Kỷ lục mới của chung cư Hà Nội 700 triệu đồng/m2
Dù dịch bệnh kéo dài, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, khu vực kinh doanh lưu trú và mặt bằng cho thuê “xuống dốc không phanh” thì thị trường bất động sản phân khúc nhà ở, căn hộ vẫn có những siêu dự án chào bán với giá kỷ lục.
Báo cáo thị trường bất động sản quý 2 năm 2021 của Bộ Xây dựng ghi nhận Hà Nội, TP.HCM đang có những dự án ở vị trí đặc biệt, trung tâm, có mức chào bán rất cao.
Theo đó, tại TP.HCM, dự án One Central Saigon (Quận 1) có mức giá bán dự kiến khoảng 650 - 800 triệu đồng một m2; dự án Spirit Of Saigon (quận 1) giá khoảng 400 triệu đồng một m2…
Tại Hà Nội, dự án The Grand Hàng Bài (tại 22- 24 Hàng Bài, Hai Bà Trưng) thuộc vị trí đất vàng của Hà Nội, với giá chào bán 570-700 triệu đồng một m2. Một căn chung cư diện tích 120 m2 có giá lên tới 84 tỷ đồng (gần 3,7 triệu USD).
Đây cũng là dự án có giá kỷ lục về đền bù giải phóng mặt bằng khi giá đền bù lên đến gần 500 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đât cũng là một dự án chậm tiến độ nhiều năm, hiện mới được triển khai xây dựng.
Dự án này cũng lập kỷ lục mới về giá nhà chung cư tại Hà Nội. Trước đây, dự án cải tạo chung cư ở 30 Lý Thường Kiệt có những căn hộ thương mại được chào bán với giá 300 triệu đồng/m2.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản, những siêu dự án sẽ có số lượng ít ỏi trên thị trường là một phân khúc riêng. Đối tượng khách hàng của phân khúc này sẽ khó bị ảnh hưởng tài chính do dịch bệnh. Do đó, những siêu dự án vẫn có thể thanh khoản được khi người mua các căn hộ này muốn chuyển lượng tiền lớn sang tài sản cố định.
2 năm không kinh doanh được nhà phố cổ vẫn hét giá cao
Ngoài những siêu dự án với những căn chung cư hàng triệu USD, thị trường nhà đất Hà Nội cũng rầm rộ thông tin rao bán nhà mặt phố, đặc biệt là khu vực phố cổ, quanh Hoàn Kiếm (Hà Nội) nơi được mệnh danh "đất kim cương".
Tại các phố như Hàng Bông, Hàng Bạc, Đinh Liệt… lượng tin rao bán tăng mạnh, mức giá dao động khoảng từ 800 - 1,1 tỷ đồng/m2. Có những căn nhà trên phố Hàng Bông chào bán với mức giá gần 1,8 tỷ đồng/m2. Theo người dân mức giá này so với trước thời kỳ dịch đã giảm khoảng 5 - 7% và có thể giảm thêm.
Anh Nguyễn Văn Dũng môi giới nhà đất tại khu vực quận Hoàn Kiếm cho hay, thực tế khu vực phố cổ đa phần khách mua để làm khách sạn hoặc cho thuê cửa hàng, kinh doanh phục vụ khách du lịch nước ngoài. Giá thuê mặt bằng tại khu vực phố cổ có thể lên tới 200 - 300 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, 2 năm qua với 4 đợt dịch đã khiến việc cho thuê mặt bằng kinh doanh “bết bát”, giá cho thuê giảm 30 - 50% vẫn vắng khách thuê.
“Do khó khăn trong kinh doanh do dịch bệnh, cửa hàng, khách sản trên phố cổ không hoạt động được nhiều người muốn bán để chuyển hướng đầu tư, vì thế lượng tin mua bán nhà đất khu vực này tăng nhưng đó là lượng tin tăng còn giao dịch thực rất ít vì những bất động sản lớn khó bán trong thời điểm dịch bệnh” - anh Dũng nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, bất động sản khu vực phố cổ đã được tạo ra từ hàng thế kỷ, đã hoàn thiện từ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và dịch vụ, nên giá trị của nó là không thể đo đếm được. Trước dịch, ở phố cổ rất khan hiếm nguồn cung, thị trường không giao dịch nên nó khẳng định giá trị thực của nhà đất phố cổ.
“Đợt dịch Covid-19 này ảnh hưởng nặng nề đến thị trường bất động sản, nếu Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian tới thì quý 4 năm 2021 thị trường có thể phần nào hồi phục. Giá nhà đất sau dịch giữ ở mức nhất định, có tăng nhưng không nhiều do giá nguyên liệu đầu vào bất động sản tăng, giao dịch cũng khó sôi động được vì các dòng tiền trong xã hội cũng cạn kiệt sau 2 năm dịch bệnh” - ông Nguyễn Văn Đính nói./.