Có vẻ như những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của đại đa số các bạn trẻ. Giãn cách xã hội kéo dài liên tục đã khiến các cửa hàng buôn bán trực tiếp không thể tiếp tục duy trì, do đó doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đang dần chuyển hướng hoàn toàn vào hình thức kinh doanh và mua sắm trực tuyến.
Không còn rào cản giữa người tiêu dùng và hàng hóa, tất cả chỉ cần thông qua một cú nhấp chuột thì bạn đã thành công thêm vào giỏ hàng của mình hàng chục, thậm chí hàng trăm món hàng và chờ đợi 2-3 ngày vận chuyển để được cầm trên tay. Sự tiện lợi của mua sắm online đã khiến sàn thương mại điện tử trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, tâm lý hưởng thụ cuối năm để bù đắp cho những tháng ngày cày cuốc đã qua đã làm dân tình trở nên thoáng tay hơn cho những khoản chi tiêu mua sắm. Một số người trẻ còn cho rằng mua sắm cũng là một trong những cách tự thưởng cho bản thân, nếu không thì e rằng năm sau sẽ chẳng còn động lực mà cày cuốc nữa. Tâm lý này dễ dàng nhận thấy ở hội bạn trẻ đặc biệt là Gen Z đang dần làm quen với tư duy và lối sống "YOLO - You only live once" - "Bạn chỉ sống một lần". Họ cho rằng mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống do đó phải sống theo ý thích để nó trở nên thật ý nghĩa.
Một số Gen Z còn cho rằng mua sắm chính là cách giúp xả stress tốt nhất mà họ nhận thấy từ trước đến giờ. Cảm giác cầm trên tay những món đồ mới khiến mọi mệt nhọc tan biến hoàn toàn. Trớ trêu hơn, món đồ càng đắt sẽ đem lại cho chủ nhân của chúng những khoái cảm càng cao.
Một nguyên nhân khác nữa khiến dân tình chi tiêu quá mức cũng đến từ thị trường, khi mà các nhà kinh doanh liên tiếp tung ra những chương trình khuyến mãi, sale sập sàn để đánh vào tâm lý ham giá rẻ của mọi người. Hình thức livestream chốt đơn đang trở thành một trào lưu cũng như là một phương pháp buôn bán không thể thiếu đối với những nhà kinh doanh từ lớn đến nhỏ. Một năm có 12 tháng thì có đến hàng chục dịp sale: sale giữa tháng, sale cuối tháng, sale cuối năm, Black Friday... Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của những chương trình như thế và chúng ta đã chốt đơn liên tục mà không cần suy nghĩ.
Tuy nhiên, tâm lý này dễ dẫn đến những mối lo đã được cảnh báo từ trước. Đó chính là tình trạng suy kiệt tài chính do lối sống "vung tay quá trán". Nếu không cảnh giác, bạn sẽ dễ dàng rơi vào vòng xoay chi tiêu vô tội vạ và trở thành nạn nhân bởi chính quyết định của mình. Không khó để bắt gặp những bạn trẻ lương chưa tới 10 triệu nhưng trên người không bao giờ thiếu những món đồ hiệu, điện thoại đời mới đổi liên tục để bắt trend với xã hội rồi cuối tháng lên mạng xã hội than thở cuộc sống khó khăn. Cũng có những người đã hơn 30 tuổi nhưng tài khoản tiết kiệm còn chưa tới 100 triệu , bởi họ chỉ toàn bỏ tiền ra mua tiêu sản thay vì tài sản. Đó chính là hậu quả của việc yêu chiều bản thân quá mức.
Mặt khác, những hiểm họa khôn lường từ việc bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng cũng không phải hiếm gặp, đặc biệt trong dịp cuối năm khi nhu cầu mua sắm của mọi người tăng cao cũng là lúc tội phạm mạng hoạt động hết công suất. Những kẻ xấu lợi dụng việc người mua sắm ít nghi ngờ thông qua các trang web giả mạo, các liên kết độc hại, và thậm chí cả các tổ chức từ thiện giả mạo. Mục tiêu của chúng rất đơn giản: nắm giữ thông tin cá nhân và tài chính của bạn để xâm phạm dữ liệu, chèn phần mềm độc hại, đánh cắp danh tính của bạn và lấy tiền của bạn.
Và nếu bạn cho rằng mình không đáng trở thành mục tiêu của những kẻ xấu như vậy, hãy suy nghĩ lại. Tội phạm không cần biết số tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn là bao nhiêu. Dù nhiều hay ít chúng cũng sẽ quét sạch mà không chừa một đồng nào. Không ít trường hợp người ngủ một đêm đến sáng thì phát hiện tiền trong tài khoản ngân hàng đã không cánh mà bay. Lúc này việc tìm lại số tiền đã bị mất trở nên khó khăn hơn nhiều vì thủ thuật của bọn tội phạm mạng ngày càng tinh vi.
Một vài tips hay ho mà bạn có thể học tập để tránh hiện tượng "cháy túi" vì mua sắm quá mức hay bị mất tiền oan là hãy nên cân nhắc thật kỹ trước những món đồ mà mình cần mua, đặt hạn mức tiêu dùng cho thẻ tín dụng của bạn. Đơn giản hơn, bạn hãy xóa hết những ứng dụng mua sắm online không cần thiết để hạn chế thói quen thêm vào giỏ hàng của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải tự đặt ra những mục tiêu tài chính quan trọng và tuân thủ duy trì nữa nhé.
Pháp luật & Bạn đọc