Có thể yêu cầu ban đầu của nghề sale không quá cao nhưng để vượt qua buổi phỏng vấn, bạn vẫn cần phải chuẩn bị chu đáo. Theo đó, ít nhất bạn nên chuẩn bị kỹ cho 5 câu hỏi dưới đây khi đi phỏng vấn nhân viên kinh doanh.
Theo bạn, nhiệm vụ nào quan trọng nhất đối với nghề sale?
Phòng kinh doanh được coi là “xương sống” của công ty và nhân viên sales là tài sản quý của doanh nghiệp. Để chọn đúng người thì tiêu chí đầu tiên nhà tuyển dụng ở Bình Dương, Đồng Nai hay bất cứ địa phương nào khác tìm kiếm là ứng viên phải hiểu rất rõ nhiệm vụ của sales.
Không đơn giản nghề sale chỉ là có mỗi việc bán hàng. Bởi để bán được hàng, nhân viên kinh doanh sẽ phải làm nhiều việc, từ khai thác, tìm kiếm khách hàng, tư vấn, chăm sóc tới chốt đơn thậm chí còn tham gia cả các khâu hỗ trợ sau bán hàng. Các nhiệm vụ này nằm trong một quy trình và liên kết chặt chẽ với nhau.
Vì thế nếu muốn nói nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vụ nào là rất khó. Vậy nên, thay vì đưa ra một nhiệm vụ thì bạn hãy nói về mối liên quan mật thiết của những công việc trên. Sau cùng, hãy nhấn mạnh, nhân viên sale thành công hay không, được đo lường và hiển thị bằng những con số cụ thể. Bạn muốn “đủ số”, “vượt số” thì bạn phải làm rất giỏi nhiệm vụ “chốt sale”. Đây cũng chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của một sales.
Điều gì tạo nên một nhân viên kinh doanh xuất sắc?
Cùng với câu hỏi xác định vai trò và nhiệm vụ của nhân viên kinh doanh, nhà tuyển dụng còn muốn biết, bạn có tố chất để trở thành “best seller” không. Muốn biết điều này nhà tuyển dụng sẽ sử dụng câu hỏi: “Điều gì tạo nên một sales xuất sắc?”.
Bạn hãy chỉ ra những kỹ năng một nhân viên bán hàng cần phải có. Ví dụ: kỹ năng giao tiếp, thiết lập mục tiêu, quản lý thời gian, đàm phán, thuyết trình, xử lý khủng hoảng… Cùng với đó là những phẩm chất như kiên trì, biết ơn, thấu hiểu, trách nhiệm…
Hãy khéo léo chọn kỹ năng phù hợp với ngành hàng ứng tuyển. Hơn nữa, nó nên là kỹ năng bạn đang sở hữu. Hoặc dù còn non yếu nhưng bạn đã và đang rèn luyện để hoàn thiện.
Để thuyết phục thậm chí giúp nhà tuyển dụng hình dung, bạn sẽ là best seller tương lai, hãy đưa ra một vài trường hợp cụ thể. Ở đó, nhờ kỹ năng thành thạo, bạn đã chốt được hợp đồng lớn, dự án quan trọng, hoặc giúp mình luôn đạt doanh hiệu top 1, top 2 nhân viên bán hàng xuất sắc trong quá khứ.
Khi tư vấn cho khách hàng, bạn nói gì để bán được hàng?
Bản chất của bán hàng là thuyết phục khách hàng tin vào lời bạn nói và chấp nhận bỏ tiền ra mua niềm tin đó.
Bạn nên cho nhà tuyển dụng thấy, để thuyết phục khách hàng, bạn cần kết hợp nhiều năng lực bao gồm khả năng thấu hiểu vấn đề, nắm bắt tâm lý khách hàng, dẫn dắt cuộc trò chuyện. Thêm nữa, bạn cần cho khách hàng thấy được ưu việt của sản phẩm/dịch vụ công ty cung cấp. Nhưng tốt là chưa đủ, nó phải giải quyết được nhu cầu của họ và làm cho họ tin vào sản phẩm/dịch vụ và công ty cung cấp.
Vì thế rất khó để có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi: “Bạn sẽ nói gì với khách để bán được hàng?”. Điều quan trọng không phải sẽ nói gì mà trước khi nói, người bán hàng cần phải tin và hiểu rõ sản phẩm của công ty. Rồi sau đó, dành thời gian tìm hiểu, lắng nghe khách hàng để hiểu nhu cầu, đánh giá mức độ đáp ứng từ đó đưa ra cách nói phù hợp nhất.
Bạn sẽ làm gì nếu không đạt target?
Một sales dù ít hay nhiều kinh nghiệm, khi ở môi trường mới thì việc “thiếu số” là điều khá phổ biến. Vậy nên điều nhà tuyển dụng muốn khi đặt câu hỏi về target trong cuộc phỏng vấn nhân viên kinh doanh là cách bạn đối diện và xử lý nó ra sao.
Câu trả lời như: “Em chán nản, muốn bỏ cuộc, muốn nghỉ việc”. Hoặc biện hộ cho bản thân và đổ lỗi như: sản phẩm công ty chưa tốt, đồng đội không hỗ trợ... sẽ không được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Thay vào đó, bạn nên thừa nhận và đối mặt với tinh thần không bỏ cuộc. Theo đó, bạn hãy nhận trách nhiệm về bản thân. Sau đó, đưa ra một số nguyên nhân cho vấn đề và phương án khắc phục nó trong tương lai.
Bạn có sẵn sàng với công việc áp lực?
Ai cũng có thể trở thành nhân viên kinh doanh. Nhưng để thành công với nghề này và tiến xa hơn thì không nhiều. Bởi nghề này không dành cho những bạn thích an nhàn, không thích cạnh tranh, ngại va chạm, làm việc theo giờ hành chính…
Không chỉ là áp lực doanh số mà còn về thời gian, đối thủ, khách hàng thậm chí áp lực với đồng đội và chính mình. Nhưng bạn sẵn sàng với nó bởi có áp lực mới có thành công. Bạn hiểu rõ mình sẽ nhận được giá trị gì khi theo đuổi nghề này. Với giá trị đó, bạn coi “áp lực” chính là cơ hội để trưởng thành.
Nên khi đã chọn là một sales và muốn trúng tuyển, bạn cần khẳng định với nhà tuyển dụng những điều trên với tinh thần: sẵn sàng với áp lực.
Trên đây là 5 câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh thường gặp. Hi vọng gợi ý trên giúp bạn thể hiện thành công hình ảnh một best seller tương lai với nhà tuyển dụng và vượt qua buổi phỏng vấn thành công!
Mai Hương