Có nên đặt quá nhiều câu hỏi về lương khi phỏng vấn xin việc hay không? Đây là khúc mắc mà hầu hết ứng viên đều quan tâm. Bạn biết đấy, lương là một chủ đề khá nhạy cảm, yêu cầu bạn có những kỹ năng nhất định để quá trình đàm phán diễn ra thuận lợi, vui vẻ.
Trước khi chia sẻ một số điều bạn nên lưu tâm khi đề cập đến chủ đề lương trong buổi phỏng vấn, xin được giải đáp thắc mắc “Có nên hỏi quá nhiều về lương khi phỏng vấn xin việc hay không?” như sau.
Khi tham gia phỏng vấn, đặt câu hỏi về lương là điều hoàn toàn bình thường. Trong trường hợp thông tin tuyển dụng không đưa ra con số cụ thể trên các website hỗ trợ tìm việc mà chỉ đề cập đến mức lương thỏa thuận thì ứng viên hoàn toàn có quyền đặt ra các câu hỏi liên quan đến mức lương mà mình sẽ nhận được. Tuy nhiên, việc hỏi quá nhiều về lương thì hoàn toàn không nên. Điều này khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn quá quan tâm đến mức lương, không thực sự chú tâm đến mức độ phù hợp với công việc cũng như môi trường và văn hóa công ty. Với ấn tượng không mấy tốt đẹp này, kết quả phỏng vấn của bạn có thể bị ảnh hưởng không nhỏ.
Vậy, những điều cần lưu ý khi đề cập đến lương là gì?
Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Hãy thực sự khéo léo trong việc sử dụng từ ngữ vì cách bạn dùng từ sẽ khiến tâm trạng của người nghe có sự thay đổi đáng kể. Hãy sử dụng “Mức lương dự kiến cho vị trí này là bao nhiêu?” thay vì “Em sẽ nhận được bao nhiêu cho vị trí này?” hay “Công ty sẽ trả lương bao nhiêu cho vị trí này?”.
Bên cạnh đó, bạn có thể chia sẻ khoảng lương mà bạn mong muốn thay vì chia sẻ con số chính xác cho vị trí công việc mà bạn ứng tuyển.
Đặt câu hỏi đúng thời điểm
Hỏi sớm, không bằng hỏi đúng lúc. Vậy, thời điểm nào là đúng lúc?
Thời điểm phù hợp nhất để hỏi về lương là lúc gần kết thúc buổi phỏng vấn xin việc hoặc khi nhà tuyển dụng chủ động đề cập đến vấn đề này. Tuyệt đối không đề cập đến mức lương quá sớm, đặc biệt là khi vừa bắt đầu buổi phỏng vấn. Như đã nói, điều này khiến nhà tuyển dụng nhận thấy bạn chỉ chăm chăm vào vấn đề tiền bạc mà thôi.
Hiển nhiên, ai cũng mong muốn tìm một công việc lương cao để trang trải cuộc sống và để sống tốt hơn. Tuy nhiên, thay vì “tấn công” nhà tuyển dụng một cách trực diện, bạn hãy đề cập đến vấn đề này một cách tinh tế hơn.
Hãy chứng giá trị, minh năng lực, kinh nghiệm của bản thân, nhất là những gì bạn có thể đóng góp cho công ty để nhà tuyển dụng chủ động đưa ra mức lương phù hợp dành cho bạn.
Tự nhận thức được giá trị của chính mình
Khi bạn hiểu được mình là ai giữa thị trường lao động, bạn sẽ phần nào hiểu được điều gì bản thân nên nói, điều gì không và thái độ nói chuyện như thế nào là phù hợp.
Khi bạn đã có kinh nghiệm làm việc tại nhiều môi trường lớn, đã có nhiều thành tích được ghi nhận trước đó và tự tin vào chuyên môn của bản thân, bạn có thể thoải mái đề cập đến mức lương mong muốn của mình. Trong quá trình trao đổi, bạn cần thể hiện phong thái tự tin trong từng câu nói, cử chỉ, đừng ngại thương lượng một cách công bằng khi bạn có đủ cơ sở để làm điều đó.
Tuy nhiên, khi bạn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, chưa được cọ xát nhiều với môi trường làm việc thực tế, đặc biệt là với những bạn trẻ mới ra trường thì không nên quan tâm quá nhiều đến vấn đề lương khi xin việc. Ở vị thế của bạn lúc này, điều bạn cần nhất là trau dồi kinh nghiệm sống và kinh nghiệm làm việc. Sự đòi hỏi quá sớm sẽ khiến bạn thành những kẻ không biết lượng sức.
Tìm hiểu kỹ càng về mặt bằng lương trên thị trường
Đừng quên tìm hiểu về mức lương trung bình trên thị trường cho vị trí mà bạn ứng tuyển. Điều này sẽ giúp bạn đàm phán mức lương phù hợp vị trí công việc mà trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng của bạn, đồng thời tránh nhận phải mức lương quá thấp so với mặt bằng chung.
Không đề cập đến mức lương ở công ty cũ
Việc đề cập đến mức lương ở công ty cũ sẽ khiến bạn gặp phải một số bất lợi trong quá trình đàm phán lương. Vì lẽ đó, hãy hạn chế đề cập tới mức lương của bạn ở công ty cũ. Nếu nhà tuyển dụng cố gắng khai thác chủ đề này, bạn có thể dùng lý do bảo mật thông tin để từ chối những câu hỏi đó. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhấn mạnh rằng, mức lương cũ chỉ thể hiện năng lực của bạn ở quá khứ, với những kỹ năng và kiến thức hiện tại của bạn thì mức lương đó không còn phù hợp và không có giá trị tham khảo nữa.
Trên đây là những chia sẻ chân thực nhất xoay quanh câu hỏi: “Có nên hỏi quá nhiều về lương trong quá trình phỏng vấn xin việc?”. Tin rằng giờ đây bạn đã tìm được đáp án cho riêng mình. Chúc bạn có một buổi phỏng vấn vui vẻ không quạu và đạt được mức lương mong muốn.
Hải An