng từ 6,7-7,2%, trong khi Thái Lan chỉ tăng 3,5%/năm. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, trở thành mảnh đất mầu mỡ cho CRC Thái Lan đầu tư khai thác.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro Mart. Ảnh: Hoài Nam
Không chỉ Thái Lan, Hàn Quốc mới đẩy mạnh đầu tư mà nhiều kênh bán lẻ khác cũng tăng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Từ nay đến năm 2025, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) sẽ triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Giám đốc khu vực miền Bắc Aeon Việt Nam Satoshi Nishikawa cho biết, mục tiêu của Aeon là mở 30 trung tâm mua sắm và siêu thị bách hóa tổng hợp vào 2030.
Bán lẻ trong nước đau đầu tìm cách giữ thị phần
Trước xu thế các nhà bán lẻ ngoại ồ ạt gia nhập thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ nội như Satra, FPT Retail, Vincommer, Saigon Co.op… đang tích cực mở rộng hệ thống, tăng tốc chuyển đổi số để giữ thị phần.
Giám đốc Vận hành Hệ thống bán lẻ Winmart Nguyễn Trọng Tuấn thông tin, sau tái cấu trúc, WinCommerce của Tập đoàn Masan đang có hơn 3.400 điểm bán trên cả nước. Thời gian tới thay vì mở rộng mô hình siêu thị/đại siêu thị, để củng cố vị thế chuỗi bán lẻ Winmart tập trung vào phát triển thêm 1.000 cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini ở khu vực thành thị, nông thôn.
Tương tự, hệ thống siêu thị Co.op Mart đang sở hữu 130 siêu thị, cũng đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới phân phối để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 4% trong năm 2023. Trong khi đó, Tập đoàn THACO, sau khi mở thêm siêu thị Emart Sala (TP Thủ Đức), đã đặt mục tiêu mở tiếp 20 siêu thị Emart trong 5 năm tới, doanh thu đến năm 2026 dự kiến là 1 tỷ USD. Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, Emart Việt Nam cũng chú trọng đầu tư vào ứng dụng mua sắm trực tuyến, vận hành hệ thống lấy hàng tự động.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Win Mart. Ảnh: Hoài Nam
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, nhờ đẩy mạnh đầu tư, hiện doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế trên sân nhà khi sở hữu tới 70 - 80% số điểm bán hàng trên cả nước. Trong đó, có những doanh nghiệp như WinMart, Co.op Mart đang sở hữu hàng nghìn điểm bán.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% thị phần nên thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Các nhà bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều cơ hội bởi sân chơi bán lẻ đang thuộc về mình, hoàn toàn có thể nâng cấp, biến đổi, đưa ra những chiến lược, trải nghiệm mới, tăng doanh thu - lợi nhuận và hướng tới những khách hàng lớn.
Bởi vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian tới bên cạnh việc mở rộng, củng cố hệ thống phân phối hiện có, Bộ Công thương sẽ có giải pháp phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa. Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt qua đó mở rộng tiêu thụ hàng Việt. Đồng thời, phát triển các phương thức bán lẻ đa kênh đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.