KTech sẽ có 100% vốn sở hữu của Rikkeisoft nhằm phát triển và cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin giá trị cao và toàn diện cho thị trường công nghệ lớn nhất thế giới là Mỹ, góp phần thực hiện sứ mệnh "Nâng tầm giá trị Việt" của Rikkeisoft.
Ông Bùi Hoàng Tùng đã được bổ nhiệm cho vị trí Phó Chủ tịch Điều hành cấp cao của Rikkeisoft kiêm CEO của RKTech. Ông Tùng từng là cựu CEO của FPT USA, là một trong những người tiên phong, mở đường cho ngành dịch vụ CNTT Việt Nam trên thị trường toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản và Singapore.
Rikkeisoft là một trong những doanh nghiệp công nghệ Việt mang tầm nhìn trở thành doanh nghiệp toàn cầu ngay từ ngày đầu thành lập. Cho tới nay, doanh nghiệp đã phát triển vững chắc ở thị trường Nhật Bản. Rikkeisoft xác định năm 2023 sẽ đẩy mạnh mục tiêu “Go Global” để góp phần mang giá trị công nghệ và nhân lực Việt tới thị trường tiếng Anh nói chung và thị trường Mỹ nói riêng.
Chọn Mỹ là thị trường quốc tế tiếp theo tập trung phát triển, Chủ tịch Rikkeisoft Tạ Sơn Tùng cho rằng, việc mở rộng quy mô có thể giúp nhiều nhân sự Việt được làm việc tại thị trường công nghệ lớn nhất thế giới. Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển của Rikkeisoft tại quốc tế không chỉ dựa trên nguồn lực Việt mà còn là nguồn lực toàn cầu. Số lượng chi nhánh, văn phòng của Rikkeisoft tại thị trường Mỹ sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai.
“Dù vậy, cơ hội mới sẽ đi kèm thách thức mới. Rikkeisoft đã chuẩn bị để có bước đi vững chắc vào thị trường lớn này, đảm bảo chất lượng và quy trình nghiệp vụ như chứng chỉ quy trình sản xuất CMMi, bảo mật thông tin…Việc tiến sâu vào thị trường Mỹ là những mục tiêu lớn mà Rikkeisoft sẽ tập trung trong năm 2023 vì muốn thành công thì phải phát triển ở Mỹ. Xuất khẩu công nghệ tới thị trường công nghệ lớn nhất thế giới, RKTech sẽ có cơ hội tiếp cận với những công ty toàn cầu, góp phần đưa Rikkeisoft trở thành công ty tỷ đô trong tương lai”, ông Tạ Sơn Tùng nói.
Theo báo cáo 2022 của The Computing Technology Industry Association, doanh thu ngành công nghệ thông tin Mỹ năm 2022 đạt 1,8 nghìn tỷ USD, tỷ trọng phát triển phần mềm, phần cứng và dịch vụ công nghệ thông tin đạt 60%. Theo thống kê của Computer Economics năm 2022, 43% doanh nghiệp tại Mỹ đang có kế hoạch mở rộng hoạt động phát triển phần mềm với mong muốn giảm chi phí và chuyển đổi mô hình. Điều này cho thấy nhu cầu tìm kiếm và hợp tác với các công ty phát triển phần mềm của doanh nghiệp Mỹ vẫn tăng trong tương lai.
Theo VTC